Theo đó, số ngày có chỉ số chất lượng không khí (AQI) ở mức “Kém” đã giảm nhẹ và thay vào đó là những ngày CLKK ở mức “Trung bình”, số ngày AQI ở mức “Tốt” không thay đổi.

Tại các trạm quan trắc không khí nền đô thị như Chi cục Bảo vệ môi trường, Kim Liên, Tân Mai, Mỹ Đình và Tây Mỗ, trong tuần này CLKK có phần xấu hơn so với tuần trước đó.

Tại 2 điểm quan trắc chất lượng không khí giao thông tại UBND phường Minh Khai và Phạm Văn Đồng, trong tuần này CLKK ở cả hai trạm đều có xu hướng tốt hơn tương đối so với tuần trước, cụ thể trạm Minh Khai có 100% số ngày trong tuần có AQI ở mức “Trung bình”, trong khi trạm Phạm Văn Đồng giảm còn 28,57% số ngày AQI ở mức “Kém”, không xuất hiện AQI đạt mức ‘Tốt” ở hai trạm.

Chất lượng không khí Hà Nội tuần qua có xu hướng tốt lên

Đối với các trạm quan trắc nội đô như Hoàn Kiếm, Hàng Đậu và Thành Công, CLKK trong tuần này cũng đã thay đổi khá tích cực so với tuần trước.

Xuất hiện ngày AQI đạt mức “tốt”, đồng thời số ngày AQI ở mức “Kém” giảm xuống.

Cụ thể là Trạm Hoàn Kiếm có 14,28% số ngày AQI ở mức “Tốt” – còn lại ở mức “Trung bình”, trạm Thành Công có 100% số ngày AQI ở mức “Trung bình”. Trạm Hàng Đậu không thay đổi so với tuần trước về tỉ lệ số ngày AQI mức “Kém” và “Trung bình”.

Theo Chi cục BVMT Hà Nội, trong tuần vừa qua, điều kiện thời tiết nhiều gió, quang mây và nhiệt độ chênh lệch ngày đêm không quá lớn nên các chất gây ô nhiễm trong không khí có điều kiện được khuếch tán một phần nên chất lượng không khí đã được cải thiện hơn so với tuần trước đó.

Tuy nhiên, trời vẫn khô hanh và thiếu những cơn mưa nên một số ngày chỉ số AQI vẫn ở mức “Kém”. Tuần qua ghi nhận CLKK tại các trạm giao thông và nội đô có dấu hiệu tích cực hơn trong khi CLKK ở một số trạm nền đô thị lại có xấu hướng xấu đi.

Hà Nội là một thành phố bụi vào loại dày đặc nhất Việt Nam với mật độ cao ở khu với nội đô và đang tăng nhanh ở ngay cả khu vực ngoại ô. Do đó, việc “cải thiện chất lượng không khí” đã trở nên bức thiết.

Nguyên nhân gây ô nhiễm không khí ở Hà Nội chủ yếu từ các nguồn tại chỗ, như hoạt động giao thông, xây dựng, sản xuất công nghiệp, đốt rơm rạ, đốt rác và một số nguồn vận chuyển từ xa.

Ô nhiễm không khí ở Hà Nội thường tăng cao vào giờ cao điểm, từ 60% đến 70% bụi mịn do ôtô, xe máy thải ra. Những năm qua, quá trình đô thị hóa gia tăng đã khiến tình trạng ô nhiễm không khí tại Hà Nội ngày càng đáng báo động.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ước tính ô nhiễm không khí gây ra khoảng 7 triệu ca tử vong sớm mỗi năm, trở thành nguy cơ môi trường lớn nhất đối với sức khỏe con người. Trung bình cứ 10 người thì có 9 người đang sống trong bầu không khí không đáp ứng được các tiêu chí về chất lượng không khí của WHO. TP.Hà Nội thường xuyên được xếp vào nhóm các thành phố ô nhiễm không khí nhất Đông Nam Á, đặc biệt vào mùa đông, khi thời tiết thường xuyên xảy ra hiện tượng nghịch nhiệt khiến chất ô nhiễm không khuếch tán được.

Theo Kinh Tế Môi Trường