Vậy con số này là ít hay nhiều?
Còn vướng bận thủ tục pháp lý
Mặc dù các thủ tục chứng minh nguồn gốc người Việt cho người Việt Nam định cư ở nước ngoài đã đầy đủ, rõ ràng nhưng vẫn còn những khó khăn bỏ ngỏ khiến Việt kiều và người nước ngoài gặp rắc rối khi mua và sở hữu nhà tại Việt Nam.
Thông tin từ hội thảo “Mở nút thắt cho người nước ngoài và Việt kiều mua nhà tại Việt Nam”, do Báo Thanh Niên tổ chức tại TPHCM vào sáng ngày 14/9 cho biết: Nghị định hướng dẫn Luật Nhà ở 2014 sắp được ban hành trong thời gian ngắn sắp tới, và điều này sẽ giải quyết các vấn đề khó khăn còn lại đối với việc mua và sở hữu nhà tại Việt Nam cho người nước ngoài.
Ông Tạ Nguyên Ngọc, Vụ trưởng Vụ Nghiên cứu tổng hợp của Uỷ ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài (Bộ Ngoại giao) cho biết: Luật Nhà ở 2014 đã tạo điều kiện thông thoáng về cơ bản để người Việt Nam định cư ở nước ngoài, họ chỉ cần nhập cảnh vào Việt Nam thì được sở hữu nhà ở và nhận quyền sử dụng đất ở như người trong nước.
Trường hợp thứ nhất, người định cư ở nước ngoài nhưng vẫn có quốc tịch Việt Nam thì họ chỉ cần xuất trình giấy tờ chứng minh có quốc tịch Việt Nam (hộ chiếu Việt Nam hoặc giấy chứng nhận có quốc tịch Việt Nam) kèm chứng minh được phép nhập cảnh (có dấu nhập cảnh Việt Nam) là được mua nhà.
Trường hợp thứ hai, người có gốc Việt nhưng hiện không còn quốc tịch Việt Nam thì cần có giấy xác nhận là gốc Việt Nam kèm theo hộ chiếu nước ngoài hoặc giấy tờ có giá trị thay thế hộ chiếu (có dấu nhập cảnh vào Việt Nam) cũng được mua nhà.
Ông Ngọc cho hay, các thủ tục cấp giấy chứng nhận là người gốc Việt Nam trong trường hợp thứ hai đã được hướng dẫn cụ thể tại thông tư liên tịch số 05/2013 của Bộ Tư pháp, Bộ Ngoại giao và Bộ Công an.
Theo đó, người Việt Nam định cư ở nước ngoài có thể nộp hồ sơ trực tiếp hoặc gửi qua bưu điện đến cơ quan đại diện nơi mình cư trú, hoặc Ủy ban Nhà nước về Người Việt Nam ở nước ngoài, Sở Tư pháp cư trú ở trong nước.
“Trong thời hạn 5 ngày làm việc, các cơ quan trên phải cấp giấy xác nhận là người gốc Việt Nam, trường hợp không đủ cơ sở thì phải báo cho đương sự”, ông Ngọc khẳng định.
Cũng theo ông Ngọc, thị trường bất động sản Việt Nam hiện không còn bị tác động bởi lượng kiều bào mua nhà do số đông những người có nhu cầu, khả năng đã mua từ trước, nay chỉ có nhu cầu hợp thức, đứng tên.
Sẽ sớm giải quyết
Ông Nguyễn Mạnh Khởi, Phó cục trưởng Cục Quản lý nhà và Thị trường Bất động sản (Bộ Xây dựng) cho hay, nghị định hướng dẫn Luật Nhà ở 2014 hiện đang được trình Chính phủ, sẽ được ban hành trong thời gian ngắn sắp đến, sau khi luật này đã được có hiệu lực hơn 2 tháng qua.
Ông Khởi cũng chia sẻ thêm: Thực tế dự thảo nghị định đã được trình Chính phủ từ hồi tháng 5/2015 nhưng rất nhiều luồng ý kiến trái chiều, Thủ tướng cũng chưa yên tâm nên ban soạn thảo nghị định này phải chỉnh sửa, bổ sung nhiều lần sau đó.
Thậm chí đến tận bây giờ vẫn có những ý kiến cho rằng nên quy định độ mở cho người nước ngoài cần phân biệt từng khu vực, quốc gia khác nhau hoặc tỉ lệ căn hộ, nhà riêng lẻ tại một dự án, một khu vực cấp phường mà người nước ngoài được sở hữu, ông Khởi cho biết.
Song, theo ông, những quy định trên đã được nghiên cứu kỹ vì thuộc những vấn đề nhạy cảm, đã được ghi trong luật nên không thể thay đổi.
Riêng về các khu vực người nước ngoài không được mua nhà, ông Khởi cho biết, nghị định sẽ theo hướng công bố danh sách này trên cổng thông tin tại các Sở Xây dựng các địa phương.
Danh sách này do Bộ Quốc phòng và Bộ Công an quy định từ khi Quốc hội ban hành Nghị quyết 19/2008 thí điểm cho người nước ngoài mua và sở hữu nhà tại Việt Nam.
Ông Khởi cho biết, kể từ khi Luật Nhà ở 2014 có hiệu lực từ 1/7 đến nay, cả nước đã có thêm 9 người nước ngoài được cấp giấy chứng nhận sở hữu nhà tại Việt Nam.