Ngày ông Công ông Táo 23 tháng Chạp là ngày lễ cổ truyền của dân tộc, lấy tích từ 3 vị thần Thổ Công, Thổ Địa, Thổ Kỳ của Lão giáo Trung Quốc và được Việt hóa thành huyền tích “2 ông 1 bà” thần Đất, vị thần Nhà, vị thần Bếp núc.

Đối với người dân Việt Nam, ngày ông Táo chầu trời rất quan trọng, bởi đó không chỉ là ngày các Táo lên đình bẩm báo với Ngọc Hoàng những điều tốt đẹp của gia đình năm vừa qua, mà đây còn là ngày các gia đình gửi gắm những điều may mắn cho ông Táo lên thiên đình.

Do vậy, cúng ông Táo thế nào là chuẩn nhất được rất nhiều người quan tâm.

Cúng ông Công ông Táo trước ngày 23 có được không?

Tết ông Công ông Táo thường được tổ chức vào ngày 23 tháng Chạp âm lịch hàng năm. Cùng với rằm tháng Chạp và cúng giao thừa thì Tết ông Công ông Táo là 1 trong 3 ngày lễ quan trọng nhất năm.

Theo quan niệm dân gian và phong tục 3 miền, lễ cúng tiễn đưa Ông Táo chầu Trời thường được tiễn ra vào từ ngày 22 tháng Chạp Âm lịch cho tới trưa 23.

Trong đó thời gian được cho là đẹp nhất là vào buổi sáng ngày 23, nếu gia chủ bận công việc thì cũng phải hoàn thành việc thờ cúng trước 12 giờ trưa 23 tháng Chạp vì người Việt quan niệm phải “kịp giờ” để ông Táo lên thiên đình. Nếu trưa, chiều 23 tháng Chạp mới cáo lễ tiễn đưa Ông Táo về Trời, e rằng Ông Táo sẽ không nhận được lễ vật tâm thành của gia chủ.

Năm Kỷ Hợi 2019, ngày này rơi vào thứ Sáu, ngày 17/1/2020 dương lịch. Đây là ngày Kỷ Mùi, mệnh ngày Thiên Thượng Hỏa.

Có nhất thiết phải cúng ông Công ông Táo vào ngày 23 tháng Chạp? Cúng vào ngày khác được không?

Việc thờ cúng cốt ở tấm lòng thành kính, vì thế, nếu không có điều kiện cúng Táo quân vào ngày 23 tháng Chạp, gia chủ có thể cúng trước 1 ngày hay 2 ngày cũng không sao.

Bắt đầu từ ngày 21 tháng Chạp đến trước 12 giờ ngày 23 tháng Chạp năm Kỷ Hợi 2019, các gia đình có thể lựa chọn thời gian phù hợp để tiễn Táo quân bay về trời báo cáo Ngọc Hoàng.

Lễ vật cần có trong mâm cỗ cúng ông Công ông Táo

Lễ vật cúng ông Công ông Táo cơ bản cần phải có 3 bộ áo mũ Táo quân, trong đó 2 bộ có cánh chuồn dành cho Táo ông, 1 bộ không có cánh chuồn cho Táo bà (cả 3 bộ đều kèm hia hài đầy đủ) và cá chép (có thể cá sống hoặc cá giấy). Những lễ vật này đều đã được người sản xuất đóng gói đầy đủ trong bộ đồ lễ. Nếu không mua được cá chép sống thì các gia đình có thể yên tâm vì đã có cá chép giấy trong bộ đồ lễ.

Mâm cỗ cúng ông Công, ông Táo thông thường có:

- Thịt luộc;

- Gà luộc;

- Xôi hoặc bánh chưng;

- Món xào thập cẩm;

- Canh măng (hoặc canh nấm, canh mọc, canh bóng);

- Hoa quả, bánh kẹo, trà rượu, trầu cau, vàng mã.

Hoặc đơn giản chỉ cần cơm canh, rượu, hoa quả và bộ vàng mã Táo Quân là được.

Sáng ngày hôm đó, gia chủ làm lễ sửa bát hương (quan sái). Bát hương được lau sạch sẽ và để lại ba chân hương đẹp nhất. Lễ sửa bát hương này chỉ được thực hiện 1 lần duy nhất trong năm vào dịp ông Công ông Táo.

Để thực hiện nghi lễ này một cách uy nghiêm nhất, gia chủ nên ăn mặc chỉnh tề, lên hương và khấn vái thành tâm, tạ lễ, hóa vàng và nếu như cúng cá thật thì mang cá đi phóng sinh.

Tuy nhiên, việc phóng sinh là một truyền thống mang ý nghĩa nhân văn cho nên gia chủ tuyệt đối không được thả cá từ mặt cầu cao làm chết cá và không vứt túi nilong bừa bãi gây ô nhiễm môi trường.

Theo An An/Đô thị mới

Nguồn: https://dothi.reatimes.vn/toancanh/cung-ong-cong-ong-tao-2021-the-nao-la-chuan-nhat-20201231000000646.html