Nhằm tiếp thực hiện nhiệm vụ tại kết luận số 77 về chủ trương khắc phục tác động của đại dịch Covid-19 để phục hồi và phát triển nền kinh tế đất nước của Bộ Chính trị ban hành ngày 5-6-2020; Bộ Công Thương thời gian qua đã tập trung, chủ động triển khai quyết liệt, đồng bộ và có hiệu quả nhiều giải pháp hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, tục triển khai các giải pháp hỗ trợ hoạt động lưu thông, tiêu thụ sản phẩm hàng hóa bền vững, hiệu quả hơn nữa cần có nhiều hơn những giải pháp căn cơ, bài bản mang tính chất dài hạn trong thời gian tới thông qua tăng cường hoạt động đối thoại đa chiều, Bộ Công Thương (Vụ Thị trường trong nước) phối hợp với Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh đồng chủ trì, tổ chức “Hội nghị kết nối cung cầu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế”.
Tại hội nghị, các nội dung thảo luận xoay quanh các chủ đề như: Kinh tế Việt Nam trong bối cảnh dịch Covid-19; Tác động của dịch covid đến chuỗi cung ứng; Khuynh hướng thay đổi tiêu dùng tại Việt Nam; Công tác xúc tiến thương mại nhằm thực hiện nhiệm vụ kết nối tiêu thụ hàng nông sản chủ lực trong bối cảnh mới; Ứng dụng công nghệ đáp ứng yêu cầu kết nối cung cầu; Thách thức trong việc triển khai sản xuất cung ứng trong bối cảnh dịch bệnh; Kinh nghiệm tiếp thị và xúc tiến bán hàng trong thời gian giãn cách xã hội...
Ở thị trường châu Á, theo báo cáo của Nielsen, số người tiêu dùng mới bị ảnh hưởng bởi Covid-19 đã tăng gấp đôi lên 46%. Điều này làm ảnh hưởng không nhỏ đến tổng cầu tiêu dùng. Doanh số bán lẻ trong nước đã giảm hơn 33% vào tháng 8 và 28% vào tháng 9 so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải, dịch bệnh đã lan rộng, diễn biến phức tạp, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất kinh doanh và tiêu thụ sản phẩm, đặc biệt là việc tiêu thụ nông sản ở cả thị trường trong và ngoài nước. Không chỉ vậy, đại dịch còn làm ảnh hưởng đến hoạt động cung - cầu, làm đứt gãy chuỗi cung ứng do thiếu nguồn lao động thu hoạch, chế biến và sản xuất; làm hạn chế việc lưu thông, vận chuyển hàng hóa giữa các địa phương…
Ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương nhận định, dịch bệnh diễn biến phức tạp tại nhiều quốc gia trên thế giới đã làm ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng hàng hóa ở cả hai chiều cung-cầu. Ở giai đoạn đầu của dịch bệnh, bên cạnh vấn đề suy giảm tổng cầu, các doanh nghiệp cũng phải đối mặt với vấn đề thiếu nguồn cung, bao gồm cả đầu vào nguyên liệu thô và nhân công không đủ đáp ứng. Một số ngành công nghiệp chế biến chịu tác động mạnh như ngành dệt may, da giày do đứt gãy chuỗi cung ứng nguyên liệu đầu vào, cầu vào giảm mạnh và xuất khẩu giảm sút nghiêm trọng, đặc biệt là xuất khẩu tới các thị trường truyền thống như Mỹ, EU…
Trên thế giới, dịch bệnh đã làm ảnh hưởng đến vận tải toàn cầu, đẩy chi phí vận tải biển tăng cao kỷ lục, gây ra hiện tượng mất cân bằng vỏ container… Sự lây lan của Covid-19 đã và đang làm gián đoạn phương pháp vận hành chuỗi cung ứng toàn cầu khiến doanh nghiệp khó mô hình hóa và đánh giá rủi ro. Covid-19 là phép thử mạnh với sức chống chịu của nền kinh tế và doanh nghiệp. Rõ ràng, chuỗi cung ứng trên mọi quốc gia, kể cả Việt Nam, và trên mọi ngành kinh tế đều chịu ảnh hưởng nghiêm trọng. Dịch bệnh đã khiến doanh nghiệp nhận thức sâu sắc về vai trò của hoạt động logistics và quản lý chuỗi cung ứng đối với sự sống còn của doanh nghiệp.
Bà Nguyễn Thị Minh Huyền – Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (TMĐT) cho biết, trong bối cảnh dịch bệnh, các chương trình do Cục TMĐT chủ trì phối hợp với các đơn vị liên quan như Vụ Thị trường trong nước, Cục Xúc tiến thương mại… tổ chức nhằm đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số, ứng dụng thương mại điện tử đã hỗ trợ đắc lực việc vừa đảm bảo lưu thông hàng hóa vừa phòng chống dịch bệnh.
Trong giai đoạn phục hồi kinh tế, việc kết hợp phương thức phân phối hiện đại-thương mại điện tử và phương thức phân phối truyền thống là giải pháp tất yếu căn cơ cho hoạt động kết nối cung cầu, đảm bảo lưu thông hàng hóa, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Hoạt động XTTM để thực hiện nhiệm vụ kết nối tiêu thụ đối với các mặt hàng nông sản đóng vai trò quan trọng trong việc mở rộng, phát triển, tìm kiếm thị trường tiêu thụ ổn định và có giá trị gia tăng cao. Thời gian tới, nhóm giải pháp ngắn hạn sẽ tập trung vào: Tăng cường cung cấp thông tin thị trường, xúc tiến thương mại; Hỗ trợ thương nhân đẩy mạnh tiêu thụ nông sản qua kênh thương mại điện tử.
Liên quan đến giải pháp đẩy mạnh tiêu thụ nông sản qua kênh thương mại điện tử, Phó Cục trưởng Cục TMĐT ông Hoàng Minh Chiến cho biết thêm, các chương trình hỗ trợ địa phương phát triển thương mại điện tử, đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm địa phương, sản phẩm Việt uy tín qua thương mại điện tử, qua Gian hàng Việt trực tuyến quốc gia đã được triển khai mạnh mẽ từ năm 2020. Trong 9 tháng đầu năm 2021, Cục TMĐT đã hỗ trợ thành công gần 20 địa phương cả nước tiêu thụ sản phẩm địa phương nói chung, nông sản tới vụ nói riêng qua việc phương thức phân phối kết hợp online - offline.
Tham dự Hội nghị với vai trò đại diện của doanh nghiệp, đại diện Cty CP TMDV Tổng hợp WinCommerce, Tập đoàn Central Retail Việt Nam… chia sẻ, mặc dù chịu ảnh hưởng lớn vì dịch bệnh, song doanh nghiệp cam kết đồng hành cùng Chính phủ, Bộ Công Thương và địa phương nhằm cung ứng hàng hoá đầy đủ cho người dân trong mọi hoàn cảnh. Đại diện Tập đoàn Central Retail Việt Nam khẳng định quan điểm: “Là một doanh nghiệp FDI, nhưng tôn chỉ hoạt động của Central Retail luôn vì người Việt và hành động như một doanh nghiệp địa phương”.
Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh Võ Trí Thành cho biết, so với cùng kỳ năm trước, doanh số bán lẻ giảm hơn 33% vào tháng 8-2021 và hơn 28% vào tháng 9-2021. Công nghiệp tăng trưởng tốt vào tháng 5, bắt đầu chậm lại vào tháng 6, không có tăng trưởng trong tháng 7, bắt đầu giảm mạnh vào tháng 8 và tiếp tục giảm mạnh vào tháng 9. Đa số các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo suy giảm vào tháng 8. Trong khi đó, xuất khẩu tiếp tục tăng trưởng mạnh, ước tăng 18,8% trong 9 tháng đầu năm. Sự phục hồi của nền kinh tế sẽ phục thuộc vào những yếu tố chính như kiểm soát dịch bệnh như thế nào, thay đổi chiến lược phòng chống dịch và chính sách tiền tệ ra sao.
Các chuyên gia cho rằng, để duy trì sản xuất kinh doanh, nếu như giai đoạn trước, việc phòng chống dịch hướng tới mô hình tập trung với vai trò chủ thể là địa phương thì thời gian tới, cần hướng tới vai trò chủ thể là doanh nghiệp. Bởi doanh nghiệp cần duy trì sản xuất và họ sẽ có ý thức làm sao để đảm bảo an toàn nhất cho hoạt động sản xuất kinh doanh của mình.
Các địa phương cần quy trình thông suốt, tránh sự phân mảnh, cắt khúc trong quy trình chống dịch hiện nay, giúp doanh nghiệp chủ động xây dựng phương án phòng tránh, ứng phó với dịch bệnh, duy trì sản xuất kinh doanh, duy trì ổn định chuỗi cung ứng. Các doanh nghiệp nên có phương thức kinh doanh phù hợp. Dịch bệnh khiến doanh nghiệp không thể duy trì được sản xuất kinh doanh như bình thường và tình trạng này sẽ còn kéo dài. Cho nên, cần tính toán xem có thể thay đổi phương thức kinh doanh theo hướng kết hợp trực tiếp và trực tuyến.
Bên cạnh đó, dịch Covid-19 cũng được xem là phép thử cho doanh nghiệp. Cùng với dịch bệnh, doanh nghiệp cũng phải đối diện với nhiều yếu tố rủi ro khác như thiên tai, rủi ro thị trường… Cho nên việc xây dựng chiến lược quản lý rủi ro thực chất hơn là việc của tất cả doanh nghiệp. Bên cạnh đó, tình trạng thiếu hụt nhân lực là điều đáng lo ngại nhất. Vừa rồi khi TP Hồ Chí Minh nới lỏng giãn cách, nhiều người lao động đã trở về địa phương. Cho nên việc cần thiết là làm sao sắp xếp nhân sự thay thế. Ngoài ra, đẩy mạnh chuyển đổi số để đa dạng phương thức kinh doanh.
Nguồn: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/xu-huong-tang-cuoc-van-tai-van-chua-co-dau-hieu-dung-lai-262604.html