Ảnh minh họa
Trẻ tử vong khi ngủ có nhiều nguyên nhân
Những ngày gần đây, thông tin của bé N.A (4 tháng tuổi ở Hoàn Kiếm, Hà Nội) không may chết não rồi tử vong nghi do mẹ trong lúc ngủ thiếp đi vô tình đè tay lên con khiến nhiều người không khỏi xót xa.
Tai nạn hy hữu này cũng đã xảy ra cách đây vài năm với bé sơ sinh 1 tháng tuổi được đưa vào Bệnh viện Nhi Đồng 2 (TPHCM) trong tình trạng ngưng thở. Nguyên nhân vì người bố ngủ say nên gác tay lên mũi con mà không biết.
Sau những tai nạn này, để con ngủ chung hay ngủ riêng đang là vấn đề được trao đổi khá sôi nổi trên nhiều diễn đàn dành cho các bậc phụ huynh. Có nhiều ý kiến cho rằng, đây là cách để bố mẹ dễ dàng theo dõi, chăm sóc con. Bên cạnh đó, cũng có những người bày tỏ rằng việc này có thể gây ảnh hưởng đến tính mạng của trẻ chỉ vì bất cẩn của bố mẹ.
Liên quan đến sự việc của cháu bé trên, BS Trần Văn Phúc, Bệnh viện Xanh Pôn, Hà Nội cho rằng, do cơ thể của trẻ sơ sinh chưa phát triển toàn diện nên bình thường cũng đã có thể có cơn ngừng thở khi ngủ dẫn tới ngừng thở hẳn do thiếu ôxy não. Hay còn gọi hội chứng đột tử ở trẻ sơ sinh được chẩn đoán khi một đứa trẻ khỏe mạnh tử vong trong khi đang ngủ trưa hoặc ngủ đêm, dù là ngủ trong cũi, giường hay bất cứ đâu mà không có dấu hiệu cảnh báo hay lý do rõ ràng. Hội chứng này hiếm gặp nhưng nó vẫn có khả năng cao gây tử vong ở trẻ sơ sinh, nhất là trẻ từ 3 tháng trở lại. Mùa lạnh có nguy cơ gặp phải cao hơn.
Ngoài ra, trẻ nhỏ cũng có thể tử vong do bị ngạt thở khi ngủ bởi nhiều nguyên nhân. Chẳng hạn như, bố mẹ vô tình đè phải con khi ngủ say mà không biết. Trẻ cũng có thể bị ngạt do tình trạng viêm đường hô hấp gây tắc nghẽn bởi đờm, tổn thương của não như xuất huyết não, dị tật bẩm sinh… gây ra tử vong.
“Bởi vậy trường hợp bé N.A không hẳn tử vong là do bị đè vào khi ngủ. Còn nguyên nhân cụ thể ra sao thì bác sỹ mới biết được. Việc đè vào con khi ngủ là xác xuất rất thấp. Thường những người này phải rất vụng về. Nếu có tách ra thì trẻ cũng gặp phải những nguy cơ nguy hiểm khác nữa. Không ai mang một xác xuất quá nhỏ để mà cảnh báo một cộng đồng. Khi thấy trẻ có những dấu hiệu bất thường cần phải để ý ngay”, BS Trần Văn Phúc cho hay.
Nên cho trẻ ngủ riêng từ sau 4 tuổi
BS Trần Văn Phúc cho biết, những trẻ dưới 3 tháng nguy cơ gặp hội chứng đột tử cao hơn. Trẻ con từ 4 tuổi trở xuống bắt buộc phải ngủ cùng với bố mẹ, không nên ngủ cùng ông bà, người giúp việc… Quan điểm của ông cũng như tìm hiểu quan điểm y học của một số bác sỹ nhi khoa trên thế giới đều cho rằng trẻ được ngủ cùng với bố mẹ có nhiều lợi thế.
Khi bố mẹ ngủ cùng con, ôm con những lúc bé là giao tiếp rất quan trọng. Đó là sợi dây nối tình cảm. Nếu ngủ chung phòng mà cho con ngủ riêng ở nôi thì giao tiếp đó sẽ không có. Bố mẹ cũng chăm sóc được khi ban đêm nếu có gì bất thường. Hơn nữa, một đứa trẻ sơ sinh ngủ cùng với bố mẹ sẽ ảnh hưởng tính cách của bố mẹ.
Theo quan niệm của phương Tây, hầu hết trẻ khoảng 4 tuổi là cho ngủ riêng vì khi đó tính tự lập của trẻ con sẽ cao. Khi đó, bố mẹ chỉ đọc chuyện cho con ngủ, khi con ngủ rồi thì bố mẹ ra ngủ riêng. Thứ 2, lúc đó trẻ sẽ không bị ảnh hưởng vì chuyện sinh hoạt của bố mẹ.
Nhưng ở Việt Nam, do thói quen con ngủ chung với cha mẹ đã tồn tại khá lâu, cùng với việc nhiều gia đình chưa có điều kiện xây phòng riêng cho bé và tâm lý quen lo lắng, chở che cho con nên nhiều cặp vợ chồng không muốn cho con ngủ riêng sớm.
Các bậc cha mẹ nên bắt đầu tập cho con ngủ riêng khi trẻ từ 5-6 tuổi tùy theo tính cách và thể chất của từng bé. Không nên để trẻ ngủ riêng đột ngột khiến trẻ hiểu lầm là bị bỏ rơi hoặc không còn được cha mẹ yêu thương mà hãy kiên trì thuyết phục đến khi bé đồng ý mới tiến hành việc cho con ngủ một mình. Cũng không nên để cho trẻ ngủ chung giường hoặc chung phòng với cha mẹ lâu dài sẽ gây cho trẻ những hậu quả khó lường về mặt tâm lý và hành vi.
Còn theo BS Trương Hữu Khanh (Bệnh viện Nhi Đồng 1, TP HCM) khi trẻ không may bị đè vào người gây bít đường thở, não không được cấp ôxy trong khoảng 3-4 phút hoàn toàn có thể bị tử vong hoặc não bị tổn thương.
Một số trường hợp không nên ngủ cùng trẻ như bố mẹ hút thuốc lá, uống rượu, sử dụng thuốc điều trị bệnh hoặc dùng ma túy… Trong những trường hợp này, bố mẹ thường bị suy giảm nhận thức và ý thức nên không đủ tỉnh táo để chú ý tới con.
Theo thống kê, trẻ sơ sinh có cả bố và mẹ hút thuốc sẽ có nguy cơ gặp phải hội chứng đột tử cao hơn 3,5 lần trẻ có cả bố và mẹ không hút thuốc; nếu chỉ có mẹ hút thuốc, nguy cơ giảm xuống còn gấp 2 lần và 1,5 lần nếu chỉ có bố hút thuốc.
Để đảm bảo an toàn nếu cha mẹ cho con ngủ chung cần phải cảnh giác. Nên mua một chiếc giường rộng rãi. Trên giường ngủ cũng không nên đặt nhiều đồ chơi của trẻ. Thường xuyên kiểm tra giấc ngủ của trẻ trong đêm để kịp thời phát hiện những dấu hiệu bất thường và cũng giảm được tình trạng chăn của bố mẹ kéo lên cao chèn vào mũi của trẻ làm trẻ ngưng thở. Tư thế ngủ cũng cần để ý cho trẻ nằm ngửa, trên nền giường hoặc cũi cứng, phẳng thay vì cho trẻ nằm sấp hoặc nằm nghiêng.
Phương Thuận