Kiềm chế chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng dưới 4% năm 2020 là chỉ tiêu, yêu cầu quan trọng hàng đầu trong điều hành kinh tế vĩ mô. Theo các chuyên gia, với những yếu tố tác động cả trong nước lẫn quốc tế, cũng như chính sách của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đang thực hiện, CPI năm nay hoàn toàn trong kiểm soát và khó có thể gây “sốc”.
CPI tăng chậm lại
Trên thực tế, CPI trong các tháng gần đây có xu hướng tăng, dù không quá cao. Tháng 7-2020, CPI tăng 0,4% so với tháng 6. Còn CPI tháng 6 tăng 0,66% so với tháng 5. Nguyên nhân chủ yếu là do nhóm giao thông tăng tới 3,91% dưới ảnh hưởng của việc tăng giá xăng dầu. Bình quân 7 tháng năm 2020, CPI tăng 4,07% so với cùng kỳ năm 2019.
Dù mức tăng CPI chậm lại, nhưng trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân, yêu cầu đặt ra vẫn là tiếp tục tìm giải pháp và tận dụng những “dư địa” còn lại để khống chế chỉ số giá ở mức dưới 4% như đã ấn định từ đầu năm. Hơn thế, cần hướng tới mục tiêu đưa CPI xuống mức thấp nhất có thể nhằm hỗ trợ đời sống người dân, góp phần bảo đảm an sinh, giữ ổn định đời sống, tâm lý xã hội.
Vậy, những yếu tố nào có thể tác động đến chỉ số giá những tháng tới?
Từ góc độ tiêu dùng, hầu hết các hộ gia đình cho rằng giá cả thị trường trong tháng 7 và tháng 8 tương đối ổn định. Bà Phạm Thị Thư, phường Mai Động (quận Hoàng Mai) cho biết, hầu hết giá các mặt hàng, nhất là thực phẩm, rau quả không có đột biến lớn; thịt lợn đang tiếp đà giảm giá, hiện thấp hơn hẳn so với thời điểm tháng 5 và 6.
Thực tế trên cũng tương đồng với đánh giá của Tổng cục Thống kê, khi giá thịt lợn bán lẻ - một trong những yếu tố khiến CPI tăng, từ tháng 7 đến nay đã giảm 2,48% so với tháng 6, nhờ nguồn cung tăng nhanh. Trong khi đó, giá bán một số thực phẩm tươi sống cũng giảm 0,45% do sức cầu của xã hội giảm.
Tuy nhiên, giá xăng dầu thời gian tới vẫn là ẩn số, bởi phụ thuộc rất lớn vào diễn biến thị trường thế giới. Ngoài ra, tháng 9 là thời điểm khai giảng năm học mới, nhu cầu mua sắm đồ dùng, thiết bị học tập gia tăng. Tiếp đó, thời điểm cuối năm, nhu cầu tiêu dùng của xã hội thường tăng cao. Đặc biệt, các chuyên gia cho rằng, trong bối cảnh giải ngân vốn đầu tư công được đẩy mạnh dẫn đến tăng lượng cung tiền, có thể gây áp lực lạm phát nếu không có chính sách điều hành phù hợp.
Đồng bộ giải pháp
Theo Phó Viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính (Bộ Tài chính) Nguyễn Đức Độ, do dịch Covid-19, hoạt động sản xuất, kinh doanh toàn cầu vẫn trầm lắng và khó hồi phục sớm nên mức cầu nhiên liệu chưa thể tăng mạnh. Kể cả khi các quốc gia khống chế được dịch bệnh, giá dầu thô sẽ xoay quanh mức 40 USD/thùng, vì vậy khó có thể gây ảnh hưởng hay đủ lực đẩy CPI tăng đột ngột.
Nguyên Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm cũng cho rằng, nhìn chung CPI vẫn trong kiểm soát. Yếu tố làm tăng CPI là giá thịt lợn đã không còn ảnh hưởng nặng nề như trước và nguồn cung ở ngay trong nước đang tăng lên. Đồng thời, khi dịch Covid-19 còn phức tạp thì giá xăng dầu khó có thể tăng mạnh.
Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long nhìn nhận, để ứng phó với diễn biến thị trường quốc tế khó đoán định và phức tạp, đòi hỏi phải có giải pháp đồng bộ, linh hoạt. "Thời gian tới, cần tập trung khống chế tăng giá một cách hiệu quả, kể cả xem xét vấn đề giá sách giáo khoa, dịch vụ giáo dục. Ngoài ra, nên phối hợp hài hòa giữa việc sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu cũng như các công cụ khác, phát huy tối đa khả năng sản xuất xăng dầu của các nhà máy trong nước để có điều kiện chủ động hơn trong điều hành giá", ông Ngô Trí Long đề xuất.
Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Thị Hương thông tin, CPI cả nước đang trong xu hướng tăng chậm lại, tạo ra sự an toàn nhất định và thuận lợi hơn cho nhiệm vụ kiềm chế lạm phát. Đây cũng là yếu tố quan trọng có tác dụng ổn định tâm lý đối với toàn xã hội, nhất là xét trong bối cảnh gần 31 triệu người lao động đang chịu ảnh hưởng, giảm thu nhập do dịch Covid-19.
"Do mức cầu của xã hội không cao, tỷ giá tiền đồng Việt Nam với ngoại tệ mạnh khá ổn định cũng như thu nhập của đa số người lao động vẫn hạn chế nên khó tạo ra "cú sốc" về CPI. Việc các địa phương đang tranh thủ thời gian tái đàn lợn để bổ sung mặt hàng quan trọng này trên thị trường cũng sẽ giúp kiềm chế lạm phát", bà Nguyễn Thị Hương nhận định.
Ông Nguyễn Bích Lâm cho biết, Chính phủ đã chỉ đạo từ nay đến hết năm 2020, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước triển khai linh hoạt chính sách tài khóa, tiền tệ, bảo đảm ổn định vĩ mô, tránh để xảy ra diễn biến bất lợi với nền kinh tế. Trong đó, mục tiêu kiềm chế lạm phát vẫn được chú trọng bên cạnh các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho hay, Chính phủ đã giao Bộ nghiên cứu, đề xuất gói hỗ trợ lần thứ hai nhằm tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh và bảo đảm an sinh xã hội, theo hướng bao quát hơn, tập trung vào doanh nghiệp và ổn định đời sống nhân dân.
Tổng cục Thống kê dự báo mức lạm phát năm 2020 sẽ được giữ trong khoảng 3,5-3,9%; cùng với chính sách hỗ trợ bảo đảm an sinh xã hội sẽ góp phần ổn định đời sống nhân dân trong bối cảnh dịch bệnh tác động xấu đến kinh tế - xã hội.