Theo Tổng cục Thống kê, giá xăng dầu, giá gas tăng theo giá nhiên liệu thế giới; giá nhà ở thuê tăng trở lại sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát; giá hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng thiết yếu tăng theo giá nguyên liệu đầu vào và giá xăng dầu là nguyên nhân chính làm CPI tháng 3/2022 tăng 0,7% so với tháng trước, tăng 1,91% so với tháng 12/2021 và tăng 2,41% so với cùng kỳ năm 2021.

Chỉ số giá tiêu dùng tháng 3: 10/11 nhóm hàng tăng giá
Chỉ số giá tiêu dùng tháng 3: 10/11 nhóm hàng tăng giá

Trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng chính, có 10 nhóm hàng tăng giá so với tháng trước; riêng nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống giảm giá. Trong đó, nhóm giao thông có mức tăng cao nhất với 4,8% do ảnh hưởng của đợt điều chỉnh giá vào ngày 1, 11 và 21/3 làm chỉ số giá xăng, dầu tăng 13,44% (tác động CPI chung tăng 0,48 điểm phần trăm).

Nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 1,49% do giá dầu hỏa tăng 18,18%; giá gas tăng 9,33%; giá thuê nhà tăng 3,26%; giá vật liệu bảo dưỡng nhà ở tăng 1,56%; giá điện và nước sinh hoạt lần lượt tăng 1,51% và tăng 0,12% do nhu cầu sử dụng điện, nước trong tháng tăng cao.

Nhóm hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,46% chủ yếu do giá nhóm đồ trang sức tăng 5,17% theo giá vàng trong nước; dịch vụ cắt tóc gội đầu tăng 0,98%; vật dụng và dịch vụ về cưới hỏi tăng 0,79%; vật dụng và dịch vụ thờ cúng tăng 0,25%.

Nhóm văn hóa, giải trí và du lịch tăng 0,21% do các hoạt động trên cả nước đang trở về trạng thái “bình thường mới” sau nhiều tháng chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19, giá du lịch trọn gói tăng 0,61%; vé thuê chỗ chơi thể thao tăng 0,31%; khách sạn, nhà khách tăng 0,29%; xem phim, ca nhạc tăng 0,27%; thiết bị, dụng cụ thể thao tăng 0,06%...

 Nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá giảm duy nhất là Nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống, giảm 0,27% (tác động CPI chung giảm 0,09 điểm phần trăm). Trong đó, lương thực tăng 0,17% (tác động CPI chung tăng 0,01 điểm phần trăm); thực phẩm giảm 0,48% (tác động làm CPI chung giảm 0,1 điểm phần trăm); ăn uống ngoài gia đình tăng 0,08% (tác động làm CPI chung tăng 0,01 điểm phần trăm).

CPI bình quân quý I/2022 so với cùng kỳ năm 2021 tăng 1,92% do một số nguyên nhân chủ yếu: Giá xăng dầu trong nước tăng 48,81% so với cùng kỳ năm trước (tác động làm CPI chung tăng 1,76 điểm phần trăm); giá gas tăng 21,04% (tác động làm CPI chung tăng 0,31 điểm phần trăm);

Giá vật liệu bảo dưỡng nhà ở tăng 8,08% so với cùng kỳ năm trước do giá xi măng, sắt, thép, cát tăng theo giá nguyên nhiên vật liệu đầu vào (tác động làm CPI chung tăng 0,16 điểm phần trăm);

Giá gạo tăng 1,1% so với cùng kỳ năm trước (tác động làm CPI chung tăng 0,03 điểm phần trăm) do giá gạo trong nước tăng theo giá gạo xuất khẩu và nhu cầu tiêu dùng gạo nếp và gạo tẻ ngon trong dịp Tết Nguyên đán và Rằm tháng Giêng tăng cao.

Lạm phát cơ bản tháng 3/2022 tăng 0,29% so với tháng trước, tăng 1,09% so với cùng kỳ năm trước. Trong quý I/2022, lạm phát cơ bản bình quân tăng 0,81% so với bình quân cùng kỳ năm 2021, thấp hơn mức CPI bình quân chung (tăng 1,92%), điều này phản ánh biến động giá tiêu dùng chủ yếu do giá lương thực, xăng, dầu và gas tăng. 

Theo baodansinh.vn

Nguồn: https://baodansinh.vn/chi-so-gia-tieu-dung-thang-3-10-11-nhom-hang-tang-gia-20220329210601.htm