Sáng 23/11, trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội, ông Phạm Quang Nghị - Ủy viên Bộ Chính trị, người phụ trách Đảng bộ TP Hà Nội - cho biết chưa nghe đề xuất hiến phần vi phạm của tòa nhà 8B Lê Trực để sử dụng vào mục đích công ích.

“Tuy nhiên, nếu có đề xuất như vậy thì TP Hà Nội cũng không chấp nhận. Bây giờ sai như thế nào thì xử lý như thế ấy. Không thể dùng hình thức này để đổi cho cái sai đã xảy ra được” - ông Nghị khẳng định.

Uỷ viên Bộ Chính trị, phụ trách Thành uỷ Hà Nội Phạm Quang Nghị nhấn mạnh, cần phải xử lý nghiêm, không thể dùng hình thức này để đổi lại cho những sai phạm đã gây ra.

Ông Phạm Quang Nghị trả lời các phóng viên.

Ông Phạm Quang Nghị trả lời các phóng viên.

Bác lập luận cho rằng, buộc phá dỡ phần sai phạm thì cũng là một sự lãng phí vì vốn đầu tư công trình, xét cho cùng cũng là tài sản của xã hội, ông Phạm Quang Nghị nhận định: “Đúng là sự lãng phí nào cũng đáng tiếc nhưng nếu đừng làm sai từ đầu thì tốt hơn. Nhà nước không khuyến khích những việc làm như thế.

Nếu đồng ý làm như vậy thì sau sẽ có nhiều chủ đầu tư khác họ cũng làm sai như thế mà nếu thoát được thì họ hưởng lợi, không thoát được lại nói là hiến cho nhà nước theo kiểu… phạt cho tồn tại”.

Ông Phạm Quang Nghị khẳng định: Nhà nước không bao giờ khuyến khích cách làm thế. Hà Nội cũng chưa bao giờ có tiền lệ như thế.

Trước đó, ngày 21/11, chủ đầu tư tòa nhà 8B Lê Trực đã tiến hành phá dỡ phần tum của tòa nhà. Trong quá trình phá dỡ phần tum, trao đổi với một số cơ quan báo chí, đại diện chủ đầu tư tòa nhà này có ý đề xuất hiến phần vi phạm đã bị cơ quan chức năng chỉ rõ cho Nhà nước sử dụng vào mục đích công ích.

Chủ đầu tư công trình 8B Lê Trực đang cho phá dỡ phần sai phép của tòa nhà - Ảnh: XUÂN THÀNH

Chủ đầu tư công trình 8B Lê Trực đang cho phá dỡ phần sai phép của tòa nhà - Ảnh: XUÂN THÀNH

Ông Đỗ Thế Hùng, Giám đốc Ban quản lý dự án (đại diện chủ đầu tư tòa nhà 8B Lê Trực) cho biết, việc khắc phục sai phạm chia thành 2 giai đoạn. Trong đó, giai đoạn 1 sẽ phá dỡ phần tum và toàn bộ tầng 19 trước. Sau khi xong giai đoạn 1, chủ đầu tư tiếp tục mời đơn vị chuyên môn tốt để tư vấn phá dỡ phần vi phạm còn lại.

Đặc biệt, ông Hùng cho rằng nếu sai đâu cắt đó là việc dễ nhất, nhưng còn cắt ra sao, có cắt được hay không lại là vấn đề khác. “Thay vì phá nó đi, chúng ta hãy dùng nó phục vụ mục đích khác có lợi cho cộng đồng.

Theo tôi, đây là hình thức xử lý tốt vì cắt bỏ hay hiến cho nhà nước dùng vào mục đích công ích thì chủ đầu tư cũng không được hưởng lợi gì ở đó” - đại diện chủ đầu tư nói./.

Kết quả kiểm tra công trình 8B Lê Trực của liên ngành thành phố Hà Nội đã chỉ ra nhiều sai phạm của chủ đầu tư.

Cụ thể từ tầng 8 (phía đường Trần Phú kéo dài) phải có khoảng lùi khối cao tầng 3,36m so với khối đế, song chủ đầu tư đã xây thẳng đến mái. Phần giật cấp đầu hồi phía Đông theo thiết kế từ độ cao 44m công trình giật cấp vào 15m và tại độ cao 50m giật cấp tiếp thêm 5,3m về phía Tây, nhưng chủ đầu tư không xây dựng giật cấp làm tăng diện tích sàn xây dựng.

Theo giấy phép xây dựng, công trình cao đến đỉnh tum thang là 53m. Thực tế chủ đầu tư đã tự ý tăng chiều cao các tầng, xây thêm tầng 19, tổng chiều cao hiện tại khoảng 69m (vượt 16m, tương đương 5 tầng).

Diện tích sàn theo giấy phép xây dựng là gần 30.000m2, tuy nhiên chủ đầu tư đã xây dựng khoảng 36.000m2, tăng trên 6.000 m2 so với giấy phép.

Theo Quý Dương (Tổng hợp) / Gia đình Việt Nam