Theo Tổng cục Thống kê, bình quân 11 tháng năm 2020, CPI tăng 3,51% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó: CPI khu vực thành thị tăng 3,13%, khu vực nông thôn tăng 3,87% so với cùng kỳ năm trước.
Lạm phát cơ bản 11 tháng năm 2020 tăng 2,43% so với cùng kỳ năm 2019. Tháng 1 và tháng 2/2020 là tháng Tết nên nhu cầu mua sắm tăng cao, giá các mặt hàng lương thực bình quân 11 tháng năm 2020 tăng 4,37% so với cùng kỳ năm trước góp phần làm cho CPI chung tăng 0,16%.
Giá các mặt hàng thực phẩm bình quân 11 tháng năm 2020 tăng 13,32% so với cùng kỳ năm trước góp phần làm cho CPI tăng 2,83% chủ yếu do giá các mặt hàng thực phẩm tươi sống tăng cao dịp Tết Nguyên đán, nhất là giá mặt hàng thịt lợn tăng cao do nguồn cung chưa được đảm bảo. Giá thịt lợn tăng 63,7% so với cùng kỳ năm trước làm cho CPI chung tăng 2,16%.
Do ảnh hưởng từ dịch COVID-19 trên thế giới vẫn còn phức tạp, nhu cầu về một số loại vật tư y tế, thuốc phòng và chữa bệnh phục vụ trong nước và xuất khẩu ở mức cao nên giá các mặt hàng này có xu hướng tăng nhẹ.
Bình quân 11 tháng năm 2020, giá thuốc và thiết bị y tế tăng 1,38% so với cùng kỳ năm trước; giá dịch vụ giáo dục 11 tháng năm 2020 tăng 4,33% so với cùng kỳ năm 2019 do các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện tăng học phí năm học mới 2020-2021 theo lộ trình của Nghị định số 86/2015/NĐ-CP ngày 2/10/2015 của Chính phủ.
Theo Tổng cục Thống kê, bên cạnh các nguyên nhân làm tăng CPI, có một số nguyên nhân kiềm chế CPI 11 tháng năm 2020 là giá xăng dầu trong nước bình quân 11 tháng năm 2020 giảm 23,03% đã tác động làm CPI chung giảm 0,83%; giá dầu hỏa bình quân 11 tháng năm 2020 giảm 31,4% so với cùng kỳ năm trước. Giá xăng dầu trong nước giảm giá theo giá nhiên liệu thế giới, tính đến ngày 25/11/2020, bình quân 11 tháng năm 2020 giá dầu Brent ở mức 42,53 USD/thùng giảm 33,63% so với cùng kỳ năm trước.
Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, nhu cầu đi lại của người dân giảm, bình quân 11 tháng năm 2020 so với cùng kỳ năm trước, giá vé máy bay giảm 34,61%; giá vé tàu hỏa giảm 2,14%.
Tính riêng tháng 11/2020, trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng chính, có 3 nhóm hàng giảm giá, 7 nhóm hàng tăng giá và 1 nhóm hàng giá ổn định.
Trong đó, nhóm giao thông có mức giảm nhiều nhất (giảm 0,47%) so với tháng trước, góp phần giảm CPI chung 0,05%, chủ yếu do giá xăng, dầu được điều chỉnh giảm.
Trong 7 nhóm hàng tăng giá, nhóm may mặc, mũ nón và giầy dép có mức tăng cao nhất (tăng 0,14%) so với tháng trước do thời tiết chuyển mùa nhu cầu mua sắm giầy dép quần áo của người dân tăng.
Nhóm hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,12% so với tháng trước do tăng giá ở các mặt hàng: đồ trang sức tăng (do giá vàng tăng), các vật dụng phục vụ cưới hỏi (do đang vào mùa cưới hỏi), dịch vụ phục vụ cá nhân (do nhu cầu tăng khi chuyển mùa).
Nhóm nhà ở vật liệu xây dựng tăng 0,07% so với tháng trước do tăng giá chủ yếu ở mặt hàng gas và thép tăng theo giá thế giới…