Đây là nền tảng thúc đẩy nền kinh tế số nói chung và sự vươn lên mạnh mẽ của nhiều doanh nghiệp bằng những chiến lược và công nghệ ứng dụng một cách hiệu quả. Tuy nhiên đây cũng là những thách thức lớn cho các doanh nghiệp nếu không có sự đầu tư bài bản và phù hợp. Báo Nhà báo & Công luận đã có cuộc trao đổi với lãnh đạo một số doanh nghiệp xung quanh vấn đề này.
Ông Nguyễn Công Tẩn - Tổng Giám đốc Citek:
“Chuyển đổi mô hình phù hợp với xu hướng công nghệ và chiến lược để phát triển doanh nghiệp”
Citek là đơn vị được vinh danh TOP 10 Doanh nghiệp CNTT Việt Nam năm 2020, lĩnh vực Cung cấp dịch vụ và giải pháp Chuyển đổi số. Trong 5 năm qua, Citek đã giúp nhiều doanh nghiệp lớn Việt Nam xây dựng nền tảng vận hành tối ưu và nâng cao năng lực quản trị trên nền tảng chuyển đổi số với Công nghệ SAP. Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Công Tẩn - Tổng Giám đốc Công ty Citek xung quanh các quá trình ứng dụng công nghệ, để phát triển doanh nghiệp một cách bền vững và hiệu quả.
+ Ông có thể khái quát một vài nét chính về Công nghệ SAP ?
- SAP là Công ty cung cấp bộ giải pháp phần mềm hoạch định và quản trị tổng thể nguồn lực Doanh nghiệp (ERP) số 1 trên thế giới. SAP là giải pháp hoạch định nguồn lực doanh nghiệp thông minh, nhất quán, đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp theo từng ngành, giúp doanh nghiệp tận dụng các cơ hội mới và quản lý thị trường năng động.
Bên cạnh việc cung cấp bộ công cụ phần mềm, SAP còn cung cấp cho doanh nghiệp bộ giải pháp mô hình quản trị và quy trình nghiệp vụ theo các tiêu chuẩn quốc tế gọi là best practice (thực tiễn thành công) cho 25 ngành khác nhau giúp doanh nghiệp có thể tận dụng các bộ giải pháp này để chuẩn hóa toàn bộ doanh nghiệp của mình trong quá trình chuyển đổi số và triển khai ứng dụng SAP.
+ Những khó khăn khi các doanh nghiệp Việt Nam gặp phải khi ứng dụng Công nghệ SAP?
- Việc xác định lộ trình, phạm vi triển khai ứng dụng công nghệ vào hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp một cách chưa cụ thể, rõ ràng là một cản trở đầu tiên mà rất nhiều doanh nghiệp Việt Nam gặp phải.
Sự quyết tâm thực hiện từ ban lãnh đạo doanh nghiệp chưa đủ lớn dẫn đến chưa có sự đầu tư một cách nghiêm túc về nguồn lực cũng như cam kết cao nhất cho dự án chuyển đổi số và ứng dụng SAP.
Doanh nghiệp mong muốn áp dụng công nghệ vào việc quản trị nhưng lại ngại thay đổi, chuyển đổi mô hình để phù hợp với xu hướng công nghệ và chiến lược chuyển đổi số.
Đối tác tư vấn triển khai chưa hiểu và đánh giá đúng năng lực, quy mô, đặc điểm doanh nghiệp để đưa ra phương pháp luận triển khai đúng đắn, phù hợp.
+ Trong những năm qua, những doanh nghiệp Việt Nam được Citek tư vấn đã ứng dụng công nghệ và mang lại hiệu quả gì?
- Chúng tôi hiểu biết sâu sắc năng lực và đặc thù doanh nghiệp Việt Nam từ văn hóa, năng lực, ngôn ngữ, hạ tầng, điều kiện kinh doanh, phương thức chuyển đổi, từ đó chúng tôi xây dựng phương pháp luận triển khai CSVision dựa trên phương pháp luận SAP Activate của hãng SAP và kết hợp kinh nghiệm thực tiễn thành công của mình tại Việt Nam để có phương pháp triển khai phù hợp và tối ưu với điều kiện nguồn lực của doanh nghiệp sẵn có của doanh nghiệp tại Việt Nam.Citek đã tư vấn triển khai chuyển đổi số trên nền tảng giải pháp hoạch định nguồn lực và quản trị tổng thể doanh nghiệp (ERP) thành công cho hơn 60 doanh nghiệp lớn, đầu ngành tại Việt Nam như Thủy sản Minh Phú, Cáp điện CADIVI, Thép Hòa Phát, Thép VAS, EURO WINDOW, Tập đoàn Lộc Trời,…
+ Có nhiều sự lựa chọn doanh nghiệp về ứng dụng công nghệ điều hành hay chỉ là SAP?
- Trên thế giới có nhiều dòng giải pháp Quản trị tổng thể nguồn lực doanh nghiệp. Tùy vào ngành nghề, quy mô doanh nghiệp và lộ trình phát triển, doanh nghiệp có thể chọn các giải pháp khác nhau.
Hiện nay bên cạnh việc cung cấp giải pháp SAP cho doanh nghiệp quy mô vừa và lớn thì Citek cũng bắt đầu triển khai giải pháp Oracle Netsuite cho doanh nghiệp vừa và nhỏ. Oracle NetSuite cũng là giải pháp số 1 thế giới về giải pháp Cloud ERP. NetSuite bao gồm bộ giải pháp được xây dựng dựa trên “Best Practices” theo từng “industry”, cung cấp các quy trình và chức năng để tổng hợp, đồng bộ dữ liệu từ nhiều nguồn thông tin vào một hệ thống duy nhất phục vụ nhu cầu riêng lẻ và đa dạng của từng phòng ban khác nhau như: nhân sự, tài chính, mua hàng, kho vận, bán hàng, marketing,… cho hầu hết các loại hình doanh nghiệp: phân phối, bán lẻ, thương mại dịch vụ, sản xuất, F&B…
NetSuite ERP vận hành hoàn toàn trên nền tảng điện toán đám mây, đảm bảo khả năng mở rộng linh hoạt và kết nối với các hệ thống khác thông qua giao thức APIs. Theo đó, doanh nghiệp không cần vận hành thiết bị phần cứng như máy chủ, thiết bị lưu trữ dữ liệu hay lập trình thêm tính năng, từ đó tiết kiệm từ 40% đến hơn 60% chi phí khi thực hiện triển khai dự án ERP. Sử dụng hiệu quả cơ sở dữ liệu đồng bộ trên hệ thống NetSuite ERP là chìa khóa để doanh nghiệp tối ưu hóa vận hành, thúc đẩy tăng trưởng và nâng cao năng lực cạnh tranh.
+ Khi nền kinh tế số phát triển thì các yêu cầu đặt ra cho doanh nghiệp và các bước chuẩn bị như thế nào, thưa ông?
- Chuyển đổi số là một hành trình, doanh nghiệp phải có chiến lược chuyển đổi số song hành cùng chiến lược phát triển và mở rộng công ty. Trong nền kinh tế số phát triển, nếu doanh nghiệp không chuyển đổi số thì có nguy cơ “bị bỏ lại phía sau”, đánh mất lợi thế cạnh tranh và vị thế trên thị trường. Ngược lại, doanh nghiệp số là nền tảng và động lực của nền kinh tế số. Nếu càng nhiều doanh nghiệp số, nền kinh tế sẽ càng vững mạnh. Tôi kỳ vọng ngày càng nhiều doanh nghiệp Việt Nam hiểu được vai trò của chuyển đổi số và bắt tay vào thực hiện sớm.
Để có chiến lược chuyển đổi số đúng, cần người lãnh đạo cao nhất doanh nghiệp chủ trì với quyết tâm cao độ và ban dự án Chuyển đổi số để tập trung nghiên cứu. Doanh nghiệp cần có giải pháp tổng thể - bắt đầu phù hợp - quyết tâm thực hiện để nhanh có kết quả - rà soát lại qua từng năm và tiếp tục thực hiện chiến lược này.
Ông Sử Duy Bin - Tổng Giám đốc CTCPTrí tuệ Nhân tạo Aihealth:
“Doanh nghiệp muốn kiến tạo tương lai thì phải chấp nhận thay đổi hiện tại”
Aihealth là đơn vị có nhiều hỗ trợ cho quá trình phát triển và ứng dụng công nghệ số cho nhiều doanh nghiệp trong cả nước. TGĐ Sử Duy Bin - người sáng lập và điều hành Aihealth có một cái nhìn cụ thể hơn về quá trình chuyển đổi công nghệ số với mục tiêu mọi doanh nghiệp cần phải tích cực thay đổi để kiến tạo tương lai.
+ Những năm qua, nhiều doanh nghiệp Việt Nam từng bước chuyển đổi mô hình phù hợp với nền công nghệ số. Ông đánh giá như thế nào về điều này?
- Chuyển đổi số là xu hướng tất yếu của doanh nghiệp để tồn tại và phát triển trong thời đại hiện nay, nếu không doanh nghiệp sẽ bị tụt hậu và tạo cơ hội cho các doanh nghiệp trẻ chiếm lĩnh thị trường và đột phá, bởi: Doanh nghiệp ứng dụng công nghệ số sẽ có cơ hội tiếp cận khách hàng nhanh hơn và vươn đến nhiều thị trường lớn hơn; Doanh nghiệp đẩy mạnh tự động hóa sẽ quản trị hiệu quả hơn vì đo lường các chỉ số kinh doanh và hoạt động, từ đó lãnh đạo doanh nghiệp ra quyết định nhanh chóng, chuẩn xác; Doanh nghiệp ứng dụng công nghệ sẽ giúp giải các bài toán về quản lý con người, giảm thiểu sai sót và từ đó giảm chi phí vận hành; và còn nhiều ứng dụng giúp vận hành doanh nghiệp hiệu quả hơn.
+ Quá trình vận hành công nghệ số trong việc điều hành của doanh nghiệp VN hiện nay có khó khăn gì, thưa ông?
- Chuyển đổi số trong doanh nghiệp không phải đơn giản là “mua một phần mềm”, “Mua một cái máy” hay “tuyển một bạn IT” mà nó phải đi đến từ thực trạng hoạt động của doanh nghiệp. Khó khăn lớn nhất trong quá trình vận hành công nghệ số trong doanh nghiệp là “Ban Lãnh đạo”:
Thứ nhất, Ban Giám đốc phải xác định được đâu là điểm nhức nhối (Paintpoint) của doanh nghiệp mình? Không tăng được doanh thu, không có dữ liệu để báo cáo, ra quyết định dựa vào cảm tính, chi phí chưa hiệu quả, năng suất lao động thấp,...
Thứ hai, nguồn lực hiện tại chúng ta đã sẵn sàng cho sự đổi mới chưa? Đặc biệt là nguồn lực con người có sẵn sàng học cái mới không? Phá bỏ những quy tắc cũ để áp dụng các quy trình mới hiệu quả hơn? Sẵn sàng luân chuyển, sa thải nếu nhân sự không đáp ứng với sự thay đổi mới?
Cuối cùng, sự quyết tâm của Ban Lãnh đạo để ứng dụng, đổi mới một cách xuyên suốt, chấp nhận đánh đổi để đưa doanh nghiệp lên một tầm mới. Bởi lẽ muốn kiến tạo tương lai thì phải chấp nhận phá vỡ hiện tại. (Đây là chủ đề hội thảo mà tôi may mắn được tham dự tại Mỹ, được tổ chức tài chính thế giới IFC (Ngân hàng thế giới) tổ chức cho lãnh đạo cấp cao của 76 Tập đoàn trên thế giới).
+ Được biết, hiện nay Aihealth có những định hướng riêng theo cách xây dựng nền tảng công nghệ số hiệu quả hơn, ông có thể nói rõ hơn về điều này?
- Chuyển đổi số hay tự động hóa là một lĩnh vực rất rộng lớn và mỗi doanh nghiệp sẽ có bối cảnh khác nhau, nguồn lực khác nhau, ngành nghề khác nhau nên sẽ có cách vận hành và quy trình khác nhau. Như vậy không thể ứng dụng giống nhau. Do đó, chúng tôi chọn giải pháp đào sâu vào một ngành nghề cụ thể, hiểu rõ từng quy trình, cảm được những khó khăn vướng mắc rồi cùng Ban Lãnh đạo doanh nghiệp đưa ra giải pháp, quyết tâm thực hiện cho đến cùng.
Cụ thể như lĩnh vực Y tế, chúng tôi có kinh nghiệm chuyên sâu trong vận hành bệnh viện, phòng khám, trung tâm xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh. Nắm rõ nghiệp vụ chi tiết của bác sĩ, điều dưỡng, hành chính,... hồ sơ bệnh án của bệnh nhân theo chuẩn HL7... từ đó giúp từng bệnh viện, phòng khám có giải pháp cụ thể với các mô hình chuỗi bệnh viện/Phòng khám hay các mô hình đơn lẻ, hoặc nhiều mô hình phối hợp.
+ Ông có thể cho biết những cơ hội mà các doanh nghiệp Việt Nam có được khi ứng dụng công nghệ số nhằm thúc đẩy quá trình phát triển doanh nghiệp?
- Tôi nhấn mạnh ứng dụng công nghệ số không phải là phép màu biến doanh nghiệp trở nên lớn mạnh, mà phải đi từ cốt lõi của doanh nghiệp: Sản phẩm dịch vụ tốt, đáp ứng nhu cầu thị trường, trải nghiệm khách hàng tốt, tạo giá trị thặng dư cho xã hội, doanh nghiệp và nhân viên. Như vậy, ứng dụng công nghệ số giúp doanh nghiệp điều gì? Tiếp cận khách hàng nhanh hơn, thị trường lớn hơn; Sản phẩm dịch vụ được đưa ra thị trường và nhận phản hồi nhanh chóng để cải tiến hoặc đẩy mạnh; Kiểm soát và nhận tín hiệu “sức khỏe doanh nghiệp” của mình nhanh hơn vì đầy đủ dữ liệu, từ đó BLĐ ra quyết định chính xác và định hướng đúng; Doanh nghiệp, nhân viên tiếp cận với các kỹ thuật, ứng dụng mới nhằm nâng cao năng suất làm việc, giảm thiểu sai sót do con người; Doanh nghiệp thực hiện các công việc mà sức người hoặc con người không thể thực hiện được....
+ Với mục tiêu nhằm thúc đẩy phát triển nền kinh tế số của đất nước và hội nhập quốc tế một cách bền vững. Theo ông, đâu là những nền tảng “cần và có” để thực hiện chiến lược của mỗi doanh nghiệp một cách hiệu quả nhất?
- Chúng ta may mắn là Chính phủ đã nhận diện sớm việc thúc đẩy phát triển nền kinh tế số của đất nước với Quyết định 749/TTg/2019 về Chương trình Chuyển đổi số Quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 và được hưởng ứng từ tất cả Bộ ngành và các địa phương. Thêm vào đó, thời kỳ giãn cách xã hội trong đại dịch Covid-19 dẫn đến hành vi tiêu dùng, phương thức giao tiếp của người dân toàn thế giới đã thay đổi theo hướng tiện lợi, nhanh chóng.
Như vậy doanh nghiệp chỉ “CẦN” thay đổi tư duy từ Ban Lãnh đạo đến toàn thể nhân viên về sự cấp thiết ứng dụng công nghệ trong doanh nghiệp nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường hiện tại và “CÓ” đủ quyết tâm để tái cấu trúc doanh nghiệp và thực hiện giải pháp tự động hóa đến cùng.
Ông Vũ Thái Hà - Giám đốc Dự án của eDoctor:
“Công nghệ sẽ giúp cho người làm chuyên môn phát huy hết năng lực”
Ra đời từ năm 2014, ngay từ những ngày đầu nhiều người dự báo, mô hình này có thể phát triển mạnh trong tương lai khi công nghệ cao ngày càng trở nên phổ biến. Thực tế cho thấy eDoctor trong những năm qua đã có những chuyển biến nhất định trong việc ứng dụng công nghệ vào công tác quản lý điều hành chăm sóc sức khỏe của người dân. Ông Vũ Thái Hà - Giám đốc Dự án của eDoctor, nói về quá trình xây dựng mô hình ứng dụng công nghệ trong lĩnh vực y tế như một khát vọng về một nền y khoa gần hơn, nhanh hơn và hiệu quả hơn.
+ Ông có thể đánh giá hiệu quả của việc sử dụng ứng dụng công nghệ eDoctor trong quá trình sử dụng dịch vụ y tế?
- eDoctor là một nền tảng mà trên đó chúng tôi kết hợp với các cơ sở y tế để phát triển các dịch vụ phục vụ trực tiếp cho khách hàng, trong đó phải kể đến dịch vụ xét nghiệm tại nhà theo yêu cầu, tư vấn sức khỏe từ xa, chọn và đặt lịch thăm khám. Với năng lực của ứng dụng công nghệ, các dịch vụ này được cung cấp cho người sử dụng theo cách thuận tiện nhất, như quản lý hồ sơ sức khỏe của mình bằng ứng dụng di động; triển khai việc tích hợp hệ thống với các đơn vị y tế, tích hợp ứng dụng với các thiết bị đeo, thiết bị theo dõi, chẩn đoán từ xa để hỗ trợ chính khách hàng, cũng như hỗ trợ cho các y bác sĩ khi tham gia tư vấn sức khỏe cho người có nhu cầu…
+ Đâu là những khó khăn trong quá trình vận hành công nghệ eDoctor trong việc khám chữa bệnh cho người dân?
- Khó khăn lớn nhất là thay đổi thói quen của người dùng, kể cả khách hàng và các đối tác. Là đơn vị đi tiên phong nên eDoctor cũng tốn nhiều nguồn lực trong việc dẫn dắt và nâng cao nhận thức của thị trường và người dùng. eDoctor kiên trì thực hiện mục tiêu đảm bảo chất lượng dịch vụ, xây dựng chặt chẽ các quy trình để theo dõi và đảm bảo chất lượng của các dịch vụ, kịp thời ghi nhận và giải quyết phản ánh của khách hàng. eDoctor cũng cộng tác chặt chẽ với các đối tác có uy tín để mang đến chất lượng chuyên môn cao cho các dịch vụ trên nền tảng eDoctor, từ đó tạo niềm tin ở người sử dụng.
Một khó khăn khác là hiện nay môi trường kinh doanh vẫn còn thiếu một số điều kiện về pháp lý cho mô hình dịch vụ mà eDoctor đang theo đuổi, cụ thể là các quy định và khuôn khổ của y tế từ xa, khám chữa bệnh từ xa phục vụ trực tiếp người dân.
+ Các doanh nghiệp khi ứng dụng quản lý bằng công nghệ sẽ phải thay đổi rất nhiều trong quản trị. Trong lĩnh vực y tế, theo ông đâu là mô hình phù hợp với tình hình thực tế của dịch vụ khám chữa bệnh ở nước ta hiện nay?
- Khám chữa bệnh từ xa (telemedicine), chăm sóc sức khỏe tại nhà (home healthcare) và chăm sóc sức khỏe chủ động (preventive healthcare) là các chủ điểm lớn trong quá trình cải tiến và hoàn thiện mô hình phục vụ của một nền y tế, đặc biệt là khi mà các tiến bộ của công nghệ ngày càng tỏ ra hữu dụng. Các hình thức cung cấp dịch vụ này trở nên đặc biệt đáng khuyến khích khi đại dịch Covid-19 vẫn đang hoành hành và trở thành vấn đề thời sự được xã hội quan tâm cao nhất.
eDoctor không đứng ngoài cuộc và sẽ đưa vào vận hành ứng dụng phục vụ cho công tác triển khai các hình thức cung cấp dịch vụ đó trong năm 2021; khi đó, các bác sĩ, các phòng khám và cơ sở y tế có thể dễ dàng tham gia vào tiến trình chuyển đổi số bằng cách mở các phòng khám trực tuyến trên nền tảng của eDoctor, vừa giúp giảm tải cho các cơ sở y tế, vừa giúp người dân có được trải nghiệm thoải mái hơn, thuận tiện hơn, tiết kiệm thời gian chờ đợi và hạn chế các rủi ro khi tập trung nơi đông người.
+ eDoctor hiện đang có mặt ở nhiều trung tâm đô thị lớn của nước ta. Tuy nhiên, người dân ở vùng sâu, vùng xa vẫn chưa thể tiếp cận nhiều với công nghệ này. eDoctor sẽ có giải pháp gì cho vấn đề này?
- Thế mạnh của công nghệ là tạo ra một môi trường bình đẳng hơn, cả về thông tin và về khả năng tiếp cận các dịch vụ của xã hội. Những gì eDoctor đang làm là để hướng đến mục tiêu đó, mà tình huống này là một ví dụ: Thông qua ứng dụng và nền tảng cung cấp dịch vụ của eDoctor, một người dân ở vùng sâu cũng có thể tiếp cận được với dịch vụ có chuyên môn cao tại TP.HCM hay Hà Nội, được trao đổi và nhận ý kiến tư vấn của các chuyên gia đầu ngành, mà vẫn không cần phải rời khỏi nơi mình sinh sống.
+ Ông đánh giá như thế nào trong việc kết hợp giữa công nghệ và chuyên môn của ngành y trong việc khám chữa bệnh?
- Công nghệ sẽ giúp cho người làm chuyên môn y khoa thực hành một cách thoải mái hơn, phát huy hết năng lực chuyên môn nhờ khai thác được tối đa khả năng quản lý quy trình cung cấp dịch vụ, khả năng lưu trữ và phân tích dữ liệu sức khỏe của người bệnh.
Có thể nói, sự thông minh của công nghệ sẽ giúp các y bác sỹ thêm tai thêm mắt, từ đó nâng cao chất lượng chuyên môn, phục vụ người bệnh tốt hơn.
+ Ông kỳ vọng thế nào về việc phát triển của eDoctor trong thời gian tới?
- Chúng tôi đang tiếp tục cải tiến, nâng cấp và phát triển mới các ứng dụng trên nền tảng công nghệ hiện tại theo định hướng chiến lược đã xác định. Trong ngắn hạn, eDoctor sẽ tiếp tục mở rộng mạng lưới đối tác để đảm bảo năng lực cung cấp dịch vụ cả về chiều sâu và chiều rộng: người dùng có thể sử dụng nhiều dịch vụ hơn, và dịch vụ của eDoctor sẽ có mặt tại nhiều địa phương hơn. Mục tiêu lâu dài của chúng tôi là đưa ứng dụng eDoctor trở thành trợ lý sức khỏe cho mọi người dân Việt Nam, là điểm chạm đầu tiên của người dân khi có nhu cầu chăm sóc sức khỏe.
Nguồn: https://congluan.vn/chuyen-doi-so--nen-tang-thuc-day-nen-kinh-te-so-post128840.html