Trong hoạt động xuất khẩu lao động, thực tế đã có không ít công ty hoạt động tốt, đóng góp vào sự phát triển của đất nước, góp phần lớn vào giải quyết công ăn việc làm cho người lao động. Thế nhưng, bên cạnh đó vẫn còn tình trạng các công ty môi giới “ma” làm ăn bát nháo. Một số công ty mặc dù có giấy phép đưa người lao động ra nước ngoài làm việc nhưng lại lách luật, bất chấp quy định để "tận thu" các loại phí khiến người lao động nghèo điêu đứng.

Trước những bất cập đó, phóng viên đã vào cuộc điều tra làm rõ những thông tin mà bạn đọc phản ánh.

Qua số điện thoại, Cường giới thiệu là người của công ty ICC Hà Nội. Sau khi tư vấn sơ bộ, Cường mời người lao động qua văn phòng của công ty để tư vấn chi tiết hơn.

cuong-1025Nhân viên tên Cường đang tư vấn cho người lao động đi xuất khẩu Nhật Bản

Tại công ty ICC Hà Nội có địa chỉ tại tầng 1 tòa nhà Xổ Số - Đông Anh (Hà Nội), mở đầu buổi tư vấn, Cường cho biết: “Nếu tham gia đơn hàng tại công ty ICC thì người lao động hoàn toàn an tâm là bay (qua Nhật Bản làm việc) được. Để tham gia thi đơn hàng, trước tiên người lao động phải đi khám sức khỏe tại bệnh viện Tràng An. Sau đó người lao động sẽ thi và học tại công ty này trong khoảng 6 tháng là hoàn thành”.

Khi hỏi về công việc và mức lương nếu đi Nhật Bản làm việc, Cường tư vấn: “Nếu các anh (PV) đã lớn tuổi (gần 40) thì nên đi làm công việc xây dựng. Lương từ 17 – 18 Man. Mức lương đó chưa trừ chi phí ăn ở khoảng 5 Man, bảo hiểm…, số tiền còn lại khoảng 12 Man/1 tháng. Nếu đổi ra tiền Việt cũng được khoảng 24 – 25 triệu".

Cường nhấn mạnh, mức lương sau đi trừ tất cả các khoản trên còn lại 25 triệu, đó là chưa tính tiền làm thêm tổng khoảng 6 triệu.

Về mức chi phí để đi xuất khẩu lao động tại thị trường Nhật Bản, với công việc xây dựng thì người lao động phải nộp 2.850.000 tiền đồng phục. Tổng tiền để đi xuất khẩu lao động ngành xây dựng khoảng 160 triệu đồng. Số tiền này chưa tính tiền ăn, ở hàng tháng trong suốt quá trình học tại công ty.

"Nếu đi đơn hàng công xưởng thì chi phí cao hơn, khoảng từ 160 đến 180 triệu đồng", Cường nói.

 

Trước băn khoăn của phóng viên về việc đóng tiền, Cường cho biết: “Việc đóng tiền được chia làm hai lần. Lần thứ nhất là 10 triệu tiền cọc, sau đó sau khi thi đỗ người lao động phải đóng 3.500 đô la và hơn 16 triệu học. Số tiền còn lại người lao động phải đóng trước khi bay sang Nhật Bản để làm việc.

2

Công ty ICC Hà Nội

Đáng chú ý, khi được hỏi về điều kiện để đi xuất khẩu lao động, trong đó có vấn đề về bằng cấp, đặc biệt là bằng cấp 3, được Cường tư vấn cùng với cam kết chắc chắn là sẽ làm đẹp hồ sơ và lo cho 1 cái chứng chỉ với giá khoảng 1 triệu đồng (?)

Trong khi đó, theo quy định của Bộ LĐ-TBXH thì các khoản phí DN XKLĐ thu không được vượt quá 3.600USD/người/hợp đồng ba năm và không quá 1.200USD/ người/hợp đồng một năm. Và doành nghiệp chỉ được thu các khoản phí sau khi học viên, người lao động đã được phía Nhật Bản cấp tư cách lưu trú và DN đã ký hợp đồng với Nhật.

Bộ LĐ-TBXH nghiêm cấm các hành vi thu tiền trước dưới mọi hình thức đối với học viên thực tập sinh. Về học phí đào tạo tiếng Nhật, không quá 5,9 triệu đồng/ khóa.

Liên quan đến vấn đề này, phóng viên báo Gia đình Việt Nam đã đặt lịch làm việc với công ty ICC Hà Nội để có thông tin đa chiều, khách quan. Thế nhưng suốt một thời gian dài, Báo Gia đình Việt Nam vẫn chưa nhận được phản hồi.

Câu hỏi đang được đặt ra, phải chăng công ty ICC Hà Nội vì một lý do nào đó đang cố tình bất chấp quy định về việc thu phí để "móc túi" người lao động nghèo? 

Ở một diễn biến khác, câu chuyện khám sức khỏe cho người đi lao động tại bệnh viện Tràng An cũng đang "lộ" nhiều vấn đề bất thường. Báo Gia đình Việt Nam sẽ thông tin vấn đề này đến với bạn đọc trong các bài tiếp theo.

Nguồn: https://giadinhvietnam.com/cong-ty-icc-ha-noi-co-dau-hieu-bat-chap-quy-dinh-moc-tui-nguoi-lao-dong-d145915.html

Theo Giadinhvietnam.com