Tại sao thủ tục quản lý đất lại nhiêu khê đến thế, gây lãng phí nhiều thời gian và làm mất hết cơ hội đầu tư? Tại sao riêng tờ giấy phép xây dựng trong dự án đầu tư đã có sức mạnh vô hiệu hóa mọi văn bản pháp lý khác, nhất là giấy phép đầu tư, sổ đỏ cấp cho đất được đầu tư phù hợp các quy hoạch sử dụng đất và quy hoạch chi tiết 1/500 đã được phê duyệt?
“Chậm” hay “virus trì trệ”, trong nhiều năm qua dường như đã trở thành căn bệnh mãn tính đặc trưng cho nhiều hoạt động của các cấp, ngành khác nhau, đặc biệt trong quản lý nhà nước và dịch vụ công.
Trong cuộc họp của Thường trực Chính phủ chiều 12/2/2020 về đánh giá tác động của tình hình dịch bệnh do chủng mới của virus Corona (COVID-19), cập nhật kịch bản tăng trưởng năm 2020 và các giải pháp chỉ đạo, điều hành để thực hiện các chỉ tiêu phát tiển kinh tế - xã hội năm 2020, Thủ tướng nhấn mạnh: Nếu chỉ lo chống dịch, mà không lo phát triển kinh tế, giữ gìn quốc phòng, an ninh, bảo đảm an sinh xã hội, thì không thể nói là hoàn thành tốt nhiệm vụ. Nhiệm vụ năm 2020 được giao rất nặng nề; Chúng ta phải chống cả 2 loại virus, một là virus Corona và một loại virus nữa là “virus trì trệ”, không chịu làm việc, lấy lý do dịch bệnh, đổ lỗi cho khách quan, không chịu triển khai những biện pháp mới, không chịu tái cơ cấu ngành, lĩnh vực, sản phẩm do ảnh hưởng của dịch bệnh, làm sụt giảm tăng trưởng, ảnh hưởng đến đời sống, việc làm, thu nhập của người dân, ảnh hưởng lớn đến kinh tế - xã hội của đất nước…
Đất nước muốn phát triển thì phải có đầu tư và người dân có việc làm. Đội ngũ doanh nhân có tâm huyết và trách nhiệm xã hội làm sao hăng hái khởi nghiệp sáng tạo trước rừng thủ tục hành chính như thực tế hiện nay?
Tại sao thủ tục quản lý đất lại nhiêu khê đến thế, gây lãng phí nhiều thời gian và làm mất hết cơ hội đầu tư? Tại sao riêng tờ giấy phép xây dựng trong dự án đầu tư đã có sức mạnh vô hiệu hóa mọi văn bản pháp lý khác, nhất là giấy phép đầu tư, sổ đỏ cấp cho đất được đầu tư phù hợp các quy hoạch sử dụng đất và quy hoạch chi tiết 1/500 đã được phê duyệt?
Tại sao các cơ quan có chức năng vô tình hay cố ý làm chậm (hoặc không làm) những thủ tục hành chính theo đúng trách nhiệm và quy trình, thời gian quy định của mình, tạo rủi ro chính sách và gây tổn thất lớn cho doanh nghiệp (thậm chí doanh nghiệp còn bị phá sản) thì chưa thấy ai bị luận tội và đưa ra xét xử như các tội phạm hình sự, tham nhũng và trộm cắp dân sự đủ loại khác?
Bộ máy cồng kềnh, kém hiệu quả kèm theo đội ngũ công chức yếu kém và vô tâm sẽ đẻ ra nhiều văn bản pháp quy không phù hợp, nhanh lạc hậu chính là cái gốc sinh ra thủ tục hành chính rườm rà, tiêu cực như hiện nay.
Israel có 07 triệu dân và ngành nông nghiệp chỉ có 3% dân số, nhưng tự cung cấp đủ nhu cầu trong nước và xuất khẩu rất lớn, một phần bởi toàn bộ công chức trong nông nghiệp của họ chỉ có 78 người, kể cả Bộ trưởng. Cố tiến sĩ Alan Phan người Mỹ gốc Việt nhận xét: “Muốn nông nghiệp Việt Nam phát triển phải giảm biên chế cán bộ nông nghiệp và các cấp quản lý trung gian từ 70 - 80%”.
Thủ tục hành chính phức tạp, rườm rà là kẻ thù giết chết lao động lớn nhất. Bộ máy hành chính đã, đang và sẽ quyết định giàu nghèo cho mỗi quốc gia…! Lẽ nào chân lý đơn giản này không đúng trong hành trình Việt Nam đổi mới, hội nhập, vươn mình sánh vai cùng thời đại…?!
Một doanh nhân người Hồng Kông nói với một lãnh đạo Sở Giao thông Công chính tỉnh Quảng Ninh tại Móng Cái vào tháng 10/2010: “Ở Việt Nam nếu thủ tục hành chính mà như Hồng Kông, thì sẽ giàu hơn Hồng Kông và ngược lại, ở Hồng Kông mà thủ tục hành chính như Việt Nam, thì sẽ nghèo hơn Việt Nam”.
Theo kết quả điều tra của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương - Bộ KH&ĐT đối với 2.600 doanh nghiệp vừa và nhỏ, ngoài quốc doanh hoat động trong lĩnh vực chế biến, sản xuất tại 10 địa phương năm 2016, có hơn 40% doanh nghiệp vừa và nhỏ phải chấp nhận những khoản chi không chính thức cho các cơ quan quản lý nhà nước (có giảm so với 64% năm 2015).
“Chậm” hay “Virus trì trệ”, trong nhiều năm qua dường như đã trở thành căn bệnh mãn tính đặc trưng cho nhiều hoạt động của các cấp, ngành khác nhau, đặc biệt trong quản lý Nhà nước và dịch vụ công, với những hệ lụy nhiều khi không thể tính bằng tiền. Chậm cấp cứu bệnh nhân khiến con bệnh thêm vật vã, thậm chí tử vong. Chậm điều chỉnh luật cũ và ra các văn bản hướng dẫn thi hành luật mới ban hành khiến luật không đi vào cuộc sống, kéo dài sự trì trệ và bức xúc cả trong kinh tế và xã hội. Chậm giải quyết thủ tục hành chính, tinh gọn bộ máy và nâng cao chất lượng công chức làm tăng tính trạng trì trệ, dồn tắc, phát sinh chi phí đắt đỏ cho cả Nhà nước, doanh nghiệp và người dân. Chậm đột phá thể chế khiến tham nhũng ngày càng mở rộng, ăn sâu và khó chống. Chậm đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo khiến làm tăng nghịch lý “người chờ việc và việc chờ người”, thất nghiệp gia tăng và áp lực an sinh xã hội thêm nặng nề. Chậm cải thiện mẫu mã, chất lượng hàng hóa khiến hàng tồn kho lớn, thậm chí mất bạn hàng, thị trường. Chậm nộp thuế, báo cáo tài chính và giải trình khiến tăng mất cân đối ngân sách Nhà nước, bất bình đẳng kinh doanh và quản lý thiếu minh bạch. Chậm tiếp cận và xử lý linh hoạt thông tin thị trường khiến doanh nghiệp thua lỗ. Chậm tái cơ cấu, đổi mới phướng thức phát triển và năng lực quản trị rủi ro khiến nợ xấu ngày càng nặng nề và mất dần sức cạnh tranh ngay trên sân nhà…
Chậm có nhiều căn nguyên, khách quan và chủ quan, nhưng thực tế cho thấy thường nghiêng về yếu tố con người. Ngoại trừ những bất khả kháng về thiên tai và thời tiết cực đoan, nhiều trường hợp chậm là do hạn chế về nhận thức, năng lực, thông tin, nhiệm vụ không rõ, không hài hòa lợi ích và sự bất cập, lấn cấn bởi vướng mắc trong cơ chế phân cấp, phối hợp thực hiện; đa phần chậm chủ yếu là do tắc trách, thiếu trách nhiệm và lười biếng, hoặc bị chi phối bởi lợi ích cá nhân, nhóm và nếp tư duy nhiệm kỳ, cùng hàng loạt lý do đa dạng khác…
Dù biểu hiện dưới bất kỳ hình thức và với bất kỳ lý do gì, thì chậm cũng là biểu hiện và hệ quả chung của yếu thể trạng năng lực, bất cập về nhận thức, thiếu kiên quyết và khoa học trong tổ chức thực hiện, cũng như còn nhẹ về kiểm tra, giám sát, chế tài phạt, quy trách nhiệm cá nhân, tập thể. Do đó, chậm thường mang lại nhiều hệ lụy nặng nề cả về nhân lực, tài lực, vật lực và các nguồn lực khác của đất nước, đơn vị, doanh nghiệp và cá nhân.
Trong bối cảnh tốc độ máy móc ngày càng nhanh cùng với sự phát triển vũ bão của khoa học, áp lực cạnh tranh và tụt hậu ngày càng gay gắt, phân công và hợp tác theo chuỗi cung ứng giá trị cả trong nước và quốc tế ngày càng nghiêm ngặt, “ bệnh Chậm” cần được nhận thức đầy đủ và có nhiều giải pháp sớm khắc phục để tạo đột phá, không ngừng cải thiện chất lượng sống người dân, môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh cả vĩ mô và vi mô, đẩy nhanh hơn tốc độ và nâng cao hơn hiệu quả phát triển bền vững đất nước.
Vì vậy, trong thời gian tới, xóa bỏ sự mặc định sống chung với tham nhũng nói chung và chấp nhận các chi phí không chính thức nói riêng, các cơ quan chức năng cần cụ thể hóa quy định về kiểm soát quyền lực đã được hiến định…
Chính phủ, các bộ, ngành địa phương cần tiếp tục sửa đổi thể chế chính sách để tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và đáp ứng thông lệ quốc tế; tổng kết, bảo đảm thống nhất, đồng bộ với mục tiêu đổi mới cơ chế quản lý doanh nghiệp theo hướng hiện đại, dựa trên quản lý rủi ro; tiếp tục đơn giản hoá thủ tục hành chính, tăng cường công khai minh bạch, dụng công nghệ thông tin đồng bộ và toàn diện trong giải quyết thủ tục hành chính và kết nối với hệ thống thông tin của các bộ, ngành; Đặc biệt, các cơ quan chức năng và Chính phủ cần có biện pháp quyết liệt và hiệu quả hơn nhằm rà soát lại các lĩnh vực thuộc quyền quản lý của mình để cương quyết loại bỏ tất cả các khoản phí ngầm, các khoản thu không đúng chế độ để tạo dựng một môi trường kinh doanh thuận lợi cho các doanh nghiệp ổn định và phát triển.
Đằng sau cải cách thủ tục hành chính là lợi ích kinh tế từ việc kiểm soát các con dấu và chữ ký!
Đằng sau bức thư ngỏ gửi lãnh đạo cao nhất của Đảng, Nhà nước ta là lời kêu cứu khẩn thiết của cộng đồng doanh nghiệp và doanh nhân; là sự đòi hỏi gay gắt và kỳ vọng lớn lao của toàn dân vào sự thay đổi thể chế quản lý Nhà nước đối với doanh nghiệp nói riêng, đất nước nói chung cần mang tính đột phá và thực chất… nhằm đảm bảo sự chiến thắng của lợi ích quốc gia trong cuộc chiến với các biểu hiện đa dạng của thói tư duy nhiệm kỳ, bệnh thành tích giả tạo, tham nhũng và lợi ích nhóm…!