Theo báo cáo cập nhật ngành ngân hàng của Chứng khoán Yuanta (Yuanta Việt Nam), chuyên gia cho rằng tiền gửi không kỳ hạn (CASA) sẽ có xu hướng giảm ít nhất là trong nửa đầu năm 2023 vì lãi suất tiền gửi có thể sẽ vẫn ở mức cao. Tuy nhiên Yuanta kỳ vọng tỷ lệ CASA sẽ tăng trong nửa cuối năm.
Bên cạnh đó, các chuyên gia dự báo thu nhập lãi ròng năm 2023 sẽ tăng 12% so với năm trước. Theo đó, tỷ lệ thu nhập lãi thuần (NIM) sẽ bị thu hẹp trong nửa đầu năm 2023 do chi phí vốn cao và nguồn vốn ngắn hạn được sử dụng cho các khoản vay trung và dài hạn thấp hơn. Tuy nhiên, ước tính NIM sẽ cải thiện trong nửa cuối năm 2023 khi thanh khoản trở nên tốt hơn.
Ngoài ra, thu nhập phí năm 2023 sẽ tăng 20% so với năm trước. Doanh thu bancassurance có thể sẽ tăng trưởng chậm lại trong năm 2023 trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng có thể thấp hơn cùng kì.
Chi phí tín dụng cũng được dự báo sẽ tăng trong năm 2023 do các khoản nợ xấu phát sinh từ các ngành rủi ro như ngành bất động sản. Do đó, Yuanta dự báo trích lập dự phòng sẽ tăng 13% so với năm trước trong năm 2023.
Trích lập dự phòng năm 2022 là 120.000 tỷ đồng, đi ngang so với năm trước đó. Các ngân hàng có tỷ lệ bao phủ nợ xấu (LLR) cao và chất lượng tài sản vững chắc, chẳng hạn như Vietcombank và ACB đã giảm chi phí trích lập dự phòng để tăng lợi nhuận trong năm 2022. Tuy nhiên, các ngân hàng khác đã tăng trích lập dự phòng trong năm 2022 để chuẩn bị cho khả năng chất lượng tài sản bị giảm do các khoản nợ xấu liên quan đến ngành bất động sản.
Trong năm 2023, các ngân hàng có tỷ lệ LLR thấp sẽ tiếp tục tăng trích lập dự phòng trong năm 2023, trong khi các ngân hàng có tỷ lệ LLR cao, đặc biệt là Vietcombank sẽ linh hoạt trong việc giảm trích lập dự phòng để tăng lợi nhuận trong năm 2023.
Ngoài ra, bảng xếp hạng CAMEL của Yuanta cho thấy Vietcombank, Techcombank, ACB và MB vẫn giữ vị thế top 4 trong quý IV/2022.
Theo đó, ACB và Vietcombank tiếp tục có chất lượng tài sản ổn định thể hiện qua tỷ lệ nợ xấu (NPL) thấp và tỷ lệ bao phủ nợ xấu (LLR) cao. Hai ngân hàng này không/gần như không đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp, tạo nên niềm tin cho các nhà đầu tư trước những lo ngại liên quan đến trái phiếu doanh nghiệp.
Phân tích theo mô hình CAMEL là một phương pháp phân tích tình hình hoạt động và rủi ro của ngân hàng. Cụ thể, CAMEL là viết tắt chữ cái đầu tiếng anh của 5 chỉ tiêu: Capital Adequacy (Mức độ an toàn vốn), Asset Quality (Chất lượng tài sản), Management (Quản trị), Earnings (Thu nhập), Liquidity (tính thanh khoản).
Nguồn: https://congly.vn/kinh-doanh/ngan-hang/casa-nganh-ngan-hang-du-bao-giam-trong-nua-dau-nam-503312.html