Hiệu quả 5 năm thực hiện Đề án bệnh viện vệ tinh
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, nhằm thực hiện Đề án giảm tải bệnh viện, Bộ Y tế đã xây dựng Đề án bệnh viện vệ tinh với mục tiêu nâng cao năng lực về khám bệnh, chữa bệnh cho các bệnh viện vệ tinh, thông qua các hoạt động đào tạo, chuyển giao kỹ thuật, cải tạo cơ sở vật chất, nâng cấp trang thiết bị y tế, giúp người dân được khám bệnh, chữa bệnh chất lượng cao tại các bệnh viện vệ tinh, không phải lên tuyến trên.
Đồng thời, đề án sẽ nâng cao năng lực khám bệnh, chữa bệnh của nhân viên y tế tại các bệnh viện vệ tinh thông qua việc tăng cường đào tạo, chuyển giao kỹ thuật và tư vấn khám, chữa bệnh từ xa bằng công nghệ thông tin (telemedicine)....
Sau 5 năm thực hiện Đề án bệnh viện vệ tinh giai đoạn 2013-2018 đã xây dựng và hình thành 23 bệnh viện hạt nhân và 138 bệnh viện vệ tinh. Đến nay, có 10 chuyên khoa được đầu tư và ưu tiên phát triển là ung bướu, ngoại chấn thương, tim mạch, sản, nhi, nội tiết, thần kinh, huyết học lâm sàng, hồi sức cấp cứu, chống độc.
Nhiều địa phương có hình thức triển khai mô hình bệnh viện vệ tinh phù hợp với đặc thù của tỉnh mình. Không chỉ dừng lại phát triển ở các bệnh viện đa khoa, chuyên khoa tỉnh mà bệnh viện vệ tinh còn được thực hiện ở nhiều bệnh viện tuyến huyện như Bệnh viện Đa khoa huyện Mộc Châu, Bệnh viện Đa khoa huyện Mường Khương (Lào Cai), bệnh viện, Trung tâm Y tế huyện Tam Đường (Lai Châu)…
Bệnh viện vệ tinh không chỉ là những bệnh viện công lập mà còn ở các bệnh viện ngoài công lập. Trong đó, tại TP Hồ Chí Minh xuất hiện Phòng khám bệnh viện vệ tinh thu hút đông bệnh nhân đến khám và điều trị.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến phát biểu tại Hội nghị
“Những kết quả của Đề án bệnh viện vệ tinh đã từng bước giảm tình trạng quá tải của các bệnh viện, đặc biệt là tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Đề án bệnh viện vệ tinh góp phần nâng cao năng lực cung cấp dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh của các bệnh viện vệ tinh. Đồng thời, củng cố lòng tin của người dân với bệnh viện vệ tinh, tăng tỷ lệ người bệnh tới khám, điều trị tại bệnh viện vệ tinh, giảm tỷ lệ chuyển tuyến từ bệnh viện vệ tinh lên bệnh viện hạt nhân.
Cũng nhờ Đề án này đã tăng tỷ lệ chuyển tuyến phù hợp từ bệnh viện hạt nhân về bệnh viện vệ tinh, giảm quá tải tại bệnh viện hạt nhân ở tuyến Trung ương, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân do Đảng và Nhà nước giao cho ngành y tế”, Bộ trưởng Tiến khẳng định.
Bệnh viện E là Bệnh viện hạt nhân của 14 bệnh viện vệ tinh
Trong 5 năm qua, Bệnh viện E là Bệnh viện hạt nhân của 14 bệnh viện vệ tinh đã chuyển giao và hỗ trợ kỹ thuật cho các bệnh viện tuyến dưới, nhằm giảm tình trạng bệnh nhân vượt tuyến lên tuyến trên.
GS.TS Lê Ngọc Thành, Giám đốc Bệnh viện E (Bộ Y tế) nhận định, Đề án Bệnh viện vệ tinh của Bệnh viện E là Bệnh viện hạt nhân của 14 Bệnh viện vệ tinh như: Thái Bình, Thanh Hóa, Hải Phòng, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Dương cùng các Bệnh viện Đa khoa khu vực tại huyện Tĩnh Gia, Ngọc Lặc (Thanh Hóa) và hai bệnh viện tuyến huyện là Cẩm Xuyên, Kỳ Anh (Hà Tĩnh)...
Với 3 chuyên ngành: Tim mạch, chấn thương, hồi sức tích cực - chống độc, Bệnh viện E đã chuyển giao với các gói kỹ thuật tới hàng trăm lượt bác sĩ, điều dưỡng, kỹ thuật viên tại các bệnh viện vệ tinh: Cấp cứu tim mạch ban đầu, phẫu thuật (PT) thay đoạn động mạch chủ bụng, PT tim hở, PT và chăm sóc bệnh nhân u phổi, PT thay khớp háng, PT lấy máu tụ ngoài màng cứng, PT trượt đốt sống thắt lưng, điều trị tiêu sợi huyết trong nhồi máu não, lọc máu liên tục... Hàng trăm cán bộ thuộc các bệnh viện tuyến dưới được tiếp nhận các kỹ thuật chuyển giao…
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến kiểm tra việc thực hiện Đề án Bệnh viện vệ tinh của Bệnh viện E
GS Lê Ngọc Thành cho biết, các bệnh viện vệ tinh luôn có sự liên kết, hỗ trợ, giúp đỡ của Bệnh viện E về đào tạo và chuyển giao kỹ thuật bằng những nội dung cụ thể. Bệnh viện E tăng cường chuyển giao các gói kỹ thuật theo Đề án cho các bệnh viện. Đồng thời, hướng dẫn sử dụng thiết bị y tế trong chương trình Dự án và các máy móc thiết bị khác.
Ngoài ra, Bệnh viện E đã phát triển thêm nhiều nội dung mới trong truyền hình trực tuyến giúp nâng cao trình độ chuyên môn cho y bác sĩ tuyến dưới. Bệnh viện E cũng đưa cán bộ về trực tiếp tuyến dưới tham gia giảng dạy và tăng cường cho các bệnh viện.
“Thời gian tới, Bệnh viện E sẽ triển khai và thực hiện bằng được mạng lưới thông tin gồm: Truyền hình thông qua mổ trực tuyến theo các chuyên khoa, giao ban trực tuyến, gửi báo cáo và thực hiện cố vấn giảng dạy và thực hành trực tuyến về chuyên môn cấp cứu phẫu thuật đối với các bệnh viện vệ tinh.
Thống kê và gửi thông báo rút kinh nghiệm các trường hợp sai sót chuyên môn cho các bệnh viện thuộc tuyến giúp nâng cao trình độ thầy thuốc, hạn chế sai sót về chuyên môn từ đó nâng cao hiệu quả khám chữa bệnh.
Đặc biệt, chú ý đến công tác truyền thông nhằm tuyên truyền các kỹ thuật, các ca bệnh mà các bác sĩ bệnh viện tuyến dưới thực hiện được đến với đông đảo người dân... nhằm giúp người dân tin tưởng vào bệnh viện tuyến dưới, giảm quá tải cho các bệnh viện tuyến trên, trong đó có Bệnh viện E”, GS Thành cho biết thêm.