Việt Nam đẹp nhưng vì sao chưa nhiều người biết đến?

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, trong quý đầu năm 2019, lượng khách quốc tế đến Việt Nam ước đạt trên 4,5 triệu lượt người, tăng 7% so với cùng kỳ 2018. Lượng khách từ các thị trường châu Á, châu Âu và châu Mỹ đều tăng.

Riêng tháng 3, khách quốc tế đến Việt Nam ước đạt 1,4 triệu lượt người, giảm 11,2% so với tháng trước và tăng 5% so với cùng kỳ năm trước.

Những sự kiện văn hóa như Lễ hội Hoa ban 2019,hội chợ du lịch quốc tế VITM hay tour du lịch miễn phí dành cho các phóng viên quốc tế tác nghiệp tại Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều là một trong những điểm nhấn của du lịch Việt Nam quý đầu năm.

Với dư địa thị trường du lịch còn rộng, nhiều địa danh mới, Việt Nam được đánh giá là một điểm đến hấp dẫn đối với du khách nước ngoài. Tuy nhiên, thời gian lưu trú của du khách không dài, tần suất quay trở lại của khách du lịch còn thấp... là những điều còn tồn tại và là điểm yếu của du lịch Việt.

trong quý đầu năm 2019, lượng khách quốc tế đến Việt Nam ước đạt trên 4,5 triệu lượt người, tăng 7% so với cùng kỳ 2018.

Trong quý I/2019, lượng khách quốc tế đến Việt Nam ước đạt trên 4,5 triệu lượt người, tăng 7% so với cùng kỳ 2018.

Với 22 năm kinh nghiệm hoạt động trong lĩnh vực du lịch và nghỉ dưỡng tại Việt Nam, ông Kai Marcus Schroter, Tổng giám đốc Hospitality Tourism Management (HTM) nhận định du lịch là một ngành phức tạp.

"Mặc dù Việt Nam đang nổi lên là một điểm đến hấp dẫn trên thế giới, nhưng vẫn còn đó những khó khăn cần được khắc phục",vị Tổng giám đốc HTM chia sẻ.

Nguyên nhân đầu tiên mà ông Kai Marcus Schroter đề cập tới là Việt Nam có rất nhiều hình ảnh đẹp, nhưng vì hoạt động quảng bá, xúc tiến chưa tốt, nên nhiều khách du lịch chưa biết tới Việt Nam. Thêm vào đó, cơ sở hạ tầng nói chung phục vụ cho hoạt động du lịch ở Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế.

Ngoài ra, theo vị này, các chính sách cho người nước ngoài, khách du lịch chưa thực sự thuận lợi. Điển hình như chính sách VISA cần linh động hơn.

Bên cạnh đó, hoạt động quy hoạch, quản lý các điểm đến của Việt Nam vẫn chưa thực sự đồng bộ, đầu tư công chưa đầy đủ, sản phẩm nghỉ dưỡng thiếu tính khác biệt, độc đáo.

“Tôi có cơ hội tham gia khá nhiều hội thảo đầu tư tại Việt Nam. Tại đây, người ta kêu gọi rất nhiều các dự án casino, trường đua, thể thao… Nghe thì thú vị, nhưng khi nhìn vào quy hoạch tổng thể thì lại rời rạc. Tôi tin rằng, việc kêu gọi đầu tư này là một động thái tốt. Nhưng để đi vào thực tế, Việt Nam cần cân nhắc tính khả thi. Tỷ lệ 90% các dự án đầu tư được kêu gọi thiếu tính khả thi là điều rất đáng suy ngẫm”, ông Kai Marcus Schroter đánh giá.

Tổng giám đốc Hospitality Tourism Management cũng đề cập tới vấn đề môi trường khi hàng loạt các dự án bất động sản nghỉ dưỡng lần lượt ra đời hiện nay: “Tôi thấy người Việt Nam tỏ ra khá tự hào về các dự án bất động sản nghỉ dưỡng tại Phú Quốc, nhưng lại khá dè dặt khi nói về mặt trái của vấn đề môi trường.

Theo tôi, Việt Nam phải cân bằng giữa đầu tư tư nhân và các hạ tầng công. Đó không nhất thiết là sân bay, cao tốc, mà có thể là hệ thống xử lí nước thải, rác thải… hướng tới môi trường nói chung”.

Mặc dù đặt ra rất nhiều thách thức với ngành bất động sản nghỉ dưỡng tại Viêt Nam, nhưng Tổng giám đốc Hospitality Tourism Management không phủ nhận nước ta vẫn có những điều kiện thuận lợi, như các đường bay thuận tiện, nguồn tài nguyên dồi dào, văn hóa, lịch sử lâu đời…

Tỷ trọng du khách đến Việt Nam đang thiếu cân bằng

Năm 2018, du lịch Việt Nam đạt mức tăng trưởng 18%, thu hút 15 triệu lượt khách du lịch, trong khi con số này của Thái Lan là 38 triệu lượt.

Thái Lan hiện nay chỉ có 3 sân bay ở Bangkok, Phuket và Kohsamui. Trong đó, sân bay Kohsamui gặp rất nhiều hạn chế và khả năng hoạt động, phần lớn khách du lịch đến Thái Lan chỉ thông qua 2 sân bay là Bangkok và Phuket. Đây cũng là những điểm đến chính của khách du lịch khi đến Thái Lan.

ông Adam Bury, Phó chủ tịch cấp cao JLL Hotels & Hospitality Group.

Ông Adam Bury, Phó Chủ tịch cấp cao JLL Hotels & Hospitality Group.

“Nếu so sánh với Việt Nam, có thể thấy chúng ta có nhiều điểm đến hơn rất nhiều. Việt Nam có 2 thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM, cùng với đó là 3 điểm đến du lịch là Nha Trang, Phú Quốc, Đà Nẵng, chưa kể còn nhiều điểm đến tuyệt vời khác. Vậy tại sao, Việt Nam lại đứng sau Thái Lan?”, ông Adam Bury, Phó chủ tịch cấp cao JLL Hotels & Hospitality Group đặt câu hỏi.

Theo ông Adam Bury, Việt Nam vẫn còn nhiều giới hạn về thủ tục, logistics. Dễ thấy nhất là vấn đề visa. Du khách làm visa đến Thái Lan rất đơn giản, trong khi Việt Nam khó khăn hơn nhiều, đặc biệt là với người nước ngoài. Nhiều người nước ngoài đến Việt Nam khi quay lại vẫn gặp khó khăn về thủ tục.

Về mặt này, sân bay Đà Nẵng là một hình mẫu tốt mà các thành phố khác nên học hỏi. Tại sân bay Đà Nẵng có hẳn một dãy bàn chuyên đóng visa cho du khách, qua đó giúp du khách đặt chân đến Việt Nam dễ dàng hơn.

“Việt Nam đã đầu tư nhiều sân bay, nhưng logistic sân bay vẫn còn nhiều việc phải làm. Nếu cứ mỗi lần vào Việt Nam lại mất cả tiếng đồng hồ thì không ai muốn quay lại”, ông Adam Bury chia sẻ.

Vị Phó Chủ tịch này cũng lo ngại khi tỷ trọng du khách đến Việt Nam hiện đang thiếu cân bằng.

"Có thể thấy góp phần lớn cho tăng trưởng du khách năm qua đến từ 2 quốc gia là Trung Quốc và Hàn Quốc. Việc phụ thuộc lớn vào 1 hoặc 2 quốc gia chính khiến ngành du lịch dễ rơi vào rủi ro, vì vậy Việt Nam cần sớm đa dạng hóa danh mục",ông Adam Bury cho hay.

Bên cạnh đó, doanh thu trên phòng khách sạn Việt Nam thực tế tăng chỉ tăng 11,5% trong năm qua, thấp hơn so với lượng khách du lịch đến Việt Nam. Điều này cho thấy thị trường chưa khai thác hết tiềm năng và tỷ suất lợi nhuận chưa tăng cao như nó có thể.

"Cả TP.HCM và Hà Nội vẫn còn nhiều dư địa để tăng trưởng", vị lãnh đạoJLL Hotels & Hospitality Group khẳng định.

Tuấn Việt

Theo dulich.reatimes.vn