Đi các khắp các phòng khám, bệnh vẫn không dứt
Chị Phạm Minh Hà (Cầu Giấy, Hà Nội) trăn trở, đây là lần thứ 5 trong tháng chị đưa con gái 2 tuổi đi khám bệnh. “Bắt đầu khoảng một tháng nay, cháu có biểu hiện ho về đêm, lúc đầu là húng hắng, sau ho sặc sụa. Thậm chí có những lúc cháu ho nhiều đến mức nôn trớ hết cả thức ăn bữa tối.
Tôi đưa cháu đi đến đủ phòng khám, bệnh viện, nghe bác sĩ hô hấp nào giỏi cũng đưa con đến, cho uống thuốc đúng đơn kê nhưng cháu mãi không cắt được triệu chứng ho, mà lại nhất là chỉ ho về đêm, nhất là lúc đi ngủ.
“Dạo này, cháu ho nhiều nên mệt, nôn nhiều nên cơ thể gầy đi. Lần này, tôi lại cho con vào viện Nhi Trung ương khám tổng thể lại tất cả lần nữa với hy vọng sớm tìm ra bệnh”, chị Minh Hà chia sẻ.
Không chỉ trường hợp con chị Hà, tại các khoa Khám bệnh, khoa Hô Hấp Nhi ở một số bệnh viện cũng tiếp nhận khám, điều trị cho khá nhiều bệnh nhi gặp phải triệu chứng ho đêm.
Theo chia sẻ của các phụ huynh, ban ngày trẻ ngoan ngoãn, khoẻ mạnh, chơi đùa vui vẻ nhưng khi đêm đến, kể cả lúc ngủ say, trẻ bỗng dưng xuất hiện các cơn ho dày dặc. Tình trạng ho của nhiều trẻ nặng nề với biểu hiện ho sù sụ, mệt mỏi, cơ thể suy kiệt.
Theo các bác sĩ Nhi, trẻ ho đêm có thể do mắc một số bệnh lý như: hen suyễn, viêm phế quản, viêm xoang hoặc do trẻ mắc bệnh lý về tiêu hoá như bệnh trào ngược dạ dày…
Tuy nhiên, không ít trong số bệnh nhân ho đêm không tìm rõ được nguyên nhân gây bệnh để có cách điều trị bệnh triệt để.
Chia sẻ về vấn đề này, Ths. Bs Lê Ngọc Duy - Phó khoa Cấp cứu chống độc, Bệnh viện Nhi Trung Ương cho biết, với trẻ ho đêm, nếu sau khi thăm khám, xét nghiệm… trẻ không mắc các bệnh lý kể trên, các bác sĩ chuyên khoa sẽ nghi vấn trẻ có dấu hiệu dị ứng đường hô hấp. Và có một nguyên nhân bất ngờ, rất nhiều trẻ ho đêm do một loại vi khuẩn sinh ra từ đệm - được gọi là mạt nhà.
Chăn ga đệm, thú nhồi bông hóa ra là... ổ bệnh!
Theo BS Duy, khi thấy trẻ bị ho đêm hay khi trẻ bắt đầu ngủ, nguồn gây dị ứng có thể từ chính chăn chiếu, đệm, thú nhồi bông… của trẻ.
“Nhiều bà mẹ đến đây và chia sẻ, họ luôn vệ sinh đệm, chăn, đồ dùng của con sạch sẽ, phơi nắng… Nhưng đến khi bác sĩ dùng kính hiển vi soi đệm, thú nhồi bông trẻ thích chơi thì hầu hết các bậc phụ huynh đều á khẩu. Một tấm đệm trắng, nhìn rất sạch sẽ nhưng có hàng loạt các con bọ bò lúc nhúc ở nền đệm”, Ths. Bs Lê Ngọc Duy chia sẻ.
Theo bác sĩ, đệm để lâu ngày sẽ sinh ra những con mạt nhỏ như hạt bụi, khó nhìn bằng mắt thường. Mạt nhà là một dạng protein lạ, xâm nhập vào cơ thể khiến cơ thể sản sinh kháng thể chống lại.
Quá trình này sẽ diễn ra thầm lặng mà cha mẹ không hề hay biết cho đến khi nó gây ra bệnh về đường hô hấp.
Ngoài ra, những loại mạt nhà cũng làm tăng nguy cơ dị ứng ở trẻ với biểu hiện ngứa, đỏ mắt, chảy nước mắt, ngứa mũi…
Bên cạnh đó, bác sĩ Lê Ngọc Duy cho biết, nhiều trẻ ho đêm do cha mẹ “tham” dùng chăn ga, đệm giá rẻ. Thường những ruột chăn, gối, đệm giá rẻ được sử dụng bằng nguyên liệu tái chế, được làm sạch bằng chất tẩy trắng… là yếu tố nguy cơ cao khiến trẻ dị ứng.
Cùng với chăn đệm, gấu bông cũng là nguồn gây bệnh tương tự. Những loại thú được “nhồi đủ thứ bệnh” với nguyên liệu rẻ tiền, không được vệ sinh thường xuyên sẽ khiến trẻ bị viêm đường hô hấp.
Theo bác sĩ, để hạn chế nguyên nhân gây ho đêm không đáng có, cha mẹ cần có ý thức hơn trong vệ sinh đồ chơi của trẻ, chăn đệm thường dùng.
Cụ thể, phụ huynh cần bọc đệm, gối với chất liệu không cho dị nguyên (mạt nhà) qua được. Hàng tuần phải giặt khăn trải giường, áo gối, đồ chơi bằng nước nóng có nhiệt độ trên 55 độ C.
Bên cạnh đó, cha mẹ nên tìm một số biện pháp giảm thiểu triệu chứng ho đêm để trẻ không mệt mỏi, suy kiệt sức.
Với ho khan do dị ứng, do bụi, bẩn, phụ huynh có thể dùng các phương pháp giảm ho dân gian như dùng tỳ bà diệp, lá bạc hà, cam thảo, mơ muối… hay thuốc ho có thành phần thảo dược như trên.
Ngoài ra, nếu trẻ bị hắt hơi, ho kèm theo chảy nước mũi thì có dùng thêm thuốc nhỏ mũi như Coldi- B để giảm tiết giảm niêm mạc mũi chảy xuống họng sẽ gây viêm nặng, từ đó cũng như hạn chế phải dùng đến kháng sinh điều trị.