Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV, sáng 11/6 Quốc hội thảo luận ở Tổ về dự thảo Nghị quyết giảm thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp năm 2020 đối với doanh nghiệp, hợp tác xã, đơn vị sự nghiệp và tổ chức khác; dự án Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi).

Tại buổi thảo luận ở tổ, ĐBQH Trần Thị Quốc Khánh (đoàn ĐBQH TP Hà Nội) cho biết, Hà Nội đã trải qua những cảnh báo liên quan đến vấn đề ô nhiễm không khí. Đặc biệt, chưa bao giờ người dân Hà Nội lại được khuyến cáo nên ở nhà, đóng cửa sổ, không ra khỏi nhà. Có những thời điểm, chỉ số ô nhiễm không khí của Hà Nội thuộc bậc nhất thế giới.

ĐBQH Trần Thị Quốc Khánh tại buổi họp tổ về Dự án Luật bảo vệ môi trường (sửa đổi). Ảnh: LB.

Đại biểu Khánh cũng nêu rõ, vấn đề ô nhiễm không khí rất nguy hiểm, tác động ngay vào sự sống, cho nên chúng ta cần phải bảo vệ môi trường không khí tốt hơn. Bên cạnh đó, Đại biểu Khánh cũng đề nghị bổ sung thêm trách nhiệm bảo vệ không khí, cụ thể là trách nhiệm của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Nhắc đến sự cần thiết của không khí đối với sự sống, nữ đại biểu đoàn Hà Nội nhấn mạnh: "5 phút không thở được là chúng ta về thế giới bên kia rồi".

Nữ đại biểu cũng đau đáu trước vấn đề ô nhiễm nguồn nước, cụ thể trên địa bàn Hà Nội. Theo đại biểu Khánh, vấn đề này không thể giao cho một mình TP Hà Nội, bởi trong Luật Thủ đô đã có quy định là đối với những công trình liên quan đến môi trường, giao thông vượt quá thẩm quyền của thành phố thì Chính phủ phải báo cáo với Quốc hội. Riêng Luật Môi trường lần này, Đại biểu Khánh đề nghị phải có chế độ ưu đãi.

Ô nhiễm không khí, nguồn nước là vấn đề tác động trực tiếp đến đời sống người dân. Ảnh: BL

"Nước hiện nay đang khan hiếm, phía trên thì Trung Quốc chặn, các công trình xả thải ra môi trường rất nhiều nên địa bàn Hà Nội muốn sử dụng được nguồn nước tuần hoàn thì cần có sự chỉ đạo từ Trung ương. Tôi đề nghị cần có thêm quy định để giải quyết triệt để vấn đề ô nhiễm môi trường nước", Đại biểu Khánh nêu.

Đại biểu Khánh cũng nhấn mạnh thêm: "Nếu chúng ta chỉ coi trọng nước mặt mà không coi trọng nguồn nước dưới đất thì dẫn đến ô nhiễm và cạn kiệt. Vì vậy chúng ta phải có trách nhiệm cụ thể".

ĐBQH Trần Thị Quốc Khánh cũng dẫn chứng về sự cố môi trường đối với nguồn nước Sông Đà năm 2019: "Tôi đề nghị phải có thêm quy định về an ninh nguồn nước. Chúng ta đã thấy năm 2019 xảy ra vấn đề ô nhiễm Đông Đà. Vấn đề này suýt nữa gây nên những hậu quả nguy hiểm cho hàng triệu người dân trên địa bàn Thủ đô".

Theo bà Khánh, sau khi sự cố nguồn nước Sông Đà xảy ra thì từ Trung ương đến địa phương mới giật mình về vấn đề an ninh nguồn nước. Ở đây còn liên quan đến vấn đề phải khắc phục tình trạng trên, nếu Trung Quốc và các nước ở phía đầu nguồn sông Mê Kông tiếp tục ngăn chặn nguồn nước thì nguồn nước càng khó khăn hơn. Lúc đó chúng ta phải sử dụng tuần hoàn, bảo vệ an ninh nguồn nước chặt chẽ.

Theo Lê Bảo/Gia đình & Xã hội