Theo báo cáo của Bộ GTVT đến nay, hệ thống ETC giai đoạn 1 gồm 37 trạm thu phí lượt trên quốc lộ và 7 hệ thống thu phí kín trên các tuyến cao tốc (gọi tắt là trạm thu phí) đã vận hành ETC trên 40 trạm. Còn 4 trạm thu phí chưa triển khai thuộc 4 đường cao tốc do VEC quản lý chưa triển khai ETC do những vướng mắc về nguồn vốn.
Hệ thống ETC giai đoạn 2 do Công ty CP Giao thông số Việt Nam (nền tảng là Tập đoàn Công nghiệp - viễn thông quân đội, Viettel) cung cấp dịch vụ ETC trên 33 trạm thu phí còn lại. Đến nay, nhà đầu tư ETC đã cam kết hoàn thành việc lắp đặt thiết bị thu phí ETC tại toàn bộ 25 trạm thu phí đủ điều kiện triển khai.
Theo báo cáo đến ngày 31/12/2020, cơ bản toàn bộ các trạm thu phí trên toàn quốc đủ điều kiện triển khai sẽ được lắp đặt, vận hành hệ thống ETC đáp ứng tiến độ theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Tuy nhiên, hiện 8 trạm thu phí đang gặp khó khăn trong triển khai với tính chất đặc thù gồm: 3 trạm thu phí có doanh thu quá thấp (trạm Km1747 đường Hồ Chí Minh, cầu Mỹ Lợi và Thái Hà), 2 trạm chưa được thu phí và đang báo cáo Thủ tướng Chính phủ phương án bố trí vốn ngân sách hoàn trả cho nhà đầu tư (trạm Bờ Đậu - QL3 và trạm T2 - QL91) và 3 trạm có thời gian thu phí còn lại ngắn dưới 3 năm (3 trạm QL51).
Bộ GTVT cho rằng, việc triển khai thu phí không dừng tại 8 trạm nêu trên sẽ không hiệu quả, phá vỡ phương án tài chính dự án BOT và dự án thu phí điện tử không dừng, ảnh hưởng lớn tới các nhà đầu tư và tổ chức tín dụng. Ngoài ra, các dự án này nằm trên các tuyến có lưu lượng giao thông thấp, không ảnh hưởng đến hiệu quả chung của hệ thống ETC trên toàn quốc.
Trong báo cáo gửi Thủ tướng, Bộ GTVT cũng làm rõ lý do của 8 trạm thu phí gặp khó khăn trong triển khai ETC và kiến nghị Thủ tướng cho phép:
Không triển khai thu phí ETC tại 3 trạm thu phí hoàn vốn quốc lộ 51 do có thời gian thu phí còn lại ngắn; chưa triển khai ETC tại 2 trạm Bờ Đậu quốc lộ 3 (Thái Nguyên), trạm T2 quốc lộ 91 (Cần Thơ).
Đồng thời kiến nghị Thủ tướng chấp thuận lùi thời gian triển khai thu phí ETC tại 3 trạm thu phí có doanh thu quá thấp (trạm cầu Thái Hà, trạm cầu Mỹ Lợi và trạm km 1.747 đường Hồ Chí Minh), giao Bộ GTVT xem xét, quyết định thời điểm triển khai thực hiện đảm bảo hiệu quả.
Trao đổi với Vietnamnet, ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết, trong tổng số hơn 70 trạm thu phí do Bộ GTVT quản lý triển khai có hai nhà cung cấp dịch vụ thu phí tự động không dừng, việc kết nối liên thông giữa hai nhà cung cấp dịch vụ đã thực hiện xong. Điều này giúp chủ phương tiện chỉ sử dụng một thẻ đi qua được tất cả các trạm trong toàn quốc.
"Các trạm thu phí cũng sẽ được phân làn rõ ràng, sẽ có làn dành riêng cho thu phí tự động và làn hỗn hợp, chỉ xe dán thẻ và có tiền trong tài khoản mới được phép đi vào làn thu phí không dừng. Xe đi sai làn sẽ bị xử phạt," ông Huyện nhấn mạnh.
Trong tháng 12, Tổng cục sẽ phối hợp với Cục Cảnh sát giao thông xử phạt xe không dán thẻ đi vào làn thu phí không dừng theo Nghị định 100/2019 với mức phạt từ 1-2 triệu đồng, tước bằng lái xe từ 1-3 tháng cho lỗi đi sai làn.
Bên cạnh đó, cơ quan chức năng sẽ tiến tới xử phạt nguội, thông báo cho chủ phương tiện và sẽ truy thu, xử phạt khi xe ôtô đi đăng kiểm. Xe không dán thẻ sẽ phải chờ kể cả trạm ùn tắc cũng không xả trạm để khuyến khích chủ phương tiện nạp tiền, sử dụng dịch vụ, nâng cao hiệu quả thu phí không dừng.