Nhiều người đã bỏ ra một khoản tiền không nhỏ để mua vàng mã dâng cúng rồi đốt, gây ô nhiễm môi trường, lãng phí tiền của và mất an toàn.
Đốt vàng mã đã trở thành một thói quen trong xã hội và đang có xu hướng ngày càng phát triển, biến tướng do nhiều người không hiểu tường tận ý nghĩa của việc làm này mà chỉ thực hành theo tâm lý đám đông. Ở nước ta việc đốt vàng mã diễn ra ngày một gia tăng trong các dịp lễ tết, ma chay, mùng 1 và ngày rằm hàng tháng cùng với giỗ chạp, giải hạn, lễ chùa, xây nhà cửa…
Tục đốt vàng mã ngày càng biến tướng - Ảnh minh họa. |
Việc đốt vàng mã được coi là tập tục văn hóa lâu đời của dân tộc ta. Song trên thực tế, vấn đề này hiện nay đang bị thương mại hóa và trở thành dịch vụ cho tệ nạn mê tín dị đoan hoành hành cả về vật chất cũng như tâm thức của con người.
Từ xa xưa người Việt Nam đã có tục thờ cúng Tổ tiên, ông bà, cha mẹ đó là sự thể hiện tấm lòng tri ân người sinh thành ra mình và nuôi dưỡng dậy dỗ mình khôn lớn, nó đã trở thành truyền thống tốt đẹp của người Việt Nam. Việc thờ cúng này được thể hiện trong các gia đình người Việt, và được thực hiện vào các ngày giỗ, tết hàng năm trong mỗi gia đình.
Xe hơi, nhà lầu, xe máy, ngựa khổng lồ...ngày càng hút khách - Ảnh minh họa. |
Tuy nhiên ngày nay, lễ báo hiếu và những cách suy diễn dân gian đã bị biến tướng quá nhiều. Người ta coi đây như một dịp để thể hiện sự báo hiếu sai cách, hoang phí, xa xỉ nhằm cầu mong những điều viển vông, khó có thật trong cuộc sống.
Một trong những ngày lễ quan trọng của Phật giáo trong mỗi năm là ngày Rằm tháng 7 (Âm lịch), với ý nghĩa là ngày lễ “Vu lan Báo hiếu”. Với quan niệm “trần sao, âm vậy” nên trong dịp này, người dân đều chuẩn bị đồ cúng rất tươm tất, đặc biệt là vàng mã với mong muốn để người đã khuất được hưởng cuộc sống sung túc, đầy đủ vật chất, báo hiếu tổ tiên.
Theo giáo lý Phật giáo, Vu Lan là lễ thường niên để tưởng nhớ, báo hiếu tổ tiên, ông bà, cha mẹ - những người đã khuất. Nhiều người đã thể hiện sự "hiếu thảo" của mình bằng cách mua nhà lầu, xe hơi, tiền vàng âm phủ để đốt "gửi" cho những người đã chết. Có những gia đình đã đầu tư hàng chục triệu đồng để mua sắm lễ vật, bày cỗ to, cỗ nhỏ, để cầu cúng và hy vọng "người âm" sẽ được hưởng…
Nhiều gia đình ở thành phố, thị xã, thị trấn, số vàng mã đốt nhiều hơn, phong phú hơn về chủng loại. Nghĩa là ngoài tiền vàng theo nghi thức thông thường, người ta cho rằng “âm dương đồng nhất lý” nên đồ vàng mã hiện nay đã phát triển theo cơ chế “thị trường” đó là nhà lầu, xe hơi, ti vi, tủ lạnh, điện thoại, rồi áo quần, đồ trang sức cũng được cách tân theo thời hiện đại. Người sắm ít thì bỏ ra vài chục, vài trăm ngàn đồng, kẻ sắm nhiều thì tiền bỏ ra cả chục triệu, thậm chí còn hơn thế nữa. |
Đốt nhiều vàng mã trong Lễ Vu Lan và Xá tội vong nhân đã trở thành tập tục truyền đời. Tuy nhiên, theo các chuyên gia nghiên cứu Phật học, các tôn túc trong Giáo hội Phật giáo Việt Nam thì trong giáo lý Phật giáo không có quy định đốt vàng mã.
Chi phí cho việc đốt vàng mã hàng năm đã lên tới 16 tỉ đồng - Ảnh minh họa. |
Theo thống kê, hàng năm đất nước ta chi phí cho việc đốt vàng mã đã lên tới 16 tỉ đồng. Đây là con số làm giật mình biết bao người khi thấy số tiền người Việt chi cho vàng mã là khá lớn (theo con số Tổng cục Thống kê năm 2016 số tiền 16 tỉ VND)
Từ con số này, một chuyên gia cho rằng: khoản chi tiêu cho đồ cúng của người Việt cao gấp 8 lần chi tiêu cho đồ chơi và sách truyện cho trẻ em dưới 18 tuổi. Tín ngưỡng là quan trọng nhưng chi tiêu ra sao cho hợp lý cũng quan trọng không kém. Thay vì lãng phí quá nhiều tiền vào vàng mã hay đồ cúng, chúng ta nên mua thêm sách truyện cho trẻ nhỏ. Bên cạnh đó, cũng cần loại bỏ tục đốt vàng mã để tránh lãng phí.
Nguồn: https://kinhtemoitruong.vn/co-nen-dot-vang-ma-trong-le-vu-lan-8723.html