VN-Index đã có một tuần giao dịch rất tích cực, chỉ số tăng điểm trong hầu hết các phiên. Kết thúc tuần giao dịch từ 15 - 19/1, VN-Index đứng ở mức 1.181,50 điểm, tăng 26,8 điểm (2,32%) so với tuần trước. Tuy nhiên, HNX-Index kém tích cực hơn khi giảm 0,83 điểm (0,36%) so với tuần trước về mức 229,48 điểm. Trong khi đó, UPCoM-Index tăng nhẹ 0,56 điểm (0,63%) lên 87,46 điểm.
Trong tuần, thanh khoản trên HoSE đạt 70.340 tỷ đồng, giảm khá mạnh 28,4% so với tuần trước, dưới mức trung bình. Thanh khoản trên sàn HNX cũng giảm mạnh hơn 35,8% với 5.839,9 tỷ đồng được giao dịch. Điều này thể hiện mức độ phân hóa mạnh và xu hướng tăng giá tích cực chủ yếu chỉ tập trung vào số ít mã và nhóm ngân hàng. Nhà đầu tư nước ngoài sau 2 tuần bán ròng đã gia tăng giao dịch và mua ròng trở lại với giá trị 586,2 tỷ đồng trên HoSE.
Thông tin Luật Đất đai (sửa đổi) và Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) được thông qua hôm 18/1 đã tác động tích cực đến thị trường chung. Cụ thể, với đa số phiếu tán thành, Kỳ họp bất thường lần thứ 5, Quốc hội khóa XV đã thông qua Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) và bế mạc kỳ họp. Luật Đất đai (sửa đổi) với rất nhiều nội dung mới sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2025, ngoại trừ Điều 190 và Điều 248 có hiệu lực thi hành từ ngày 1/4/2024 và khoản 9 Điều 60 có hiệu lực kể từ ngày Nghị quyết số 61/2022/QH15 hết hiệu lực thi hành. Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2024, trừ khoản 3 Điều 200 và khoản 15 Điều 210 có hiệu lực thi hành từ 1/1/2025.
Dù không giao dịch quá tích cực như nhóm ngân hàng nhưng dòng bất động sản trong tuần qua cũng gây được khá nhiều sự chú ý. Số lượng cổ phiếu bất động sản tăng giá ở tuần giao dịch vừa qua khá áp đảo so với các mã giảm.
Đứng đầu danh sách tăng giá ở nhóm bất động sản là HPI của CTCP Khu công nghiệp Hiệp Phước với hơn 14,8%. Tuy nhiên, HPI nằm trong diện có thanh khoản rất thấp. Trong tuần, HPI chỉ khớp lệnh duy nhất trong phiên 17/1. Trong khi đó, ở phiên 15/1, cổ phiếu này có giao dịch thỏa thuận hơn 1,33 triệu đơn vị, trị giá 21,6 tỷ đồng.
Tiếp sau đó, PVR của CTCP Đầu tư PVR Hà Nội cũng có mức tăng giá hơn 14,5%. Dù vậy, PVR cũng nằm trong diện thanh khoản thấp. Hai cổ phiếu cũng tăng giá trên 10% gồm BII của CTCP Đầu tư và Phát triển Công nghiệp Bảo Thư và VRG của CTCP Cảng Xanh VIP, đây cũng là 2 mã có thanh khoản rất thấp.
Trong danh sách tăng giá mạnh của nhóm bất động sản có sự góp mặt của những cái tên đầu ngành gồm NLG của CTCP Đầu tư Nam Long, KDH của CTCP Đầu tư và Kinh doanh nhà Khang Điền và VHM của CTCP Vinhomes. Trong đó, NLG tăng 7%, KDH tăng 5% còn VHM tăng hơn 4%. Cả VHM, NLG hay KDH đều là những doanh nghiệp bất động sản có bảng cân đối tài chính vững chắc cũng như có khả năng triển khai các dự án lớn. Đây là lợi thế của doanh nghiệp khi Luật Đất đai (sửa đổi) có những điều khoản thắt chặt trong quy định và triển khai dự án như tập trung hơn vào việc đấu giá, đấu thầu, đặc biệt là các dự án nhà ở thương mại.
Về NLG, mới đây ông Nguyễn Xuân Quang, Chủ tịch HĐQT đăng ký bán 2 triệu cổ phiếu nhằm cấu trúc tài chính cá nhân. Giao dịch dự kiến thực hiện từ ngày 24/1 đến ngày 22/2. Trước đó, ông Trần Xuân Ngọc, Tổng giám đốc Công ty cũng vừa đăng ký bán 300.000 cổ phiếu NLG từ ngày 11/1 đến ngày 9/2.
Ở hướng ngược lại, XDH của CTCP Đầu tư Xây dưng Dân dụng Hà Nội giảm giá mạnh nhất nhóm bất động sản với hơn 21%. Tuy nhiên, XDH là cổ phiếu có thanh khoản rất thấp với khối lượng khớp lệnh bình quân tuần qua chỉ vỏn vẹn 180 đơn vị/phiên.
FIR của CTCP Địa ốc First Real cũng ghi nhận mức giảm gần 19%. Mới đây, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) đã ban hành quyết định xử phạt đối với ông Lưu Thái Hải, ông Ngô Huỳnh Minh Uy do có hành vi thao túng thị trường chứng khoán và 19 cá nhân do có hành vi cho người khác mượn tài khoản để giao dịch chứng khoán. Trong khoảng thời gian từ ngày 4/1 đến ngày 17/6/2022, ông Lưu Thái Hải và ông Ngô Huỳnh Minh Uy đã sử dụng 76 tài khoản chứng khoán để liên tục mua bán, giao dịch cổ phiếu FIR giữa các tài khoản với nhau nhằm mục đích tạo cung cầu giả tạo, thao túng giá cổ phiếu FIR.
Đa số các mã giảm giá mạnh ở nhóm bất động sản đều có thanh khoản kém. Một số mã thanh khoản cao như HQC của CTCP Tư vấn - Thương mại - Dịch vụ Địa ốc Hoàng Quân, CEO của Tập đoàn C.E.O… đều giảm giá trong tuần qua nhưng mức độ giảm không quá mạnh.
Dòng tiền trên TTCK sẽ duy trì sức nóng
Theo quan điểm của ông Đinh Quang Hinh, Trưởng Bộ phận vĩ mô và Chiến lược thị trường, Khối Phân tích CTCP Chứng khoán VNDirect, thị trường vừa trải qua một tuần giao dịch tích cực hơn kỳ vọng khi các chỉ số chứng khoán bứt phá nhờ những thông tin hỗ trợ đến từ nghị trường Quốc hội. Việc Quốc hội thông qua cả 2 luật quan trọng và được mong chờ lâu nay gồm Luật Đất đai (sửa đổi) và Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) là chất xúc tác cho đà tăng của thị trường.
Theo đó, nhóm cổ phiếu ngân hàng tiếp tục nối dài đà tăng với sự dẫn dắt của nhóm ngân hàng quốc doanh như BID, CTG hay VCB. Dòng tiền cũng có sự lan tỏa tích cực hơn khi đà tăng đã xuất hiện ở những nhóm cổ phiếu khác, như bán lẻ, thép, bất động sản. Đây là điểm sáng tích cực hơn so với tuần giao dịch trước đó. Đồng thời, khối ngoại cũng có động thái mua ròng liên tục trong những phiên gần đây. Nhìn tổng thể, đà tăng của thị trường chưa có dấu hiệu đảo chiều.
Bên cạnh đó, bức tranh kết quả kinh doanh quý IV/2023 đang dần hé lộ với gam màu tươi sáng sẽ giúp dòng tiền duy trì được sức nóng và luân chuyển giữa các nhóm cổ phiếu nhằm giữ nhịp tăng của thị trường./.
Nguồn: https://reatimes.vn/co-phieu-bat-dong-san-giao-dich-tich-cuc-trong-tuan-luat-dat-dai-sua-doi-duoc-thong-qua-202240121015932581.htm