Ngày 28/8, trên tờ VnExpress, ông Trần Doãn Mậu, Giám đốc Cảng vụ Hàng không miền Nam, cho biết căn cứ vào tường trình sự việc thì nguyên nhân xe băng chuyền đụng máy bay do tài xế bị nhầm lẫn giữa phanh và ga xe.
Khi xe băng chuyền của Xí nghiệp thương mại mặt đất Tân Sơn Nhất (TIAGS) tiếp cận máy bay của China Airlines để đưa hàng hóa, hành lý xuống, mặc dù đã có người hướng dẫn phía trước nhưng thay vì thao tác phanh thì tài xế lại sử dụng ga khiến xe lao về phía trước và tông mạnh vào hầm hàng máy bay.
Vụ đâm va khá mạnh đã tạo ra vết lõm sâu khoảng hơn 20 cm và kéo dài hơn một mét trên thân máy bay China Airlines. Một số đinh cố định trên thân chiếc Airbus 330 bị văng ra ngoài.
"Để đảm bảo an toàn, phía đơn vị mặt đất đã bố trí một người khác ở dưới sân đỗ làm nhiệm vụ xi nhan, tuy nhiên dù đã được hướng dẫn, nhưng tài xế vẫn bị nhầm thao tác kỹ thuật gây ra sự cố đáng tiếc", ông Trần Doãn Mậu nói.
Giám đốc Cảng vụ Hàng không miền Nam cũng cho biết, đã kiểm tra tài xế có giấy phép lái xe, kết quả đọc trên máy thử nồng độ cồn cho thấy anh này không sử dụng bia rượu.
Theo lãnh đạo Cảng vụ Hàng không miền Nam, hiện chưa thể đưa ra ước tính về thiệt hại từ sự cố, nhà chức trách hàng không và China Airlines cùng các bên liên quan phối hợp giải quyết vụ việc.
Một nguồn tin cho biết, China Airlines đánh giá đây là tai nạn đặc biệt nghiêm trọng, chi phí khắc phục và sửa chữa máy bay sẽ tiêu tốn khá lớn. Hãng này ước tính tổng thiệt hại từ sự cố lên tới một triệu USD.
Như đã đưa tin, sáng 27/8, chiếc Airbus 330 của Hãng hàng không China Airlines đang đỗ đón khách tại sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất, TP HCM thì bất ngờ bị xe chở băng chuyền của công ty phục vụ mặt đất đâm va gây hư hỏng. Sự cố khiến chuyến bay CI 782 bị hủy, 300 hành khách được đưa tới khách sạn nghỉ ngơi để chờ China Airlines đưa máy bay khác sang đón.
Tới 1h45 sáng 28/8, China Airlines đã đưa 300 hành khách khởi hành đi Đài Bắc, muộn gần 15 tiếng so với kế hoạch ban đầu.
Dự kiến, máy bay Airbus 330 của China Airlines sẽ phải ở lại sân bay Tân Sơn Nhất khoảng 3 ngày để tổ chuyên gia kỹ thuật kiểm tra và khắc phục.
Theo ông Lại Xuân Thanh, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam, quy trình đối với các xe hoạt động trong sân bay như xe tiếp nhiên liệu, xe băng chuyền… rất nghiêm ngặt, được quy định cụ thể về tốc độ, hướng, cách thức tiếp cận theo các quy định chung của quốc tế.
Các nhân viên lái xe đều được huấn luyện, phải thi kiểm tra đạt được giấy phép năng định mới được phép lái xe trong sân bay. Ngoài ra, cũng như các nhân viên hàng không khác, lái xe trong sân bay cũng phải kiểm tra định kỳ.
“Tuy nhiên vẫn có sự cố phát sinh, chủ yếu do lỗi ẩu của lái xe dù quy trình rất nghiêm ngặt. Sau sự cố, Cục Hàng không sẽ yêu cầu các đơn vị rà soát lại quy trình, nhưng theo tôi quy trình không có vấn đề gì, chủ yếu do lỗi con người”, ông Thanh khẳng định.
Cũng theo lãnh đạo Cục Hàng không, Cục chỉ xử phạt vi phạm hành chính. Việc xử lý vi phạm lao động đối với lái xe sẽ do đơn vị chủ quản chịu trách nhiệm theo quy chế lao động nội bộ công ty, cũng như tính toán mức thiệt hại và có trách nhiệm đền bù.
Trước đó vào hôm 27/6/2014, tại sân bay quốc tế Đà Nẵng cũng xảy ra trường hợp tương tự, khi đó chuyến bay HVN130 của Vietnam Airlines được nhân viên điều hành không lưu cho phép hạ cánh xuống đường băng 35.
Tổ lái đã báo cáo nhận lệnh. Cách đó 7 giây, chuyến bay PIC595 của Jetstar Pacific đang dừng chờ tại đường lăn E5 thì kiểm soát viên không lưu cấp huấn lệnh cho phi công rẽ phải vào đường băng 35, lăn bánh đến cuối đường và quay đầu để vào đường băng 17 chuẩn bị cất cánh.
17 giây sau, máy bay Vietnam Airlines được lệnh lăn chậm trên đường băng và dừng lại trước đường lăn E5 để chờ. Lúc 20h46, kiểm soát viên không lưu chỉ thị cho máy bay của Jetstar Pacific cất cánh theo đường băng 17.
Nhưng chỉ 12 giây sau khi yêu cầu Jetstar Pacific cất cánh, phi công của Vietnam Airlines thông báo với đài không lưu là máy bay chưa thoát ra khỏi đường băng.
Lúc này, kiểm soát viên không lưu mới phát hiện, hủy ngay lệnh cất cánh đối với Jetstar Pacific và tổ lái đã thực hiện ngay theo chỉ lệnh mới. Phải mất 56 giây sau đó, máy bay của Vietnam Airlines mới rời khỏi đường băng để vào sân đỗ, để cho Jetstar Pacific cất cánh./.