Triển khai thực hiện nhiều biện pháp

Theo thống kê của cơ quan chức năng, trong 7 ngày nghỉ Tết Nguyên đán Bính Tuất 2018, cả nước đã xảy ra gần 220 vụ tai nạn giao thông làm chết 195 người, bị thương 199 người. Ngày xảy ra nhiều vụ tai nạn nhất là ngày mồng 2 Tết với với 42 vụ làm chết 36 người, bị thương 36 người. Tiếp đến là ngày mùng 5 Tết, cả nước đã xảy ra 29 vụ, trong đó có 24 vụ tai nạn giao thông, trong đó có 5 vụ va chạm giao thông đường bộ, làm chết 16 người, 34 người bị thương.

Cũng chỉ trong 7 ngày này, lực lượng CSGT đường bộ đã kiểm tra, xử lý trên 19.000 vụ vi phạm trật tự an toàn giao thông đường bộ, phạt tiền hơn 12 tỷ đồng. Nguyên nhân chủ yếu dẫn tới tai nạn giao thông là do lái xe uống rượu bia, vi phạm tốc độ, không đội mũ bảo hiểm; khu vực xảy ra tai nạn giao thông chủ yếu tại đường nông thôn, ngoài đô thị.

Còn theo báo cáo của Cục Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế, tổng số ca khám, cấp cứu do tai nạn giao thông từ sáng 14/2/2018 đến sáng 20/2/2018 là 37.376 trường hợp (lượt khám). Đây là số liệu ghi nhận tại khoa khám bệnh các bệnh viện, theo lời khai của người bệnh và người nhà người bệnh, bao gồm nhiều mức độ nặng nhẹ khác nhau, chưa loại trừ số liệu trùng lặp do các trường hợp chuyển tuyến hoặc một trường hợp đến khám tại nhiều bệnh viện. Tổng số trường hợp tử vong do tai nạn giao thông (bao gồm cả tử vong trước khi đến bệnh viện) là 168 trường hợp.

Những con số thống kê nêu trên cho thấy cứ mỗi dịp Tết nguyên đán, tình trạng an toàn giao thông luôn ở mức báo động. Trước tình hình đó, Thủ tướng Chính phủ vừa có Công điện số 1793/CĐ-TTg về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trong dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán Kỷ Hợi và Lễ hội Xuân 2019.

Đảm bảo an toàn giao thông dịp Tết nguyên đán Kỷ Hợi

Tăng cường tuần tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm

Theo nội dung công điện, Thủ tướng yêu cầu Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo các đơn vị trực thuộc Bộ, các Sở Giao thông vận tải lập kế hoạch cụ thể và huy động tối đa phương tiện vận chuyển hành khách bảo đảm tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật đáp ứng nhu cầu đi lại tăng cao; đẩy mạnh ứng dụng bán vé điện tử, nâng cao chất lượng dịch vụ, niêm yết công khai giá vé theo tuyến, thời gian và loại hình dịch vụ; kiên quyết không để hành khách về quê ăn Tết chậm do thiếu phương tiện. Đồng thời, tăng cường kiểm tra và xử lý nghiêm tình trạng tăng giá vé trái quy định; vi phạm, tiêu cực trong hoạt động bán vé tàu, xe, máy bay các ngày cao điểm Tết; yêu cầu các đơn vị vận tải tuân thủ quy tắc giao thông, phòng ngừa tai nạn đường đèo dốc, đường ngang đường sắt, đường thủy nội địa.

Bên cạnh đó, Bộ Công an cần phối hợp chặt chẽ với ngành giao thông vận tải có phương án tổ chức, điều tiết giao thông, sẵn sàng giải toả, cứu nạn kịp thời khi xảy ra sự cố, tai nạn, không để phát sinh ùn tắc kéo dài, nhất là trong ngày đầu và ngày cuối đợt nghỉ Tết trên các tuyến trục chính ra vào thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh; các tuyến quốc lộ trọng điểm, các điểm tổ chức các lễ hội, chợ hoa, chợ tết, nơi bắn pháo hoa, các bến xe, bến tàu, nhà ga, sân bay, bến cảng, các điểm đang thi công thường xảy ra ùn tắc giao thông.

Thủ tướng yêu cầu Bộ Công an chỉ đạo lực lượng Cảnh sát giao thông tăng cường tuần tra, kiểm soát, phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đối với loại hình vận chuyển hàng hóa nguy hiểm, dễ cháy nổ, đặc biệt là xe chở xăng dầu và hóa chất; chú trọng xử lý các vi phạm về tốc độ, tránh, vượt xe, vi phạm quy định về người lái và an toàn kỹ thuật phương tiện khi vận chuyển hàng hóa nguy hiểm, dễ cháy nổ.

Thủ tướng yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ban hành kế hoạch cụ thể, chỉ đạo tổ chức thực hiện đồng bộ và hiệu quả các biện pháp bảo đảm trật tự, an toàn giao thông phục vụ nhân dân dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán Kỷ Hợi và các Lễ hội Xuân 2019 phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương, chú trọng khu vực nông thôn, miền núi và các địa điểm diễn ra lễ hội trên địa bàn; vận động các đoàn thể nhân dân tại địa phương tham gia tổ chức cảnh giới hoặc chốt gác tại các đường ngang đường sắt và lối đi tự mở có nguy cơ cao xảy ra tai nạn giao thông.

Đồng thời, Thủ tướng cũng yêu cầu UBND thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh có phương án tổ chức, điều tiết giao thông, bố trí đủ lực lượng và phương tiện, ứng trực trên các tuyến giao thông trọng điểm, các trục chính ra vào thành phố; thực hiện phân luồng tại các khu vực giao thông phức tạp, giải tỏa kịp thời khi xảy ra ùn tắc, không để ùn tắc kéo dài, nhất là trong ngày đầu, ngày cuối đợt nghỉ Tết.

Tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm

Thực hiện chỉ đạo Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ban ngành, UBND các tỉnh cũng đồng loạt triển khai nhiều biện pháp nhằm bảo đảm trật tự, an toàn giao thông thời gian trước, trong và sau Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán Kỷ Hợi. Ngày 16/12 vừa qua, Cục Cảnh sát giao thông chỉ đạo lực lượng CSGT toàn quốc mở cao điểm bảo đảm trật tự an toàn giao thông (TTATGT), trật tự xã hội (TTXH) trên các tuyến giao thông.

Yêu cầu trọng tâm của đợt cao điểm phải bảo đảm TTATGT đường bộ, đường sắt và đường thủy phục vụ việc đi lại, vui chơi, lễ hội, vận tải hành khách, hàng hóa của nhân dân trong dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán Kỷ Hợi và các Lễ hội đầu xuân 2019, phòng ngừa, làm giảm TNGT và ùn tắc giao thông; ngăn chặn kịp thời và xử lý nghiêm các vụ tụ tập gây rối trật tự công cộng, đua xe trái phép.

Thông qua tuần tra kiểm soát giao thông và công tác nghiệp vụ, lực lượng CSGT đấu tranh có hiệu quả với các loại tội phạm, vận chuyển trái phép pháo nổ, chất nổ, vũ khí, hàng lậu, hàng cấm và các hành vi vi phạm pháp luật khác trên các tuyến giao thông đường bộ, đường sắt và đường thủy nội địa, đảm bảo an toàn khi thi hành nhiệm vụ.

Trên lĩnh vực giao thông đường bộ, CSGT tập trung bố trí lực lượng tuần tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm TTATGT; tập trung xử lý các hành vi vi phạm là nguyên nhân trực tiếp gây TNGT, ùn tắc giao thông... Đối tượng tập trung kiểm tra, xử lý là ô tô kinh doanh vận tải hành khách, xe container, xe xitec (chở xăng dầu), vận tải hàng hóa, xe mô tô. Riêng Quốc lộ 1A (đoạn từ Lạng Sơn đến TP Hồ Chí Minh), Cục CSGT thành lập 5 Cụm công tác, tăng cường cán bộ và trực tiếp chỉ huy CSGT các địa phương để thực hiện cao điểm.

Đảm bảo an toàn giao thông dịp Tết nguyên đán Kỷ Hợi

Phân luồng giao thông tránh ùn tắc

Đồng thời, nhằm kiềm chế tai nạn giao thông (TNGT) giảm từ 5% - 10% trên cả 03 tiêu chí so với cùng kỳ, không để xảy ra đua xe và cổ vũ đua xe trái phép, ngày 06/12/2018, UBND thành phố Hà Nội cũng đã ban hành Kế hoạch 117/KH-BATGT về việc triển khai đợt cao điểm công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông.

Để thực hiện mục tiêu đó, thành phố huy động tối đa lực lượng, phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ; kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi vi phạm là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng ùn tắc và tai nạn giao thông; tăng cường công tác chỉ huy, điều khiển, hướng dẫn giao thông, phòng tránh ùn tắc giao thông, đặc biệt trong thời điểm trước và sau kỳ nghỉ Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019 (thời điểm người dân về quê đón Tết và trở lại Hà Nội sau kỳ nghỉ Tết). Tập trung phục vụ tốt nhất nhu cầu đi lại của nhân dân trong kỳ nghỉ Tết và mùa Lễ hội Xuân năm 2019.

Đồng thời, lãnh đạo thành phố cũng đã chỉ đạo các đơn vị quản lý bảo trì đường bộ, đèn tín hiệu: tăng cường công tác duy tu, sửa chữa kịp thời hệ thống hạ tầng giao thông, đảm bảo êm thuận; sơn lại vạch kẻ đường cũ, mờ; rà soát, bổ sung biển báo hiệu; xử lý kịp thời các sự cố đèn tín hiệu giao thông; điều chỉnh chu kỳ đèn tín hiệu cho phù hợp với lưu lượng giao thông nhằm đảm bảo an toàn giao thông, phục vụ nhu cầu đi lại của nhân dân, không để xảy ra tai nạn giao thông có nguyên nhân do hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông xuống cấp.

Lãnh đạo thành phó Hà Nội yêu cầu Công an thành phố và các đơn vị có liên quan tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm trật tự an toàn giao thông, trật tự đô thị tập trung vào các hành vi xe dừng, đỗ đón trả khách sai quy định; xe chạy không đúng luồng tuyến; chở quá số người quy định; xe không đảm bảo chất lượng, tiêu chuẩn; xử lý nghiêm các hành vi điều khiên phương tiện giao thông khi đã uống rượu bia. Tăng cường kiểm tra, xử lý đối với các điểm trông giữ xe thu phí quá giá quy định, sai phép, không phép.

Kiểm tra các công trình đang thi công, kiên quyết xử lý nghiêm các vi phạm về an toàn giao thông, trật tự đô thị vệ sinh môi trường và các công trình hạ tầng kỹ thuật, xử lý và thu hồi giấy phép đối với các trường hợp vi phạm giấy phép, vi phạm các quy định của thành phố.

Tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật tại các bến khách ngang sông, bến thủy nội địa trên địa bàn TP nhằm đảm bảo an toàn giao thông, an ninh trật tự và phục vụ nhu cầu đi lại của nhân dân. Đặc biệt là các hành vi sử dụng phương tiện không đảm bảo an toàn theo quy định, không trang bị đầy đủ thiết bị cứu sinh cứu hỏa, chở quá tải trọng, quá số người cho phép.

Hy vọng rằng, với sự vào cuộc rốt ráo của các ngành, các cấp từ Trung ương đến địa phương, tình trạng an toàn giao thông trên cả nước sẽ được cải thiện; góp phầm làm cho cái tết của người dân thêm phần an toàn, vui vẻ và ấm áp.

Theo congly.vn