Tía tô có hai loại: tía tô mép lá phẳng, màu tía nhạt, ít thơm và tía tô mép lá quăn, màu tía sẫm, mùi thơm nồng. Không chỉ là rau gia vị thơm ngon, tía tô còn là cây thuốc được dùng phổ biến trong y học cổ truyền.
Chữa cảm mạo - giải cảm lạnh:
Lấy vỏ một quả quýt cạo rửa sạch cùng 3 lát gừng dày và một nắm lá tía tô tươi hoặc khô cho vào nồi, thêm vào một bát nước, đun sôi kỹ, uống nóng và đắp chăn ấm.
Bạn cũng có thể lấy một nắm lá tía tô tươi, 2 củ hành và 3 lát gừng, tất cả thái nhỏ cho vào bát, đập một quả trứng gà rồi múc cháo hoa vào trộn đều ăn nóng, bệnh cảm sẽ hết.
Xông: Lấy lá tía tô cùng các lá thơm khác tạo thành nồi lá xông và lau rửa. Nếu lá được rửa sạch kỹ thì có thể lấy ra một bát để uống trước hay sau khi xông. Xông xong lau khô mồ hôi cả người đắp chăn nằm nghỉ.
Nhớ nước sôi mới cho lá xông vào nồi đậy vung kín và khi xông mở vung. Cần chú ý kẻo bỏng và chỉ xông cho người lớn ngồi vững trong chăn. Rất thận trọng với người già gầy yếu và trẻ em.
Cháo tía tô: Nấu cháo gạo tẻ cho ra bát, trộn lá tía tô non thái chỉ. Ăn nóng. Có thể thêm hành lá tươi thái nhỏ. Có cho trứng vào hay không hiện nay còn 2 ý kiến trái ngược nhau có và không. Xông xong nằm nghỉ một lúc dậy ăn bát cháo giải cảm này là phương pháp giải cảm lạnh dân gian rất có hiệu nghiệm.
Chữa các chứng rối loạn tiêu hóa:
Ngộ độc hải sản: Đau bụng đi ngoài, nôn mửa do ăn các loại thức ăn như cua, cá.
Lá tía tô đủ dùng, giã lấy nước cốt để uống: Nếu có ngứa nổi mẩn (dị ứng) thì lấy bã đã sắc hoặc lá tươi xoa sát. Hoặc tử tô giải độc thang: lá tía tô 10g, gừng tươi 8g, sinh cam thảo 2g. Nước 600ml sắc còn 200ml chia 23 lần trong ngày, uống nóng.
Lời khuyên: Ăn các loại thủy hải sản tanh lạnh đều nên kèm rau thơm gia vị lá tía tô tươi. Nhưng lưu ý có kinh nghiệm không ăn lá tía tô với cá chép vì có thể sinh nhọt.
Táo bón người già suy nhược: Hạt tía tô, hạt me lượng bằng nhau giã nhuyễn cho nước lắng lấy nước nấu chín. Hoặc hạt tía tô, hạt vừng đều 10g, giã nhuyễn cho nước lấy nước nấu cháo, bài này được dùng cả khi táo bón do ung thư ruột.
Chữa đau bụng, đầy chướng: Giã lá tía tô lấy một bát nước, hòa một chút muối cho uống một lần.
Chữa ăn phải cua độc: Trong trường hợp này bệnh nhân thường bị đau bụng, nôn mửa hoặc sưng phù, nổi ngứa. Lấy tía tô giã nhỏ vắt lấy nước cho bệnh nhân uống.
Chữa ho, tức thở: Lấy cành lá tía tô và đoạn vỏ rễ cây dâu bóc trắng đun lấy độ 1 chén nước cho uống.
Chữa các chứng chảy máu do ho, nôn, tiêu chảy: Lấy nhiều lá tía tô cho vào nồi đun gạn bỏ bã, cô đặc thành cao. Lấy một ít đậu đỏ rang vàng, tán nhỏ trộn với cao trên rồi viên thành từng hạt nhỏ để uống, mỗi lần 50 viên. Thuốc này sẽ hạn chế được phần nào sự chảy máu.
Khi da bị mẩn ngứa do tiếp xúc ánh nắng mặt trời, do côn trùng... người ta vò lá tía tô vào chậu nước tắm và dùng bã xát trực tiếp vào da.
Trong nha khoa, người ta dùng trà tía tô để súc miệng như một loại nước tẩy sạch răng miệng, làm thơm miệng.
Ngoài ra, theo kinh nghiệm dân gian, có thể dùng tía tô để chữa trị mụn thịt, mụn cóc. Vò nát (hoặc giã nát) lá tía tô, chà lên mụn thịt, hoặc mụn cóc. Sau đó, dùng gạc để quấn chặt hoặc dùng băng dính cố định chỗ đắp. Thực hiện liên tục trong vài tuần, các mụn thịt, mụn cóc sẽ nhỏ lại và biến mất, da trở nên mịn màng.
Khi bị vết thương chảy máu, bạn có thể lấy lá tía tô non tán nhỏ, đắp trùm lên chỗ máu đang chảy, rắc cho vừa kín rồi buộc lại. Làm như vậy, vết thương sẽ cầm máu, không gây mủ và không để lại vết sẹo khi lành.