Theo số liệu từ Sở NN&PTNT, đến nay, cả nước có 1.642 chuỗi liên kết nông sản thì Hà Nội có 141 chuỗi (chiếm 9%), trong đó, có 59 chuỗi sản phẩm có nguồn gốc động vật, 82 chuỗi sản phẩm có nguồn gốc thực vật.

Việc đẩy mạnh liên kết trong sản xuất nông nghiệp đã tạo ra những chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn, góp phần nâng cao ý thức, vai trò, trách nhiệm của người sản xuất, kinh doanh; bảo đảm cho điều tiết cung cầu thị trường và truy xuất nguồn gốc sản phẩm thực phẩm.

Sản xuất nông nghiệp gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm và truy xuất nguồn gốc trên địa bàn TP H à Nội ngày càng được mở rộng cả về diện tích và sản lượng.(ảnh: TL)
Sản xuất nông nghiệp gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm và truy xuất nguồn gốc trên địa bàn TP H à Nội ngày càng được mở rộng cả về diện tích và sản lượng.(ảnh: TL)

Theo Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường, ngoài các doanh nghiệp, trang trại, nông hộ, hiện nay, toàn TP. Hà Nội có 70 hợp tác xã tham gia liên kết chuỗi trong sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Đây là điều kiện thuận lợi để các hợp tác xã tổ chức, hướng dẫn các hộ sản xuất bảo đảm quy trình an toàn thực phẩm trong từng công đoạn, xác định liên kết theo chuỗi là xu thế tất yếu, đáp ứng nhu cầu nông sản an toàn cho người tiêu dùng.

Các cơ sở trong chuỗi của các hợp tác xã được kiểm tra định kỳ, sản phẩm từ các chuỗi được đưa vào chương trình lấy mẫu giám sát an toàn thực phẩm, sản phẩm bước đầu có chỗ đứng trên thị trường.

Cũng theo ông Tạ Văn Tường, đối với các hộ sản xuất, hợp tác xã tham gia chuỗi liên kết giúp gia tăng giá trị sản phẩm lên 10 - 15% so với khi chưa sản xuất theo chuỗi. Nhiều sản phẩm đã tìm được thị trường, nhiều chuỗi đã tìm được đầu ra ổn định là hệ thống cửa hàng phân phối tiện ích, bếp ăn tập thể... Đây là điều kiện thuận lợi trong kiểm soát, nâng cao chất lượng sản phẩm nông nghiệp, đáp ứng nhu cầu của thị trường và ổn định khâu tiêu thụ. Từ đó, tăng sức cạnh tranh của các mặt hàng nông sản, nâng cao vị thế ngành Nông nghiệp Thủ đô...

Việc xây dựng chuỗi nông sản an toàn mang lại nhiều lợi ích cho người sản xuất và tiêu dùng, tuy nhiên, quá trình triển khai đã bộc lộ những khó khăn, hạn chế. Về cơ bản, các chuỗi liên kết nông sản đều chưa hoàn chỉnh, quy mô nhỏ lẻ, chủ yếu là liên kết theo hình thức “thuận mua - vừa bán” giữa các chủ thể sản xuất với doanh nghiệp và thương lái tiêu thụ sản phẩm.

Chủ thể nào bán giá thấp hoặc doanh nghiệp nào mua giá cao hơn so với thị trường thì sẽ xảy ra tình trạng đứt gãy và phá vỡ hợp đồng liên kết đã ký kết. Nhiều liên kết chỉ là sự khớp nối thông qua các sự kiện, chương trình kết nối giao thương sản phẩm nông nghiệp giữa người sản xuất và người tiêu thụ, chưa có sự hỗ trợ của cơ quan quản lý nhà nước trong việc ký kết hợp đồng liên kết cũng như đầu tư nguồn lực cho các điểm yếu trong liên kết chuỗi nên tính bền vững không cao, dễ bị đổ vỡ.

Từ thực tiễn đặt ra, mới đây, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền đã ký ban hành kế hoạch phát triển nông nghiệp theo chuỗi giai đoạn 2021 - 2025.

Theo định hướng, TP sẽ hỗ trợ phát triển, xây dựng 50 liên kết chuỗi trong sản xuất nông nghiệp đối với các sản phẩm chủ lực gắn với cùng sản xuất chuyên canh tập trung của thành phố; 100% chủ thể tham gia liên kết chuỗi được đào tạo, tập huấn kỹ thuật, nâng cao nghiệp vụ quản lý, kỹ thuật sản xuất, năng lực quản lý hợp đồng, quản lý chuỗi và phát triển thị trường; 100% liên kết chuỗi sản xuất tiêu thụ nông sản thực phẩm an toàn ứng dụng công nghệ thông tin truy xuất nguồn gốc QR, minh bạch thông tin đến người tiêu dùng.

Theo ông Chu Phú Mỹ, Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội cho biết, để các chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp bền vững, không bị đứt gãy, với nhiệm vụ được giao, thời gian tới, Sở NN&PTNT sẽ tiếp tục phối hợp với các sở, ngành liên quan và địa phương tập trung phát triển công nghiệp chế biến nông sản gắn với phát triển vùng nguyên liệu tập trung và tiêu thụ sản phẩm trên cơ sở cơ cấu lại vật nuôi, cây trồng. Cùng với đó, khuyến khích các doanh nghiệp có tiềm lực, ứng dụng công nghệ cao, công nghệ tiên tiến tổ chức sản xuất theo hướng hợp tác, liên kết theo chuỗi giá trị khép kín, áp dụng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến. Đẩy mạnh phát triển kinh tế trang trại, nâng cao quy mô kinh tế hộ, thúc đẩy phát triển kinh tế tập thể, đa dạng hóa các hình thức liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản an toàn.

Theo Khánh Phong/Pháp luật và Xã hội

Nguồn: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/day-manh-phat-trien-chuoi-lien-ket-san-xuat-gan-voi-tieu-thu-nong-san-an-toan-244638.html