Liên tiếp phát hiện các sản phẩm phòng dịch không rõ nguồn gốc

Bộ kit test nhanh Covid-19, khẩu trang y tế và nước sát khuẩn giá rẻ là những sản phẩm liên quan trực tiếp đến sức khỏe con người  cần được các cơ quan chuyên môn của Bộ Y tế kiểm nghiệm và cấp phép. Tuy nhiên, trước tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, nhiều đối tượng lợi dụng đầu cơ, sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ để trục lợi.

Theo số liệu công bố Ban Chỉ đạo chống buôn lậu, gian lận và hàng giả TP. Hà Nội, các lực lượng chức năng đã kiểm tra 335 vụ, xử lý hành chính 270 vụ liên quan đến các mặt hàng khẩu trang, vật tư, trang thiết bị y tế phòng dịch. Trong đó, khẩu trang và nước rửa tay kháng khuẩn là những sản phẩm không đảm bảo chất lượng được các đối tượng trục lợi sản xuất nhiều nhất.

Bộ kit xét nghiệm được rao bán trôi nổi trên mạng có giá từ 750 - 1 triệu đồng.
Bộ kit xét nghiệm được rao bán trôi nổi trên mạng có giá từ 750.000 nghìn đồng đến 1 triệu đồng.

Ngày 20/5, Đội Quản lý thị trường (QLTT) số 14, Cục QLTT TP. Hà Nội đã kiểm tra điểm tập kết hàng hóa tại sảnh số 1, tòa nhà Hapulico, số 1 Nguyễn Huy Tưởng (quận Thanh Xuân, Hà Nội), phát hiện 300 chai nước sát khuẩn tay có dấu hiệu giả nhãn hiệu Asirub.

Tại thời điểm kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện và thu giữ 300 chai loại 500ml nước sát khuẩn tay mang nhãn hiệu Asirub (đóng trong 15 thùng), công dụng ghi trên thân chai là "chế phẩm sát khuẩn tay nhanh dùng trong gia dụng và y tế". Đặc biệt, trên vỏ chai có dán "xác thực chống hàng giả" với các mã số, tem, vạch đầy đủ. Làm việc với Đội QLTT số 14, chủ lô hàng khai nhận toàn bộ số hàng trên được nhập về để giao lên khu vực Hapulico đóng gói và chuyển đi tiêu thụ tại các tỉnh.

Cũng trong tháng 5/2021, Công an quận Bắc Từ Liêm (Hà Nội) đã phát hiện và thu giữ 71.000 chiếc khẩu trang không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc được một đối tượng người nước ngoài mua trên mạng internet, sau đó vận chuyển bằng xe ô tô đưa đi tiêu thụ.

Không chỉ mặt hàng khẩu trang, nước rửa tay sát khuẩn, gần đây trên mạng xã hội còn xuất hiện một mặt hàng được rao bán trôi nổi trên mạng là Bộ kit test nhanh Covid-19

Theo quảng cáo, đây là 1 trong 2 bộ kit xét nghiệm được cấp phép bán tại hiệu thuốc nội địa của Hàn Quốc. Một bộ gồm 2 test dùng cho 2 người hoặc 2 lần sử dụng, có kết quả ngay sau 15 phút. Bộ kit xét nghiệm nhanh Covid-19 có giá 750.000 đồng gồm 2 bộ dùng được cho 2 người, đợi 15 phút sẽ có kết quả, hiện 1 vạch là âm tính, 2 vạch là dương tính.

Việc lấy mẫu cũng được người bán quảng cáo là "cực kỳ dễ dàng" bằng cách "dùng que lấy dịch ở mũi, sau đó bơm vào dung dịch và chờ kết quả".

Vừa qua, ngày 9/6, Đội Quản lý thị trường số 13 (Cục QLTT TP. Hà Nội) phối hợp với Đội Cảnh sát kinh tế - Công an quận Cầu Giấy kiểm tra và tạm giữ 400 hộp dụng cụ xét nghiệm covid-19 nhãn hiệu Q Standard Covid-19 Ag Home Test chưa xuất trình được hóa đơn, chứng từ chứng minh tính hợp pháp của hàng hóa. Mỗi hộp chứa 2 bộ test nhanh Covid-19.

Trước đó, đội QLTT số 1 (Cục QLTT TP. Hà Nội) khi kiểm tra cơ sở kinh doanh trang thiết bị y tế thuộc Công ty cổ phần tổng hợp Lâm Khang tại địa chỉ số 151-C3, khu đô thị Đại Kim (quận Hoàng Mai, Hà Nội) do bà Đào Hồng Thắm là giám đốc, đã phát hiện 29 hộp test nhanh COVID-19. Mặt sau vỏ hộp còn thể hiện nội dung "HANGZHOU TESTSEA BIOTECHNOLOGY CO.LTD CHINA". Chủ cơ sở không xuất trình được các hóa đơn chứng từ hợp pháp, đồng thời khai nhận đã mua trên mạng Internet.

Hậu quả khôn lường

Trước tình trạng các loạt kit xét nghiệm nhanh Covid-19 được rao bán trên mạng, các chuyên gia y tế cảnh báo, người tiêu dùng nên thận trọng bởi hậu quả khôn lường.

Chuyên gia y tế, PGS.TS. Trần Đắc Phu - nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Cố vấn Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam (Bộ Y tế) cho biết, các sinh phẩm, kit xét nghiệm SARS-CoV-2 muốn nhập khẩu Việt Nam phải được Hội đồng thẩm định, Vụ Trang thiết bị và Công trình y tế (Bộ Y tế) thẩm định và cấp phép mới được lưu hành. Việt Nam đã quy định, kể cả các test (xét nghiệm) nhanh cũng phải được sử dụng ở phòng thí nghiệm và phải bảo đảm an toàn sinh học.

Theo PGS.TS. Trần Đắc Phu, kit xét nghiệm nhanh SARS-CoV-2 rao bán tràn lan có thể là giả, khi thử có thể cho kết quả không đúng. Như vậy, khi xét nghiệm không những không phát hiện ra bệnh mà còn có nguy cơ phát tán và lây lan dịch bệnh ra cộng đồng. Bộ Y tế không khuyến khích người dân tham gia xét nghiệm và tự xét nghiệm sàng lọc SARS-CoV-2, bởi lẽ nếu xét nghiệm có kết quả âm tính sẽ gây tâm lý chủ quan, lơ là trong phòng chống dịch.

Luật sư Trương Quốc Hòe
Luật sư Trương Quốc Hòe

Trao đổi với phóng viên, luật sư Trương Quốc Hòe (Đoàn luật sư Hà Nội) cho biết, trước tình hình dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp, một số các đối tượng, cơ sở kinh doanh đã lợi dụng để sản xuất, rao bán những hàng hóa nhập lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ kém chất lượng… Đây đều là những hành vi trái pháp luật, gây thiệt hại đến quyền lợi của người tiêu dùng. Tùy thuộc vào nội dung, tính chất và mức độ vi phạm thì những hành vi trái pháp luật này có thể bị xử lý vi phạm hành chính về các hành vi buôn bán, kinh doanh hàng giả, hàng hóa nhập lậu, hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ theo các quy định tại Điều 9, Điều 11, Điều 15 và Điều 17 của Nghị định số 98/2020/NĐ-CP ngày 26/8/2020 của Chính phủ; hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự về một trong các tội danh như: Tội “Buôn lậu”; tội “Sản xuất, buôn bán hàng giả” …

Để ngăn chặn và xử lý kịp thời tình trạng hàng giả, hàng kém chất lượng trôi nổi trên mạng, Luật sư Hòe cho rằng, cần thiết phải có sự quản lý chặt chẽ, giám sát từ các lực lượng chức năng và xử lý nghiêm khắc các hành vi gian dối, trục lợi.

Theo Đỗ Việt/Congly.vn

Nguồn: https://congly.vn/canh-bao-chat-luong-cac-san-pham-phong-dich-khong-ro-nguon-goc-tren-mang-189176.html