Trong 2 năm qua, đại dịch COVID-19 đã trở thành một chất xúc tác cho quá trình chuyển đối số của các doanh nghiệp Việt Nam. Hầu hết, các doanh nghiệp trong các ngành nghề đều đang tích cực chuyển đổi số.

Ngành trang sức: Cuộc chơi “số” không dành cho doanh nghiệp nào “cổ hủ”
Một số quan điểm cho rằng, việc chuyển đổi số chỉ dành cho những ngành nghề liên quan tới công nghệ. Tuy nhiên, quan điểm này hoàn toàn sai lầm. Trên thực tế, mọi ngành nghề đều có thể chuyển đổi số, áp dụng các nền tảng công nghệ, để tăng hiệu quả công việc và giảm thiểu các rủi ro trong công việc.

Chuyển đổi số là một giải pháp giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn thời đại dịch.
Chuyển đổi số là một giải pháp giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn thời đại dịch.

Đặc biệt, trong 2 năm đối mặt với đại dịch COVID-19, trong khi hàng nghìn doanh nghiệp đứng trên bờ vực phá sản, thì các doanh nghiệp nhanh chóng chuyển đổi số đã vượt dịch thành công.

Trao đổi với phóng viên Báo Nhà báo & Công luận, ông Trần Văn Tiên - CEO của thương hiệu trang sức “Em và Tôi” chia sẻ: Cách đây khoảng 8 năm, các thương hiệu trang sức nổi tiếng trong nước hầu như trung thành với mô hình kinh doanh truyền thống, tức là mở cửa hàng phục vụ nhu cầu khách hàng. Thế nhưng, ngay từ thời điểm bắt đầu thành lập doanh nghiệp, ông Tiên đã định hình chiến lược kinh doanh sẽ phải “đánh thẳng” vào thị trường online, bằng cách áp dụng các nền tảng khoa học - công nghệ trong kinh doanh.

Ông Tiên cho biết: Trong ngành trang sức, khách hàng luôn có tâm lý muốn tới tận nơi để xem tật mắt sản phẩm, họ ưng sản phẩm nào, mới quyết định bỏ tiền ra mua, vì dù sao trang sức cũng là mặt hàng tương đối xa xỉ.

Bên cạnh đó, ngành trang sức có một đặc điểm riêng là giá trị của vàng, bạc, đá quý sẽ thay đổi theo ngày, thậm chí theo giờ. Chính vì vậy, nhiều thương hiệu trang sức có phần “ngại” chuyển đổi số, vì phải liên tục cập nhật thông tin sản phẩm. Điều này đồng nghĩa với việc chi phí đầu tư tăng cao.

Tuy nhiên, đại dịch COVID-19 đã chứng minh rằng, nếu doanh nghiệp chậm chuyển đổi số, tức là họ đã đánh mất đi cơ hội tiếp cận với nguồn khách hàng mới và rất tiềm năng, đó chính là giới trẻ.

“Trong đợt dịch vừa qua, nhiều địa phương đã quyết định giãn cách xã hội, một số ngành nghề kinh doanh không cần thiết sẽ không được hoạt động, trong đó có ngành kinh doanh trang sức. Nếu chúng tôi không chuyển đổi số, phải phụ thuộc vào doanh số bán hàng tại cửa hàng, chắc chắn sẽ bị lỗ. Tuy nhiên, việc đưa sản phẩm lên website và các nền tảng mạng xã hội, chúng tôi vẫn có một lượng khách hàng nhất định trong đợt dịch vừa qua”, ông Tiên nói.

Chia sẻ thêm về chiến lược kinh doanh trên nền tảng số, ông Tiến nhấn mạnh: Cuộc chơi “số” không dành cho doanh nghiệp nào chậm chân. Ngay cả những “cây đa, cây đề”, doanh nghiệp lớn không chịu chuyển đổi số, chắc chắn sẽ mất thị phần vào những “tân binh”.

Ngành môi giới bất động sản: Hết thời đi “buôn nước bọt”
Cũng giống ngành trang sức, môi giới bất động sản cũng là một ngành không thiết yếu và bị hạn chế hoạt động trong đợt giãn cách xã hội vừa qua. Việc phải giãn cách xã hội trong thời gian dài, đã khiến hàng nghìn doanh nghiệp môi giới phá sản. Trái ngược với khó khăn chung của ngành, một số doanh nghiệp lớn vẫn “sống khỏe” nhờ vào chuyển đổi số.

Ông Vũ Cương Quyết - Tổng Giám đốc Đất xanh miền Bắc cho biết: Ngay từ đầu năm 2021, Đất xanh miền Bắc đã dự báo tình hình dịch bệnh vẫn còn diễn biến rất phức tạp. Vì vậy, thay vì kinh doanh theo kiểu “truyền thống”, tức là nhân viên môi giới tư vấn trực tiếp với khách hàng, Đất xanh miền Bắc đẩy mạnh quá trình số hóa. Tất cả các vấn đề liên quan tới quản trị doanh nghiệp, quản trị nhân sự, con người, chúng tôi đều thực hiện online.

Ví dụ, các bộ phận kế hoạch, marketing sản phẩm, tư vấn khách hàng, bán hàng đều thực hiện online trên các nền tảng mạng xã hội như Zalo hay Facebook.

“Nếu như trước đây, chúng tôi thường xuyên tổ chức một số sự kiện ra mắt sản phẩm, thì hiện nay, chúng tôi quay phim, chụp ảnh, giới thiệu rất kỹ dự án. Sau đó, tất cả hình ảnh, video đều được đăng tải trên Youtube và Facebook, để giới thiệu cho khách hàng có nhu cầu”, ông Quyết nói.

Theo ông Quyết, việc chuyển đổi từ mô hình “truyền thống” sang công nghệ số, giai đoạn đầu sẽ đối mặt với một số khó khăn nhất định, như chi phí chuyển đổi cao, nhân viên tạm thời sẽ chưa thích nghi được với công nghệ mới.
Thế nhưng, việc chuyển đổi sang công nghệ số đem lại rất nhiều lợi ích, như tiết giảm được chi phí vận hành, chi phí tổ chức sự kiện giới thiệu sản phẩm;...

“Cũng nhờ việc tiên phong áp dụng công nghệ số trong ngành môi giới, cho nên trong quá trình dịch bệnh, chúng tôi vẫn làm việc bình thường. Ngay cả trong đợt bùng phát thứ 4 vừa qua, chúng tôi vẫn giữ được khoảng 30% - 35% số lượng giao dịch, dù không cao nhưng vẫn đủ để duy trì bộ máy doanh nghiệp. Trong khi đó, nhiều đơn vị khác, doanh thu gần như bằng không”, ông Quyết nói.

Đồng tình với quan điểm này, ông Phạm Thanh Hưng - Phó Chủ tịch HĐQT Cengroup khẳng định, đại dịch là thảm họa nhưng là sự thúc đẩy cho chuyển đổi số trong nhiều lĩnh vực, trong đó có bất động sản.

“Doanh nghiệp môi giới bất động sản đang tìm cách thức vượt nhanh qua đại dịch, trước hết là phải vượt qua nỗi sợ hãi, sự co cụm, thay vào đó là động viên, khuyến khích về tinh thần. Đồng thời triển khai nhiều chiến dịch bán hàng online, đẩy mạnh công nghệ số”, ông Hưng nói.

Ngân hàng và cuộc đua chuyển đổi số
Khác với hai ngành nghề trên, không cần chờ xuất hiện các biến cố, ngân hàng là một trong những ngành chủ động rất nhanh về chuyển đổi số. Tuy nhiên, đại dịch COVID-19 lại là một chất xúc tác giúp các ngân hàng chuyển đổi số nhanh hơn, nhất là các ngân hàng vừa và nhỏ.

Ông Đỗ Quang Vinh - Phó Tổng Giám đốc khối ngân hàng số, ngân hàng SHB chia sẻ: Trong giai đoạn dịch COVID-19, việc chuyển đổi từ ngân hàng truyền thống sang ngân hàng số có thể giúp khách hàng thực hiện mọi giao dịch trực tuyến mà không cần đến quầy giao dịch trực tiếp tại ngân hàng. Điều này tránh rủi ro tiếp xúc với người xung quanh.

“Có thể trong giai đoạn đầu, ngân hàng sẽ phải mất một chi phí lớn cho quá trình chuyển đổi số. Thế nhưng, về lâu dài, ngân hàng số sẽ tiết kiệm được một khoản khổng lồ liên quan tới chi phí vận hành”, ông Vinh cho biết.

Thực tế, hầu hết các ngân hàng đều đã vào cuộc đua chuyển đổi ngân hàng số. Bên cạnh những ngân hàng tiên phong triển khai số hóa và bước đầu thành công, những ngân hàng thương mại “đến sau” cũng đang sở hữu nhiều lợi thế quan trọng.

Theo ông Đỗ Quang Vinh, đây vừa là thách thức song cũng là cơ hội để các ngân hàng “đến sau” bứt phá trong quá trình chuyển đổi số - lợi thế khi được tiếp cận với các xu hướng mới hơn, học tập từ tinh hoa và bài học kinh nghiệm của các ngân hàng trong và ngoài nước, từ đó rút ngắn quá trình triển khai.

Đặc biệt, quá trình chuyển đổi số của hệ thống ngân hàng hiện nhận được sự hậu thuẫn lớn từ Ngân hàng Nhà nước.

Ông Lê Anh Dũng - Phó Vụ trưởng Vụ Thanh toán cho biết, để tạo thuận lợi cho hoạt động chuyển đổi số trong hệ thống ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước đang tích cực phối hợp với Bộ Công an để kiến nghị thúc đẩy việc cho phép ngành Ngân hàng được kết nối với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước cũng xúc tiến với Bộ Công an để có ý kiến nhất định trong việc ứng dụng phần mềm, phần cứng cho phép các chi nhánh ngân hàng có thể xác thực Căn cước công dân để tránh tình trạng giả mạo và gian lận.

Về dài hạn, quá trình ngân hàng chuyển đổi số nhằm tối ưu sản phẩm dịch vụ mang đến cho khách hàng trong thời đại số. Số hóa và sự kết nối giữa hệ thống ngân hàng cũng như kết nối các hệ sinh thái của nền kinh tế sẽ góp phần gia tăng lợi ích của khách hàng, ngân hàng, doanh nghiệp và nền kinh tế đất nước.

Theo congluan.vn

Nguồn: https://congluan.vn/cuoc-choi-so--loi-di-cho-doanh-nghiep-viet-giua-gian-kho-thoi-dai-dich-post178427.html