Người dân lao đao vì đặc sản mất giá
Dù lệnh cách ly tại Việt Nam đã được nới lỏng nhưng tình trạng giải cứu các loại đặc sản vẫn đang được cư dân mạng kêu gọi rầm rộ. Nguyên nhân tình trạng giải cứu vẫn đang tiếp diễn là do người nông dân đang tắc biên do thương mại và hoạt động xuất nhập khẩu vẫn còn hạn chế.
Đầu mùa dịch bệnh Covid-19, tôm hùm Nha Trang đã được cư dân mạng nhất loạt giải cứu với giá quảng cáo là “rẻ chưa từng có”, đến nay cá hồi Sapa là loại đang được mọi người kêu gọi với giá chỉ còn 140.000 - 150.000 đồng/kg. Đây là mức giá mà người dân không có lãi, thậm chí lỗ vốn.
Trả lời trên một số tờ báo, ông Đỗ Tiến Thắng – Chủ tịch Hội cá nước lạnh (cá hồi và cá tầm), cho biết: Năm nay, sản lượng cá hồi của Lào Cai đạt khoảng 400 - 500 tấn vì thời tiết có nhiều thuận lợi: Mưa nhiều, mát mẻ và nước nhiều nên cá chóng lớn.
Tuy nhiên, do ảnh hưởng của Covid-19, hệ thống nhà hàng, khách sạn phải đóng cửa để ứng phó với dịch bệnh đã ảnh hưởng phần nào đến tiêu thụ hàng hóa, trong đó có cá hồi tại Sa Pa. Hiện nay, lượng cá hồi chỉ mới tiêu thụ được khoảng 100 tấn. Do đó người nuôi cá hồi đã phải kêu gọi chung tay giải cứu.
Gần đây, một cuộc giải cứu “muối Sa Huỳnh” cũng khiến nhiều người quan tâm. Giá muối đang tụt dốc thê thảm khiến bà con diêm dân ở vựa muối Sa Huỳnh nặng trĩu âu lo. Những năm trước, giá muối có thời điểm chạm ngưỡng 1.000 đồng/kg. Với mức giá 600 đồng/kg như hiện nay, họ phải bán 50kg muối thì mới mua được 2kg gạo.
Thịt gia cầm cũng có xu hướng rớt giá mạnh. Cả vạn con gà ri ở Hòa Bình đến lứa xuất chuồng nhưng không có người mua. Bây giờ, giá gà ri giảm chỉ còn 75.000 đồng/kg vẫn không có người mua, dù thời điểm sau Tết Nguyên đán giá trên thị trường vẫn 100.000 đồng/kg.
Còn rất nhiều loại nông sản, hoa quả cần giải cứu nữa như xoài, thanh long đỏ, hoa tươi… chỉ vài chục nghìn một bó trăm bông. Người dân phải chịu đứng nhìn sản phẩm của mình làm ra hạ giá hết mức vẫn không có người mua .
Tuy vậy, một thực trạng chung là nhiều người không biết giải cứu các đặc sản như cá hồi Sapa, muối sa huỳnh… ở đâu vì siêu thị, cửa hàng các chương trình giải cứu này rất nhỏ và không được quảng bá rầm rộ. Có chăng chỉ là những bài đăng trên mạng xã hội, mà mua ở đó thì người tiêu dùng lại không được đảm bảo về chất lượng.
Nói về điều này, chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú - nguyên Phó giám đốc Sở Thương mại, nguyên Chủ tịch Hội Siêu thị Hà Nội cho biết “Vấn đề giải cứu chưa làm nhiều, hoặc làm chưa có quy mô. Mới chỉ thấy giải cứu hoa quả các thứ, thịt lợn thôi chứ các đặc sản mà nhất là hải sản, công cuộc giải cứu này vẫn còn rón rén. Chưa thấy siêu thị nào có chương trình đặc sản, chỉ thấy người ta bán dọc đường, bán online với số lượng nhỏ chứ ở quy mô lớn thì quá khó”.
Lý giải về việc các siêu thị lớn vẫn chưa tổ chức chương trình giải cứu các loại đặc sản Việt ở quy mô lớn, ông Phú nhận định là chuyện này “quả thực quá khó”. Nguyên nhân theo ông nói vì “bán hàng thủy hải sản phải có tủ, thiết bị oxy… mới có thể bán được không phải cứ quẳng đó là bán được, cái này rất khó khăn. Nếu chẳng may bán không được thì bù lỗ như thế nào? Hơn nữa, việc các siêu thị hay cửa hàng lớn nhập hàng đều phải giải quyết bằng hợp đồng chặt chẽ, hóa đơn chứng từ đầy đủ, tiêu chuẩn chất lượng. Cái này đều do hai bên tự giải quyết với nhau không có một luật lệ nào cả cho nên vấn đề thống nhất chung rất khó”.
Còn một thực tế nữa là hàng thủy hải sản và gia cầm khó phân biệt chất lượng. Tôi lấy ví dụ như tôm hùm có rất nhiều loại tôm sọc xanh, tôm hùm sen… ba bốn loại tôm, nhiều loại tôm lắm. Ngay cả với cua Cà Mau cũng vậy, không phải ai cũng phân biệt được, biết đâu nó là cua Quảng Ninh thì sao?”
Giải pháp nào cho đặc sản?
Các loại đặc sản Việt Nam được xuất đi nước khác rất nhiều. Trong thời gian dịch bệnh vẫn chưa được kiểm soát hết thì thị trường trong nước là giải pháp tối ưu nhất. Thế nhưng, các chương trình hỗ trợ người dân là rất hiếm. Có những phong trào giải cứu giúp nông dân nhưng do chất lượng của sản phẩm không được như ý, người tiêu dùng dễ có tâm lý không muốn tham gia giải cứu lần sau. Đó là chưa kể đến việc, nói là giải cứu nhưng thực chất giá đến tay người tiêu dùng lại không hề mềm chút nào.
Chuyên gia Phú cho rằng, để đưa được những loại đặc sản chất lượng đến tay người tiêu dùng cần phải có phương pháp. "Nếu như người tiêu dùng không tin tưởng mua bán qua khâu trung gian thì nhà nước cần một biện pháp trao tận tay người dùng. Chẳng hạn, nếu không thông qua được các siêu thị thì giành một chỗ ở các khu chợ, để những người nuôi trồng ở Quảng Ninh, Hải Phòng hay thậm chí là miền Nam đưa các mặt hàng ra tự tổ chức bán là tốt nhất.
Còn nếu muốn đảm bảo chất lượng tại các siêu thị lớn thì phải có luật hóa, các bộ ngành và cơ quan có liên quan cần sớm đề xuất những giải pháp mạnh mẽ và thiết thực để đưa giá. Ví dụ như ở Thái Lan, 1kg đường bán ra người nông dân trồng mía được tới 70% còn người bán buôn bán lẻ chỉ được đúng 30%. Còn đây ở Việt Nam thì hoàn toàn do giao dịch của người mua người bán, thương lái người ta ép nông dân chiết khấu quá đà khiến nông dân là người chịu thiệt nhất”.
Để đặc sản, nông sản đến được tay người dùng và không bị lao đao vì điều kiện tác động bên ngoài thì theo ông Phú “cần có bàn tay của Nhà nước để điều tiết thị trường không những đầu nậu trung gian sẽ tìm cách bóp nghẹt người dân. Nếu còn chuyện chia năm xẻ bảy thế này, không quản lý minh bạch công khai và hiệu lực của lực lượng quản lý rất thấp.
Tóm lại, để nông sản Việt Nam có thể phát triển mạnh mẽ ở thị trường nội địa thì kỷ cương phép nước phải nghiêm để cho những kẻ cơ hội không có điều kiện vun vén hết lợi nhuận cho mình. Thêm nữa phải thành lập được các chuỗi nông sản thực sự có tính khoa học, đảm bảo thông tin minh bạch. Nếu không giải quyết được những vấn đề này thì 10 hay lâu hơn nữa thị trường nông sản Việt vẫn không thể vươn lên được một cách mạnh mẽ và vững chắc ở thị trường nội địa và xuất khẩu".
Như vậy, với chính sách chưa chặt chẽ và chưa có điều luật cụ thể để hỗ trợ người nông dân thì cho dù Covid-19 có được kiểm soát, tình trạng người dân lao đao vì sản phẩm rớt giá sẽ vẫn còn tiếp diễn.