Trong đó, công đoàn cần đồng hành với doanh nghiệp vượt khó hậu Covid-19, đề xuất các giải pháp để giải quyết những vấn đề bức xúc, cấp bách trong công nhân, lao động.
Tại Hội nghị trực tuyến Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam thứ XII khoá XII diễn ra ngày 24/4, Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam đã quyết định bổ sung các hoạt động Tháng Công nhân năm 2020 so với kế hoạch đã ban hành từ tháng 2/2020.
Phó Chủ tịch thường trực Tổng LĐLĐ Việt Nam Trần Thanh Hải phát biểu ý kiến, đề nghị bổ sung các hoạt động Tháng Công nhân năm 2020. Ảnh: Đ.Hải |
Theo đó, các cấp công đoàn đủ điều kiện, tiếp tục thực hiện Tháng Công nhân năm 2020 theo chủ đề “Năng suất cao - An toàn lao động - Thu nhập tốt”.
Cụ thể: Phối hợp với người sử dụng lao động tổ chức các phong trào thi đua “Lao động giỏi”, “Lao động sáng tạo” để đoàn viên, người lao động phát huy sáng kiến, cải tiến nâng cao năng suất, tạo ra nhiều sản phẩm, dịch vụ chất lượng, hiệu quả, góp phần nâng cao thương hiệu sản phẩm và mở rộng thị trường xuất khẩu, tạo nhiều việc làm, tăng thu nhập, ổn định đời sống của đoàn viên công đoàn, người lao động.
Trong hoạt động thực hiện “An toàn lao động”, các cấp công đoàn tiếp tục phổ biến các quy định về an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ) tại nơi làm việc nhằm nâng cao nhận thức cho người lao động và người sử dụng lao động; triển khai sâu rộng chủ đề Tháng hành động về ATVSLĐ “Đẩy mạnh cải thiện điều kiện lao động và kiểm soát các nguy cơ rủi ro về ATVSLĐ tại nơi làm việc”;
Theo Phó Chủ tịch thường trực Tổng LĐLĐ Việt Nam Trần Thanh Hải: Các cấp công đoàn cần phối hợp, giám sát người sử dụng lao động trong việc triển khai các giải pháp, biện pháp đảm bảo ATVSLĐ trong quá trình người lao động làm việc; chủ động đối thoại với người sử dụng lao động để giải quyết các kiến nghị, đề xuất của người lao động về vấn đề ATVSLĐ, nhất là những nơi có nguy cơ rủi ro cao.
Để đảm bảo “Thu nhập tốt”, Phó Chủ tịch thường trực Tổng LĐLĐ Việt Nam đề nghị, các cấp công đoàn cần tập trung thương lượng để ký mới hoặc sửa đổi, bổ sung thỏa ước lao động tập thể, trong đó đặc biệt quan tâm điều khoản về lương, thưởng, phụ cấp, cải thiện và đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm bữa ăn ca của người lao động.
Với các cấp công đoàn - nơi có doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid 19, Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam đề nghị triển khai thực hiện Tháng Công nhân năm 2020 theo chủ đề “Duy trì việc làm - An toàn lao động - Thu nhập ổn định”, trong đó chú trọng các hoạt động duy trì việc làm.
Theo đó, các cấp công đoàn cần phối hợp với người sử dụng lao động xây dựng phương án lao động để ổn định sản xuất, duy trì việc làm cho người lao động; nâng cao vai trò của công đoàn cơ sở trong việc giám sát người sử dụng lao động khi thực hiện cắt giảm lao động, đảm bảo các chế độ, chính sách cho người lao động khi bị cắt giảm lao động; quan tâm đến lao động nữ, lao động có con nhỏ, lao động gặp nhiều khó khăn.
“Đối với những doanh nghiệp phải tạm dừng sản xuất kinh doanh, công đoàn cần chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng, người sử dụng lao động giới thiệu việc làm cho người lao động hoặc tư vấn cho họ chuyển nghề, cung cấp thông tin tuyển dụng từ các cơ quan khác nhau, nơi tiếp nhận lao động, đặc biệt, tìm cách hỗ trợ thu nhập cho người lao động. Bên cạnh đó, tổ chức tọa đàm, đối thoại giữa cán bộ công đoàn với các cấp ủy Đảng, chính quyền, người sử dụng lao động với chủ đề “Công đoàn đồng hành với doanh nghiệp vượt khó hậu Covid-19”, đề xuất các giải pháp để giải quyết những vấn đề bức xúc, cấp bách trong công nhân, lao động”, Phó Chủ tịch thường trực Trần Thanh Hải đề nghị.
Về các hoạt động thực hiện “Ổn định thu nhập”, Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam đề nghị, các cấp công đoàn chủ động nắm bắt tình hình công nhân gặp khó khăn do giảm việc làm, đặc biệt là công nhân nữ, công nhân có con nhỏ, công nhân bị ốm đau, bệnh tật, gia đình có nhiều thế hệ làm công nhân để tư vấn, hỗ trợ thực hiện các chế độ, chính sách của doanh nghiệp, đơn vị và của Nhà nước.
Đồng thời tuyên truyền, vận động người lao động nhận thức đầy đủ, không nên vay mượn từ tín dụng đen, không nên “bán” sổ bảo hiểm xã hội, không nên nhận chế độ bảo hiểm xã hội một lần. Hỗ trợ đoàn viên, người lao động có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn từ nguồn tài chính công đoàn; vận động người sử dụng lao động và các đối tác phúc lợi hỗ trợ, chăm lo đời sống người lao động.