Thủ tướng chính phủ Nguyễn Xuân Phúc |
Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3-2019
Tại Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3-2019, Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương, tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước quyết liệt thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ kế hoạch năm 2019; quan tâm giải quyết toàn diện các vấn đề xã hội, đặc biệt là văn hóa ứng xử, đạo đức; tập trung tháo gỡ sản xuất kinh doanh...
Trong đó, Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan, địa phương theo chức năng, nhiệm vụ được giao tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng thực chất, hiệu quả, thúc đẩy đổi mới sáng tạo và ứng dụng khoa học công nghệ; triển khai thực hiện quyết liệt, hiệu quả những giải pháp tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng năm 2019, tập trung vào: (1) Tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu nông, lâm, thủy sản; (2) Tăng cường tận dụng cơ hội từ Hiệp định thương mại tự do, nhất là CPTPP, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, giảm nhập siêu; (3) Thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, theo dõi sát tình hình hoạt động của doanh nghiệp, các dự án lớn để tháo gỡ kịp thời các vướng mắc; (4) Đẩy mạnh phát triển dịch vụ, nhất là những ngành dịch vụ bán buôn, bán lẻ, logistics, du lịch, công nghệ thông tin, tài chính, ngân hàng; (5) Đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu giải ngân 100% vốn đầu tư công; (6) Tiếp tục cải thiện mạnh mẽ, thực chất môi trường đầu tư, kinh doanh, nhất là một số văn bản quy định pháp luật đang gây vướng mắc, ảnh hưởng đến sự phát triển.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu đảm bảo trật tự ATGT dịp Lễ 30-4 - 1-5
Thủ tướng Chính phủ có công điện 402/CĐ-TTg về việc phục vụ nhu cầu đi lại của nhân dân và bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trong dịp nghỉ Lễ 30-4 và 01-5-2019.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ ngành, địa phương tăng cường thực hiện các giải pháp nâng cao năng lực, bảo đảm an toàn và chất lượng dịch vụ vận tải hành khách, đáp ứng nhu cầu vận tải tăng cao trong dịp nghỉ Lễ, nhất là trên các tuyến kết nối Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, các địa điểm du lịch, khu vui chơi giải trí và đầu mối giao thông lớn; yêu cầu các đơn vị vận tải tuân thủ quy tắc giao thông, phòng ngừa tai nạn đường đèo dốc, đường ngang đường sắt; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, đặc biệt là vi phạm về tốc độ, chở quá số người quy định, lấn chiếm hành lang an toàn giao thông đường thủy, tăng giá vé trái quy định; tăng cường bảo đảm an ninh, trật tự tại các cảng hàng không, nhà ga, bến xe và các điểm du lịch, lễ hội lớn. Tăng cường khai thác, sử dụng dữ liệu thu được từ thiết bị giám sát hành trình của xe ô tô để kiểm tra, xử lý đối với các trường hợp vi phạm.
Khắc phục tình trạng chưa thực thi quy định về quản trị doanh nghiệp
Báo Đấu thầu ngày 26-3-2019 đưa tin, theo khảo sát, có tới 80 nghìn công ty cổ phần là công ty gia đình (bố, mẹ, con sở hữu cổ phần) và nhiều công ty cổ phần không biết hội đồng quản trị, đại hội đồng cổ đông là gì. Có trên 90% doanh nghiệp chép điều lệ mẫu trong Luật Doanh nghiệp. Nếu công ty gia đình chưa thành lập hội đồng quản trị thì gần như không bị phạt. Quản trị kinh doanh ở Việt Nam xếp vị trí thứ 81/100 nền kinh tế được đánh giá. Trong Luật Doanh nghiệp năm 2000, 2005, 2014, phần quản trị doanh nghiệp gần như không được thực thi nhiều.
Về nội dung nêu trên, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư theo chức năng, nhiệm vụ được giao, nghiên cứu, có giải pháp phù hợp nhằm khắc phục tình trạng nêu trên, trường hợp vượt thẩm quyền, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Khẩn trương khắc phục tình trạng nợ đọng văn bản
Để khẩn trương khắc phục tình trạng nợ đọng các văn bản quy định chi tiết thi hành các Luật, pháp lệnh đã có hiệu lực từ ngày 1-1-2019 và bảo đảm tiến độ ban hành các văn bản quy định chi tiết thi hành các luật có hiệu lực từ ngày 1-7-2019, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ trưởng phải trực tiếp chỉ đạo việc soạn thảo, khẩn trương hoàn thiện, trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành trước ngày 15-4-2019 đối với các văn bản nợ đọng quy định chi tiết thi hành các luật, pháp lệnh có hiệu lực từ ngày 1-1-2019; ban hành trước ngày 15-5-2019 đối với các văn bản quy định chi tiết thi hành các luật, pháp lệnh có hiệu lực từ ngày 1-7-2019.
Quy định mới về giao nhiệm vụ, đặt hàng, đấu thầu cung cấp dịch vụ công
Chính phủ đã ban hành Nghị định 32/2019/NĐ-CP quy định giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu cung cấp sảm phẩm, dịch vụ công sử dụng ngân sách nhà nước từ nguồn kinh phí chi thường xuyên.
Theo đó, dịch vụ sự nghiệp công sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước thực hiện theo các phương thức: Giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu.
Còn sản phẩm, dịch vụ công ích thực hiện theo các phương thức: Đặt hàng, đấu thầu (hoặc giao nhiệm vụ trong trường hợp pháp luật chuyên ngành quy định).
Nghị định cũng quy định cụ thể điều kiện giao nhiệm vụ cung cấp dịch vụ sự nghiệp công sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước, điều kiện đặt hàng cung cấp dịch vụ sự nghiệp công sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước và quy định về đấu thầu cung cấp dịch vụ sự nghiệp công sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước.
Quy định xử lý kỷ luật CBCCVC vi phạm Luật Tố cáo
Chính phủ đã ban hành Nghị định 31/2019/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp tổ chức thi hành Luật Tố cáo, trong đó quy định xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức, viên chức có hành vi vi phạm Luật Tố cáo.
Cụ thể, người có thẩm quyền giải quyết tố cáo, người tố cáo là cán bộ, công chức, viên chức có hành vi vi phạm pháp luật tố cáo thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật theo quy định của pháp luật và quy định tại Nghị định này hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự. Trường hợp gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật về trách nhiệm bồi thường của Nhà nước.
Làm rõ nguyên nhân vụ cháy nhà xưởng gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình yêu cầu Bộ Công an, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội chỉ đạo các lực lượng chức năng điều tra làm rõ nguyên nhân vụ cháy nhà xưởng tại ngõ 01 phố Đại Linh, phường Trung Văn, quận Nam Từ Liêm, thành phố Hà Nội gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, làm nhiều người chết, xử lý nghiêm vi phạm theo đúng quy định của pháp luật.