Để các công trình xây dựng thực sự “xanh”, yếu tố quan trọng thuộc về công nghệ xanh và tự động hóa trong công trình xây dựng, từng bước đáp ứng yêu cầu giảm thiểu năng lượng tiêu thụ và góp phần tiết kiệm nguồn tài nguyên thiên nhiên, thân thiện với môi trường. Có thể nói, công nghệ xanh trong công trình xây dựng là sự lựa chọn cấp thiết trong thời khủng hoảng năng lượng hiện nay. Ngoài việc sử dụng năng lượng hiệu quả, công nghệ xanh còn góp phần bảo tồn các nguồn tài nguyên, thân thiện với môi trường, đảm bảo sức khỏe người sử dụng, tuổi thọ công trình cao… Đó là lý do vì sao việc ứng dụng công nghệ xanh trong các công trình xây dựng trở thành xu hướng phát triển tại nhiều quốc gia trên thế giới.
Sau nhiều năm đổi mới, ngành Xây dựng Việt Nam đã có những bước phát triển đáng kể. Trong những năm tới, ngành xây dựng sẽ không ngừng phát triển theo hướng phát triển bền vững. Theo định hướng của ngành, Bộ Xây dựng sẽ tập trung chiến lược lấy đô thị là tiêu điểm phát triển trong những năm tới. Vì vậy, Bộ sẽ tập trung nghiên cứu để đề ra những bước tiến đột phá trong lĩnh vực quản lý và phát triển đô thị.
Để làm được điều đó, bên cạnh việc tạo môi trường cạnh tranh công bằng, hoàn thiện hành lang pháp lý, Bộ khuyến khích các doanh nghiệp trong ngành đầu tư nghiên cứu ứng dụng các công nghệ hiện đại, công nghệ sạch trong quá trình xây dựng và định hướng cho các đơn vị trong ngành tập trung đẩy mạnh khoa học kỹ thuật, tăng cường ứng dụng công nghệ tự động hóa trong ngành Xây dựng.
Điển hình là nhiều năm qua, Tập đoàn Five Star Group (GFS) đã tạo bứt phá toàn diện trên tất cả các lĩnh vực từ hoạt động sản xuất - kinh doanh đặc biệt là khoa học công nghệ. Thấu hiểu vai trò khoa học trong sản xuất, kinh doanh và trong cuộc sống, GFS đã không ngừng tìm hiểu, nghiên cứu, chọn lọc các công nghệ tiên tiến trên thế giới để đưa ra giải pháp ứng dụng, chuyển giao tại Việt Nam. Những công nghệ xanh, tiết kiệm nhiên liệu được chúng tôi đặc biệt chú trọng ứng dụng trong các dự án của mình nhằm đóng góp vào nỗ lực xây dựng môi trường phát triển bền vững tại Việt Nam và cải thiện chất lượng cuộc sống.
Nhiều dự án chuyển giao công nghệ đã được Công ty Cổ phần JIVC - Công ty thành viên thuộc tập đoàn GFS đưa vào ứng dụng thành công trong các dự án trong và ngoài nước như: Công nghệ gia cố nền đất NeowebTM là công nghệ phân tách, ổn định và gia cố nền đất được áp dụng chủ yếu trong lĩnh vực xây dựng hạ tầng, giao thông vận tải và thủy lợi. Công nghệ này giúp giảm thời gian thi công, giảm chi phí xây dựng và duy tu sửa chữa sau này.
Đây cũng là giải pháp công nghệ xanh cho các công trình mái dốc và tường chắn đất được áp dụng thành công trong các dự án tại Đà Lạt, Đà Nẵng, Hà Nội và Phú Thọ. Công nghệ “Tái sinh và bảo dưỡng nguội mặt đường bê tông nhựa TL-2000” được ứng dụng trong duy tu, trùng tu, sửa chữa và bảo dưỡng kết cấu áo đường bê tông nhựa trên đường ô tô, sân bay,…Công nghệ TL-2000 đã được áp dụng thành công tại hơn 10 dự án trong nước và xuất khẩu sang Nhật Bản, Malaysia, Indonesia, Australia và Đại sứ quán Mỹ tại Kazakhstan,…
Để đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học ứng dụng, chuyển giao công nghệ, Tập đoàn GFS đã thành lập Viện Công nghệ GFS là nơi quy tụ và hợp tác với các nhà khoa học hàng đầu Việt Nam và các nước trên thế giới như Nhật Bản, Hàn Quốc, Nga, Isarel…
Hiện nay, Viện Công nghệ GFS đang liên kết chiến lược với các tổ chức khoa học - công nghệ hàng đầu Việt Nam và nước ngoài như: Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Viện Ứng dụng Công nghệ - Bộ Khoa học Công nghệ, Viện Vi Sinh vật và Công nghệ Sinh học - Đại học Quốc gia Hà Nội, Công ty TNHH Dược khoa - Trường đại học Dược, Viện Vật lý Nhiệt – Viện Hàn lâm Ucraina…
Được biết, Chính phủ và các bộ ngành hiện rất quan tâm đến ứng dụng công nghệ xanh trong các công trình xây dựng. Trong thời gian qua, có nhiều tổ chức trong và ngoài nước cũng đang nghiên cứu để chuyển giao công nghệ xanh, công nghệ thân thiện môi trường ứng dụng hiệu quả vào Việt Nam. Việc ứng dụng công nghệ xanh mang lại nhiều lợi ích về môi trường, phát triển bền vững, độ bền cao và giúp cho việc quản lý tòa nhà được hiệu quả hơn nên những công trình trọng điểm nhà nước rất cần thiết phải áp dụng những công nghệ xanh ở mức độ cao.
Với nhiều tính năng và lợi ích của việc ứng dụng công nghệ xanh trong công trình xây dựng, tuy nhiên để thực hiện và áp dụng thực tế, Việt Nam cũng có những khó khăn nhất định. Việt Nam đang trong giai đoạn phát triển nên còn nhiều khó khăn, đặc biệt là huy động ngân sách cho việc triển khai. Việc ứng dụng công nghệ xanh trong các công trình xây dựng hiện ở Việt Nam mới chỉ là khởi đầu với chi phí đầu tư ban đầu khá lớn nên việc ứng dụng, triển khai cũng gặp khó khăn là điều khó tránh khỏi.
Tuy nhiên, hy vọng khi xã hội phát triển thêm một bước, việc ứng dụng công nghệ xanh trong công trình xây dựng sẽ được xã hội hóa. Khi đó, không chỉ các công trình trọng điểm, công trình lớn mà các công trình khác cũng sẽ ứng dụng phổ cập hơn để ngành xây dựng Việt Nam có thể sánh vai cùng khu vực và thế giới.
An Yên