Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, 6 tháng đầu năm 2020, toàn thành phố trồng được hơn 67.700 cây đô thị và 2.000 cây Tổ chim (Aslenium nidus) có nguồn gốc từ Vườn quốc gia Ba Vì được chuyển giao cho Hà Nội để tăng thêm tính đa dạng, phong phú loài cây và làm đẹp cảnh quan, mỹ quan đô thị.
Sáng 29-6, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã chủ trì Hội nghị giao ban kiểm điểm công tác 6 tháng đầu năm 2020 của UBND TP.
Cây xanh được trồng mới ở Hà Nội làm đẹp cảnh quan, mỹ quan đô thị
Trồng mới hơn 1,5 triệu cây đô thị
Tại hội nghị, về công tác trồng mới cây xanh, Sở Xây dựng cho biết, 6 tháng đầu năm 2020, toàn thành phố đã trồng được hơn 67.700 cây đô thị, bóng mát, cây lấy gỗ (chưa bao gồm 1.637 cây đơn lẻ khóm và 1.841 m2 cây mảng, thảm cỏ); lũy kế từ 2016 đến nay, toàn thành phố đã trồng được hơn 1.530.000 cây đô thị, bóng mát, cây lấy gỗ đạt 95,6% kế hoạch thành phố giao.
Sở cũng đã tiếp nhận, tổ chức trồng 650 cây hoa Anh đào trồng tại Công viên Hòa Bình do Công ty TNHH Aeonmall Việt Nam tặng và hướng dẫn Ngân hàng TMCP Tiên Phong - TPBank tổ chức trồng cây tặng tại khu vực nút giao Pháp Vân - Cầu Giẽ; phối hợp Vườn quốc gia Ba Vì chuyển giao và tiếp nhận 2.000 cây Tổ chim (Aslenium nidus) có nguồn gốc từ Vườn quốc gia Ba Vì cho thành phố Hà Nội để tăng thêm tính đa dạng, phong phú loài cây và làm đẹp cảnh quan, mỹ quan đô thị.
Sở Xây dựng khẳng định, công tác trồng mới và cải tạo, thay thế hệ thống cây xanh đô thị về cơ bản được thực hiện bài bản, bắt đầu từ công tác khảo sát, thiết kế, lập phương án, phê duyệt, thi công, duy trì với phương châm: “Đẹp - Đồng đều - Đa dạng”.
Theo đó, ngày càng nhiều các tuyến đường được đầu tư cải tạo, chỉnh trang, trồng bổ sung hoàn thiện hệ thống cây xanh với mô hình trồng cây đa tầng, tán như: Võ Chí Công, Võ Nguyên Giáp, Kim Mã, Giảng Võ, Điện Biên Phủ, Văn Cao, Liễu Giai, Láng Hạ, Xã Đàn, Trần Khát Chân, Đại Cồ Việt, Cổ Linh, Nguyễn Khánh Toàn, đường Láng... bước đầu đã cho những kết quả nhất định về không gian xanh, tạo mỹ quan, cảnh quan đồng bộ...
Sở Xây dựng Hà Nội khẳng định đủ nước sạch cung cấp phục vụ nhân dân dịp Hè
Đảm bảo cung cấp nước sạch dịp hè
Cũng theo Báo cáo tại hội nghị, về tình hình triển khai kế hoạch cấp nước sạch mùa hè, Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, hiện nay, tổng công suất nguồn cấp nước từ các nhà máy nước tập trung trên địa bàn thành phố Hà Nội đạt trên 1.520.000m3/ngày đêm.
Với nhu cầu sử dụng nước tại khu vực đô thị và nông thôn đã được đầu tư hệ thống mạng lưới cấp nước trung bình là khoảng từ 1.150.000 đến 1.250.000m3/ngày đêm.
Trong giai đoạn vừa qua, sau khi hết giãn cách xã hội phòng chống dịch Covid-19 và trong bối cảnh thời tiết nắng nóng, nhu cầu sử dụng nước tăng khoảng 10%, với sản lượng lên đến 1.300.000m3/ngày đêm. Tuy nhiên, việc cung cấp nước sạch trên địa bàn thành phố luôn đảm bảo ổn định, không xảy ra mất nước kéo dài.
Trong tháng 5/2020, Công ty Cổ phần Viwasupco đã ngừng cấp nước để sửa chữa đường ống nước sạch sông Đà tại km 22+600 nhưng với sự phối hợp của các đơn vị theo Kế hoạch đề ra, thành phố đã không để xảy ra tình trạng mất nước kéo dài.
"Sau nhiều năm thiếu nguồn nước sạch, nhất là vào thời gian cao điểm mùa hè, hiện nay, với công suất các nguồn hiện có và sự phối hợp của các đơn vị cấp nước, tổ chức triển khai Kế hoạch cấp nước hè 2020… tình hình cung cấp nước sạch cho nhân dân hiện nay cơ bản đảm bảo đáp ứng nhu cầu", đại diện Sở Xây dựng khẳng định.
Liên quan đến công tác thoát nước mùa mưa, Sở Xây dựng đã kiểm tra, rà soát cho thấy, có 6 điểm không giảm được úng ngập gồm: ngã tư Phan Bội Châu - Lý Thường Kiệt; ngã năm Đường Thành - Bát Đàn - Phùng Hưng; Cao Bá Quát; Nguyễn Khuyến; Trường Trinh; Đại lộ Thăng Long.
Lý do là các điểm này gặp bất lợi về địa hình, xa nguồn xả. Ngoài ra, có 6 điểm đã giảm thiểu thời gian và chiều sâu úng ngập khoảng 50% (Đội Cấn, Thụy Khuê, Minh Khai, Hoa Bằng, Ngọc Lâm, Hoàng Như Tiếp do các dự án hoàn thành cơ bản giảm thiểu được úng ngập); 4 điểm xóa bỏ được úng ngập trong năm 2020 (Thanh Đàm; Nguyễn Chính; Giải Phóng; Phạm Văn Đồng: do các dự án đã triển khai hoàn thành phát huy hiệu quả thoát nước).
Như vậy, năm 2020, thành phố còn tồn tại 12 điểm úng ngập, ngoài ra còn tồn tại những điểm úng ngập nhỏ lẻ, cục bộ khác rải rác trên các tuyến tỉnh lộ, quốc lộ do đô thị hóa nhưng chưa được xây dựng hệ thống thoát nước đô thị, các hầm chui đường gom Đại lộ Thăng Long.
Các điểm úng ngập trên các tuyến tỉnh lộ, quốc lộ sẽ được rà soát, khảo sát đề xuất các công trình cải tạo, sửa chữa hệ thống thoát nước hàng năm trình danh mục báo cáo UBND Thành phố chấp thuận chủ trương để thực hiện.