Gần 30 triệu tỷ đồng hàng hóa phục vụ Tết

Sở Công Thương TP Hà Nội cho biết, tổng giá trị hàng hóa phục vụ tiêu dùng của người dân trong dịp Tết 2019 vào khoảng 28,5 tỷ đồng, tăng khoảng 10% so với kế hoạch dự trữ hàng hóa Tết năm 2018.

Trao đổi với báo chí, bà Trần Thị Phương Lan - Phó Giám đốc Sở Công Thương TP Hà Nội cho biết, các DN trên địa bàn TP đã xây dựng kế hoạch sản xuất, kinh doanh, dự trữ hàng hóa tăng từ 10-15% so với các tháng trong năm để tổ chức bán ra thị trường, đáp ứng đầy đủ nhu cầu tiêu dùng trong dịp Tết của nhân dân; không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, đứt hàng, tồn hàng sau Tết.

Nói không với thực phẩm bẩn

Nói không với thực phẩm bẩn và không an toàn

Hiện Sở Công Thương đã tích cực tham mưu, chủ động triển khai chương trình bình ổn thị trường các mặt hàng thiết yếu trên địa bàn, phục vụ Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019. Đã có hàng chục DN đăng ký tham gia chương trình, 3 tổ chức tín dụng đăng ký cho các DN vay vốn thực hiện bình ổn giá với số vốn 2.700 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Gia Phương - Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch Hà Nội (HPA) cho biết, để đảm bảo nhu cầu mua hàng hóa, đặc biệt là các sản phẩm “đặc sản” tại các địa phương, Trung tâm đã lên kế hoạch tổ chức nhiều chương trình kết nối các địa phương xung quanh Hà Nội để hàng hóa đảm bảo nhu cầu phục vụ người dân dịp Tết.

Trong khi đó tại TP HCM, để chuẩn bị nguồn hàng cho Tết Kỷ Hợi 2019, các DN trên địa bàn đã bắt đầu sản xuất, dự trữ lượng hàng hóa đủ cung ứng cho 2 tháng Tết Kỷ Hợi 2019 với trị giá gần 18.425 tỷ đồng, tăng hơn 612 tỷ đồng (3,44%) so với Tết Mậu Tuất 2018. Các hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi cũng xây dựng kế hoạch tăng nguồn hàng hóa phục vụ Tết với số lượng từ 2 - 3 lần so với các tháng thường.

Tăng cường “chặn” hàng kém chất lượng

Dịp cuối năm, do nhu cầu hàng hóa tăng cao nên cũng là dịp nhiều mặt hàng hóa kém chất lượng, hàng giả, không rõ nguồn gốc xuất xứ có cơ hội “tuồn” ra thị trường. Trước tình hình đó, UBND TP Hà Nội yêu cầu các đơn vị và DN trên địa bàn thực hiện tốt Chỉ thị số 08/CT-BCT ngày 30/10/2018 thực hiện các giải pháp cân đối cung - cầu, bình ổn thị trường cuối năm 2018, dịp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019 và Kế hoạch số 142/KH-UBND ngày 28/6/2018 của UBND TP về việc thực hiện chương trình bình ổn thị trường các mặt hàng thiết yếu.

Cùng với đó, đầu tháng 12/2018, TP Hà Nội cũng đã thành lập các đơn vị, đoàn kiểm tra liên ngành về an toàn thực phẩm để nắm bắt và xử lý ngay các trường hợp vi phạm. Các hành vi đầu cơ găm hàng, tăng giá trái pháp luật sẽ bị xử lý nghiêm.

Trao đổi với phóng viên, đại diện siêu thị BigC Hà Nội cho biết, chương trình phục vụ Tết đã được DN này lên kế hoạch trước 2 tháng và đã ký kết với các nguồn hàng cung ứng, đảm bảo đủ hàng hóa phục vụ người dân.

“Chúng tôi thậm chí đã có chương trình nguồn hàng dự trữ, đặc biệt là 1 tuần trước Tết Nguyên đán để không thiếu hàng hóa phục vụ người dân. Các sản phẩm bày bán tại BigC sẽ được dán nhãn mác, nguồn gốc truy xuất. Chúng tôi nói không với hàng hóa kém chất lượng và không rõ nguồn gốc”, đại diện siêu thị BigC Thăng Long cho biết.

Trong khi đó, hệ thống siêu thị Hapro cũng đã có chuẩn bị hàng hóa dồi dào cho việc phục vụ Tết Nguyên đán. DN này còn là đơn vị được TP Hà Nội chỉ định tham gia chương trình bình ổn giá, chuẩn bị hàng hóa phục vụ Tết, ngoài các mặt hàng do các đơn vị thành viên, Hapro còn chuẩn bị nguồn hàng mà Tổng Công ty trực tiếp nhập khẩu, phân phối làm đại lý cấp 1 như: Trái cây, bánh kẹo, hạt dẻ, rượu nhập khẩu, các sản phẩm đặc sản vùng miền…

Theo Trúc An (tổng hợp)/Đô thị mới