Theo Dự thảo, Thông tư này quy định về xây dựng, tổ chức và hoạt động của trạm thu tiền dịch vụ sử dụng đường bộ được cơ quan có thẩm quyền quyết định hoặc cho phép thành lập, tổ chức thu tiền dịch vụ sử dụng đường bộ trên hệ thống đường bộ ở Việt Nam.

Điểm mới đang được quan tâm của văn bản này là Bộ GTVT đã đổi tên “trạm thu giá” thành “trạm thu tiền” sử dụng dịch vụ đường bộ. Đơn vị thực hiện thu tiền dịch vụ sử dụng đường bộ là nhà đầu tư, DN dự án hoặc đơn vị được nhà đầu tư, DN dự án ủy quyền, giao nhiệm vụ thực hiện việc bán, kiểm soát vé thu tiền dịch vụ sử dụng đường bộ.

Dự thảo nêu rõ, trạm thu tiền dịch vụ sử dụng đường bộ được xây dựng mới, nâng cấp, cải tạo phải tuân theo quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật hiện hành và thiết kế phải được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt. Đối với trường hợp áp dụng tiêu chuẩn của nước ngoài, công nghệ thu phải được chuẩn hóa, đồng bộ dữ liệu và phù hợp với công nghệ chung của các trạm thu tiền dịch vụ sử dụng đường bộ đang áp dụng và được Bộ GTVT chấp thuận.

cong khai vi tri bot tai ubnd phuong xa
Theo Dự thảo, vị trí trạm thu tiền dịch vụ sử dụng đường bộ phải được công khai khi công bố dự án.

Trạm thu tiền dịch vụ sử dụng đường bộ phải áp dụng hệ thống công nghệ thu một dừng, thu điện tử tự động không dừng sử dụng công nghệ hiện đại, tiên tiến theo quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật hiện hành và quy định của Bộ GTVT. Việc xây dựng hệ thống thiết bị kiểm soát tải trọng xe, hệ thống giám sát và đảm bảo trật tự, an toàn giao thông phải tuân thủ theo quyết định của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền. Toàn bộ hệ thống công nghệ thu, hệ thống thiết bị kiểm soát tải trọng xe, hệ thống giám sát và đảm bảo trật tự, an toàn giao thông phải đảm bảo kết nối trực tuyến, ổn định và liên tục với hệ thống quản lý, giám sát của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.

Vị trí trạm thu tiền dịch vụ sử dụng đường bộ phải được công khai khi công bố dự án và được xác định trước khi phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi theo quy định của Nhà nước; phải đảm bảo hài hòa lợi ích của các bên liên quan (Nhà nước, nhà đầu tư, người sử dụng); phải thuận lợi cho việc thu tiền, đảm bảo khả năng hoàn vốn của dự án đối với dự án đối tác công tư.

Đối với các trạm thu tiền dịch vụ sử dụng đường bộ thu theo hình thức thu hở, vị trí trạm thu tiền dịch vụ sử dụng đường bộ phải được công khai cho chính quyền cấp quận (huyện) và nhân dân địa phương trong thời gian 30 ngày trước thời điểm quyết định duyệt dự án xây dựng trạm thu tiền dịch vụ sử dụng đường bộ. Cơ quan Nhà nước có thẩm quyền tổ chức công bố công khai vị trí trạm thu tiền dịch vụ sử dụng đường bộ tại trụ sở UBND quận (huyện), phường (xã) nơi dự kiến đặt trạm thu tiền dịch vụ sử dụng đường bộ.

Đối với QL, trạm thu tiền dịch vụ sử dụng đường bộ phải nằm trong phạm vi dự án và được lấy ý kiến của đoàn đại biểu Quốc hội, HĐND, UBND cấp tỉnh, Hiệp hội vận tải ô tô tỉnh, thành nơi đặt trạm thu tiền dịch vụ sử dụng đường bộ (nếu có).

Đối với đường địa phương đấu nối vào QL, trạm thu tiền dịch vụ sử dụng đường bộ phải nằm trong phạm vi dự án do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền của địa phương quyết định, sau khi có ý kiến thống nhất của Bộ GTVT. Trường hợp đường địa phương không đấu nối vào QL, vị trí trạm thu tiền dịch vụ sử dụng đường bộ do cấp quyết định đầu tư quyết định sau khi có ý kiến chấp thuận của UBND tỉnh.

Trong trường hợp có thay đổi về mức thu, công nghệ thu, hình thức thu, đối tượng thu thì đơn vị thực hiện thu tiền dịch vụ sử dụng đường bộ phải thông báo công khai và niêm yết tương tự như khi bắt đầu tổ chức thu trước 30 ngày. Hình thức thông báo công khai bao gồm đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng tại địa phương và Trung ương, đồng thời gửi thông báo đến Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam.

Theo phapluatxahoi.vn