Cuộc họp nhằm duy trì hoạt động vận tải biển, cảng biển, xuất nhập khẩu thông suốt với mức giá tối ưu nhất. Đặc biệt, không để tình trạng hàng hóa vận tải bằng đường biển bị ách tắc, kìm hãm sự phát triển của nền kinh tế trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp và kéo dài.

Hãng tàu lý giải cước vận chuyển container tăng phi mã
Hãng tàu lý giải cước vận chuyển container tăng phi mã

Trao đổi tại cuộc họp, chủ tịch các Hiệp hội Hồ tiêu, Hiệp hội Rau quả, Hiệp hội Dệt may, Hiệp hội Nhựa… đều có ý kiến phản ánh về tình trạng thiếu container rỗng và giá cước tăng cao của các hãng tàu. Song song đó, xuất hiện hiện tượng hủy chuyến, lên tàu mới báo giá, chính sách giá cước liên tục thay đổi, khách hàng khó đặt chỗ trực tiếp với hãng tàu mà phải thông qua các forwarder…

Đặc biệt, cơ chế tính phụ phí của các hãng tàu hiện chưa rõ ràng, với nhiều loại phụ phí phát sinh gây bức xúc và khó khăn cho các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Trước phản ánh trên, một số hãng tàu như CMA-CGM, Evergreen, COSCO… khẳng định không thiếu vỏ container rỗng, các phụ phí được niêm yết công khai trên website. Việc chênh lệch giữa giá cước niêm yết và giá cước thực tế là do yếu tố cung cầu và tùy thuộc sự thương lượng giữa chủ hàng và forwarder (đại lý giao nhận). Do đó, các hãng không can thiệp vào việc thỏa thuận này.

Tuy nhiên, theo Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Dịch vụ logistics Việt Nam, về các phụ phí và lộ trình tăng giá, hãng tàu chưa có giải trình phù hợp, do đó về mặt lâu dài, các hạng mục này cần đưa vào danh sách quản lý.

Về các nội dung liên quan đến phụ phí, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng đề nghị các doanh nghiệp cung cấp thông tin tới các cơ quan quản lý nhà nước để tiến hành xác minh điều tra nếu có hiện tượng thổi giá làm lũng loạn thị trường. Ngoài ra, đơn vị này cũng đề xuất công khai giá theo hình thức điện tử để thuận tiện cho doanh nghiệp trong việc cập nhật thông tin.

Đồng thời, Hiệp hội Doanh nghiệp Dịch vụ logistics Việt Nam kiến nghị Bộ Tài chính, Bộ Giao thông vận tải xem xét sửa đổi luật quy định các doanh nghiệp kinh doanh vận tải biển, phải thực hiện kê khai giá thay vì chỉ quy định niêm yết giá như hiện nay. 

Nhằm đảm bảo quyền lợi về giá cước vận tải cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu Việt Nam, Phó Cục trưởng Cục Hàng hải Hoàng Hồng Giang cho rằng cần xây dựng một hệ thống giải pháp, như minh bạch giá cước bằng sàn giao dịch, minh bạch về chất lượng dịch vụ, tăng cường kiểm tra, giám sát việc niêm yết giá của hãng vận tải nước ngoài theo quy định hiện hành… Đồng thời, đảm bảo thủ tục thông thoáng, hạ tầng luồng lạch cho tàu lớn làm hàng thuận lợi, không để xảy ra tình trạng ùn tắc.

Về lâu dài, Việt Nam cần có đội tàu container tham gia vận chuyển tuyến xa và dần dần chiếm lĩnh thị phần, góp phần thay đổi tập quán mua CIF, bán FOB (những điều kiện giao hàng phổ biến) như hiện nay. Việc hình thành đội tàu container mạnh không chỉ đơn thuần hạn chế sự chèn ép của các hãng tàu nước ngoài về giá cước cũng như phụ phí mà về lâu dài là công cụ để bảo đảm an ninh kinh tế của đất nước, thực hiện tốt các hiệp định FTA đã ký với EU, Mỹ, Hàn Quốc, Nhật...

Theo congly.vn

Nguồn: https://congly.vn/hang-tau-ly-giai-cuoc-van-chuyen-container-phi-ma-193310.html