Ban công là phần đưa ra khỏi mặt bằng nhà, có thể có hoặc không có mái che, kết cấu thường kiểu console. Chỉ thường dùng cho nhà thấp tầng, biệt thự, nhà vườn hoặc kiến trúc kiểu Pháp cổ.
Nhược điểm là ban công dễ bị mưa hắt, nắng chiếu... có 2,3 mặt tiếp xúc với thiên nhiên.
Lô gia là phần ăn sâu vào mặt bằng nhà nên được che chắn cẩn thận, chỉ có 1 bề mặt tiếp xúc với thiên nhiên. Lô gia chỉ có thể nhìn ra ngoài qua 1 hướng vì 2 hướng còn lại là xây tường cao tận đáy sàn.
Thực tế thì diện tích lô gia và ban công không chênh lệch nhiều.
Lô gia chung cư có nhiều chức năng như phơi phóng, nơi trồng cây xanh, chậu hoa cảnh, thậm chí để các thứ lặt vặt như cục điều hòa, rác…
Đặc biệt lô gia còn giúp làm giảm bức xạ nhiệt cho không gian trong nhà, đặc biệt những tòa nhà sử dụng nhiều kính.
Bởi vậy, trong kiến trúc nhà ở hiện đại, lô gia được khuyến khích sử dụng thay vì ban công. Đặc biệt, đối với nhà cao tầng không nên sử dụng ban công mà nên dùng lô gia bởi sự đảm bảo an toàn.
Theo quy định, lan can, ban công của các công trình nhà ở, cơ quan, trường học… từ 9 tầng trở lên phải đảm bảo độ cao tối thiểu là 1,4m.
Các toà nhà cao từ 9 tầng trở lên, trong đó có chung cư, phải đảm bảo lan can chắn các cạnh trống của sàn, ban công, mái (bao gồm cả giếng trời và các lỗ mở khác) và các nơi có người đi lại, thậm chí cả ở ga-ra ôtô.
Còn đối với công trình có trẻ em dưới 5 tuổi sử dụng thì lan can phải cấu tạo không cho trẻ em dễ trèo qua và không có lỗ hổng đút lọt quả cầu đường kính 100mm.
Với lan can hoặc lô gia được sử dụng bằng vật liệu kính thì kính được bảo vệ bởi vật cố định, đảm bảo chắc chắn, không có khe hở nào nhét lọt quả cầu đường kính 75mm, khó trèo qua để ngăn ngừa chống rơi ngã.
Tại Tiêu chuẩn xây dựng Việt Nam 323/2004 “Nhà ở cao tầng - tiêu chuẩn thiết kế” quy định: Từ tầng 6 trở lên không được thiết kế ban công, chỉ được thiết kế lô gia. Lan can lô gia không được hở chân và có chiều cao không nhỏ hơn 1,2m.