Là một trong những thị trường bán lẻ có tốc độ phát triển nhanh nhất trong khu vực, từ rất sớm Việt Nam đã thu hút khá nhiều thương hiệu bán lẻ lớn trên thế giới. Chẳng hạn như Big C với hệ thống 35 siêu thị ở nhiều tỉnh - thành. MM Mega Market có chuỗi 19 trung tâm bán lẻ, Lotte Mart có 13 siêu thị và đại siêu thị. Thương hiệu Aeon của Nhật Bản đến sau cũng đã có 4 siêu thị và đang tiếp tục mở rộng.

Không chỉ phủ rộng ở phân khúc siêu thị, đại siêu thị, trung tâm thương mại, các "đại gia" bán lẻ nước ngoài còn phát triển mạnh mô hình cửa hàng tiện lợi.

co hoi nao cho thi truong ban le viet nam
Hình minh họa.

Công nghiệp 4.0 đã lan tỏa vào nhiều lĩnh vực, cả sản xuất và tiêu dùng tại các nước. Ở Việt Nam, dự báo giai đoạn 2018 - 2020 thực sự sẽ là giai đoạn tăng tốc cho các nhà bán lẻ ở thị trường nội địa. Đây cũng sẽ là giai đoạn mà sự cạnh tranh sẽ quyết liệt hơn giữa các doanh nghiệp Việt và doanh nghiệp nước ngoài, giữa các kênh bán hàng hiện đại (kể cả bán hàng trực tiếp và bán hàng qua mạng) và kênh bán hàng truyền thống.

Ở Việt Nam tiềm năng về thị trường bán lẻ rất lớn. Với số dân trên 90 triệu người, trung bình một người có 24h kết nối mạng trong một tuần, cộng với việc người dân phổ biến sử dụng điện thoại thông minh, máy tính bảng sẽ là điều kiện rất thuận lợi để các nhà bán lẻ ở Việt Nam áp dụng những công nghệ bán hàng tiên tiến của mình. Tuy nhiên, các nhà bán lẻ Việt cần đi nhanh hơn, đi cùng nhau để có một sức mạnh tổng hợp trong điều kiện đa số các doanh nghiệp còn nhỏ.

Thống kê, ngành bán lẻ hiện đại mới chiếm 25% trong tổng mức bán lẻ xã hội, kênh bán hàng truyền thống chiếm 75%. Trong khi đó, kênh truyền thống trong một vài năm gần đây chỉ có tốc độ tăng trưởng một vài %/năm; tốc độ phát triển của kênh bán hàng hiện đại lại luôn ở hai con số/năm. Như vậy dư địa phát triển của bán lẻ còn rất lớn.

Các doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam cần nắm bắt công nghệ, tiếp thu nhanh và hiệu quả kinh nghiệm của các nước đi trước, để từng bước nâng cao năng lực cạnh tranh ở thị trường nội địa. Đặc biệt là cần phát huy những lợi thế so sánh vốn có với những nhà bán lẻ nước ngoài như mạng lưới cũ, am hiểu thói quen người tiêu dùng,... Bán lẻ Việt Nam cần góp phần thúc đẩy sản xuất trong nước, mở rộng cửa đón những hàng hóa Việt có chất lượng cao để phục vụ người tiêu dùng, góp phần kích thích sự phát triển của quỹ hàng hóa Việt trong thời gian sắp tới.

Mặt khác, doanh nghiệp bán lẻ Việt cần tạo được sự khác biệt, luôn đổi mới, tạo được chữ tín để thu hút niềm tin lâu dài của người tiêu dùng. Đồng thời tăng cường kết nối 6 nhà, đẩy mạnh quảng cáo tiếp thị, làm ăn trung thực, có trách nhiệm; Không chèn ép, giành lợi thế về mình mà phải có sự hài hòa trong việc phân phối lợi nhuận trong chuỗi cung ứng sản xuất phân phối.

Nguyễn My

Theo tbck.vn