Mùa xuân năm 2020, khi dịch Covid-19 diễn biến ngày một phức tạp và có những ảnh hưởng đáng kể đến ngành kinh doanh khách sạn, nhà hàng, nhiều dự báo đã được đưa ra. Không ai có thể phủ nhận tác động của dịch bệnh lên mọi mặt của đời sống kinh tế, xã hội, đặc biệt là ở một số lĩnh vực bị "giáng đón" trực tiếp, dẫn đến phải đóng cửa hoặc đình trệ như kinh doanh khách sạn, nhà hàng, quán bar. 
Một năm nhìn lại, giới chuyên môn đã có những ghi nhận nhất định về thị trường năm qua và đưa ra các dự báo cho năm 2021, trong bối cảnh cả thế giới, đặc biệt là châu Âu, châu Mỹ vẫn phải tiếp tục thích nghi với diễn biến dịch bệnh căng thẳng. 
Như nhà thiết kế nội thất nổi tiêng Adam D. Tihany đã nói một cách khéo léo: "Khi năm 2020 kết thúc và ánh sáng cuối đường hầm đang hé lộ, ngành công nghiệp khách sạn đang tìm cách lật ngược tình thế". 
Các chuyên gia đã chỉ ra 7 cách mà đại dịch tác động khiến các thiết kế khách sạn, nhà hàng, điểm tụ tập phải thay đổi. 

1. Mối quan tâm sức khỏe được đặt lên hàng đầu 
Sergio Saenz, giám đốc một chuỗi khách sạn lớn chuẩn bị đi vào hoạt động năm 2021 cho rằng: "Ánh sáng tự nhiên, hệ thống thông gió và sự giao tiếp giữa con người là những yếu tố sẽ luôn hiện hữu trong tâm trí chúng ta nhiều năm tới". 
Các kiến trúc sư và nhà thiết kế nội thất sẽ cần tiếp tục nghiên cứu và xem xét đến các yếu tố như chất lượng không khí, các tiêu chuẩn sức khỏe và tính năng công nghệ có thể hoạt động song song với các giao thức hoạt động trực tiếp của khách sạn để chiếm được lòng tin của khách hàng và thuyết phục họ lựa chọn một khách sạn để lưu trú mà vẫn cảm thấy an toàn. 
2. Các không gian mở, không gian ngoài trời trở nên quan trọng hơn bao giờ hết
Jennifer Johanson, chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của EDG Interior Architecture + Design cho biết: "Tại khách sạn Viceroy Santa Monica mới đi vào hoạt động gần đây chúng tôi đã loại bỏ rất nhiều bức tường để tạo nên một không gian mở rộng lớn cho tiền sảnh. Có rất nhiều cách để những không gian này trở nên thú vị và có chiều sâu không kém cạnh gì các không gian trong nhà".


Chia sẻ về góc nhìn này, Tihany cho biết: "Chúng tôi đã học được rằng thiên nhiên, không khí trong lành và không gian ngoài trời là cứu cánh của ngành công nghiệp khách sạn ở thời điểm hiện tại. Không chỉ xóa bỏ được cảm giác một không gian kín bưng với gió điều hòa, tăng nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh, các không gian ngoài trời tự nó đã mang đến cho khách sạn một cảnh quan thay đổi theo mùa, suốt 12 tháng trong năm. Đây sẽ là tiền đề cho các thiết kế thời gian tới. 

3. Kết hợp các tính năng đa dạng 
Bối cảnh dịch bệnh phức tạp đang thúc đẩy sự giao hòa giữa các thiết kế khách sạn với các lĩnh vực khác. Nguồn cảm hứng từ các lĩnh vực khác cho phép các bản thiết kế khách sạn, nhà hàng trở nên đa dạng, linh động. 
Ví dụ, nhiều nhà thiết kế đã tìm được nguồn cảm hứng từ các công việc trong dịch vụ chăm sóc sức khỏe, các tiện nghi hỗ trợ sinh hoạt và các tính năng ưu tiên sự an toàn, đảm bảo sức khỏe. 
4. Tính linh hoạt luôn được ưu tiên 
Alessandro Munge, người sáng lập và giám đốc thiết kế của Studio Munge ở Toronto, Canada cho biết: "Trong mùa hè, Studio Munge đã hoàn thành bản thiết kế cho một nhà hàng và ba khách sạn chuẩn bị đi vào hoạt động trong năm 2021. Các thiết kế đều đề cao tính linh hoạt để phù hợp với tình hình dịch bệnh. 
Chia sẻ về câu chuyện của mình, nhà thiết kế Ken Fulk cho biết, nhóm của ông đã phải thích ứng với các điều kiện thay đổi liên tục khi triển khai bản thiết kế cho các dự án nhà ở và khách sạn trong năm qua. 
"Dịch bệnh phức tạp cũng ảnh hưởng đến một số dự án lớn mà chúng tôi tham gia. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn cố gắng và tập trung sức lực vào việc chuẩn bị để hoàn thành một cách an toàn các dự án khu dân cư và khách sạn sắp đi vào hoạt động. Để làm được điều đó sự kết nối trong nội bộ và tính linh hoạt luôn được ưu tiên hàng đầu và trở thành chìa khóa thành công", Ken chia sẻ. 

5. Sự lên ngôi của công nghệ thực tế ảo 
Trong thời kỳ dịch bệnh, công nghệ thực tế ảo càng phát huy vai trò của mình. 
Art House AR là đơn vị đang phát triển các công nghệ dành riêng cho các doanh nghiệp để cung cấp dịch vụ tương tác kỹ thuật số thay cho các chuyến viếng thăm thực tế. 
Khách sạn Hotel Zena ở Washington D.C và Viceroy Santa Mocnica đã áp dụng công nghệ này để thu hút khách hàng. Với công nghệ thực tế ảo, công chúng có thể xem các bộ sưu tập và không gian nghệ thuật của khách sạn này từ xa. Các nhà thiết kế cũng đã thiết kế các tấm bưu thiếp có các bức tranh tường của Hotel Zena, sau đó, khách hàng chỉ việc quét mã QR để bắt đầu chuyến tham quan. 
Don Samora, giám đốc quản lý thương hiệu tại Viceroy Hotels & Resorts, chia sẻ: "Một sự trùng hợp và may mắn là ngay trước khi dịch bệnh diễn ra, chúng tôi đã trao đổi với Art House AR về việc mang nghệ thuật khách sạn vào cuộc sống và vào ngôi nhà của mọi người. Chúng tôi đã tiến thêm một bước và lấy ý tưởng từ các tấm bưu thiếp du lịch cũ, tấm bưu thiếp này sẽ đóng vai trò như một cánh cửa để giới thiệu các khách sạn và các tác phẩm nghệ thuật bên trong đến đông đảo người dân mà họ không cần phải đi lại. 
6. Tăng yếu tố trải nghiệm bản địa 
Thay vì tập trung vào nhu cầu của khách du lịch đường dài, Saenz tin rằng các khách sạn cần "ưu tiên các hoạt động cho cộng đồng bản địa và khách hàng ngay lập tức". 
Sự suy giảm của du lịch hàng không đã làm thay đổi cách thức hoạt động của một số khách sạn, đồng thời củng cố đặc tính hướng tới cộng động bản địa của một số khách sạn khác.
Có thể thấy một ví dụ ở khách sạn The Betsy tại bãi biển Miami, Lesley Goldwasser Plutzik (người đồng sở hữu khách sạn) đã cam kết gắn bó lâu dài với nền nghệ thuật địa phương bằng một loạt các cuộc triển lãm trong khuôn viên khách sạn được mở trùng với Tuần lễ Nghệ thuật Miami. Hàng loạt tác phẩm nghệ thuật được trưng bày tại khách sạn thu hút người dân địa phương đến tham quan. 
Đây là một ví dụ điển hình của việc gia tăng các yếu tố trải nghiệm bản địa vào các bản thiết kế khách sạn, nhà hàng. Bởi với việc Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp như hiện nay, chưa ai có thể khẳng định về một tương lai người dân khắp thế giới lại có thể đi du lịch đường dài. 

7. Kỳ vọng về sự gia tăng nhu cầu của khách hàng 
Khi năm 2020 đã qua đi, cả thế giới đều đang kỳ vọng vào một năm 2021 khả quan hơn, khi đại dịch có thể lắng xuống và những điều tốt đẹp sẽ đến với ngành khách sạn. 
Alessandro Munge cho biết ban lãnh đạo công ty ông kỳ vọng, năm 2021 sẽ nhận được nhiều dự án nhất từ ​​trước đến nay trong lịch sử công ty, khi khó khăn qua đi và ngành du lịch trở lại đường đua. 

Theo Reatimes

Nguồn: https://reatimes.vn/covid-19-da-thay-doi-nganh-thiet-ke-khach-san-nhu-the-nao--20201224000000758.html