Hội nghị “Hà Nội - Hợp tác đầu tư và phát triển” được tổ chức hằng năm là sự kiện lớn của Thủ đô nhằm chia sẻ cơ hội, thu hút đầu tư. Qua từng năm, số dự án và vốn đầu tư qua sự kiện này ngày càng tăng. Đặc biệt, năm nay, sự kiện được tổ chức sau khi Hà Nội cùng cả nước kiểm soát tốt dịch Covid-19 là sự khẳng định tinh thần tiên phong của thành phố trong phục hồi sản xuất, duy trì đà tăng trưởng; khẳng định vị thế là địa chỉ hấp dẫn, an toàn đối với các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Những kết quả ấn tượng
Theo Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch thành phố Hà Nội Nguyễn Gia Phương, từ năm 2016, thành phố bắt đầu tổ chức hội nghị “Hà Nội - Hợp tác đầu tư và phát triển”. Sự kiện năm 2016 thu hút 23 dự án với tổng vốn đầu tư 36.919 tỷ đồng; năm 2017, thu hút 48 dự án với tổng vốn đầu tư 74.369 tỷ đồng; năm 2018, thu hút 71 dự án với tổng vốn đầu tư 397.000 tỷ đồng. Nguồn vốn này đã góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô.
Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội Trương Việt Dũng thông tin thêm, nhờ các hội nghị xúc tiến đầu tư năm 2018 và 2019, Hà Nội vươn lên vị trí dẫn đầu cả nước trong thu hút vốn đầu tư nước ngoài. Riêng năm 2019, vốn đầu tư nước ngoài đăng ký đạt gần 8,7 tỷ USD, cao nhất sau hơn 30 năm đổi mới. Hiện, những quốc gia có trình độ phát triển cao, có tiềm năng về vốn và công nghệ hàng đầu như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc... đều có dự án tại Hà Nội.
“Không phải ngẫu nhiên mà Hà Nội đạt được những kết quả ấn tượng trong thu hút đầu tư. Đó là thành quả của quyết tâm cải thiện môi trường đầu tư - kinh doanh, đồng hành cùng doanh nghiệp”, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền nhấn mạnh.
Từ phía nhà đầu tư, ông Choi Joo Ho, Tổng Giám đốc Tổ hợp Samsung Việt Nam chia sẻ, Samsung đang xây dựng Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển tại Khu đô thị Tây Hồ Tây, với tổng vốn 220 triệu USD. Các kết quả nghiên cứu tại đây sẽ được ứng dụng trong hoạt động sản xuất bằng công nghệ cao, đóng góp vào quá trình phát triển kinh tế trên địa bàn Hà Nội.
Còn bà Nguyễn Thị Nga, Chủ tịch Tập đoàn BRG - đơn vị được cấp Giấy chứng nhận đầu tư dự án xây dựng khu đô thị thông minh tại huyện Đông Anh năm 2018 cho biết, dự án có tổng vốn đầu tư 4 tỷ USD. Hiện, thành phố đã giải phóng mặt bằng 80% khối lượng. Sau khi có mặt bằng, BRG triển khai ngay nhằm sớm hình thành một đô thị thông minh hiện đại vào năm 2028. Đại diện cho Công ty cổ phần Nước mặt sông Đuống - chủ đầu tư nhận giấy phép tại Hội nghị “Hà Nội 2018 - Hợp tác đầu tư và phát triển”, bà Nguyễn Mỹ Hạnh - Phụ trách truyền thông, khẳng định: “Đơn vị nhận được sự hỗ trợ kịp thời, nhiệt tình của các cơ quan chức năng thành phố. Vì vậy, sau 18 tháng nhà máy đã hoàn thành giai đoạn 1, đi vào vận hành với công suất 300.000m3/ngày - đêm”.
Tiên phong trong hỗ trợ doanh nghiệp
5 tháng đầu năm 2020, dù dịch Covid diễn biến phức tạp nhưng Hà Nội vẫn thu hút được 1,045 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài. Ước tính con số này đến hết tháng 6-2020 sẽ là 2,764 tỷ USD. Trong bối cảnh đó, Hội nghị “Hà Nội 2020 - Hợp tác đầu tư và phát triển” là minh chứng cho việc Hà Nội luôn tiên phong trong việc hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp sớm khôi phục sản xuất, kinh doanh. Hôm nay, ngay tại hội nghị, Hà Nội sẽ trao chứng nhận chủ trương đầu tư (cả đầu tư trong nước và đầu tư nước ngoài) cho 116 dự án, với tổng vốn đăng ký 15,5 tỷ USD.
Theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Văn Sửu, thành phố chủ động lựa chọn những dự án công nghệ cao, thân thiện với môi trường, phù hợp mục tiêu hiện đại hóa nền kinh tế. Song song đó, Hà Nội sẽ thực hiện các giải pháp căn cơ nhằm cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh, tháo gỡ khó khăn cho nhà đầu tư...
Khẳng định Hà Nội đạt nhiều kết quả tích cực trong cải cách hành chính, mời gọi đầu tư, song Trưởng ban Pháp chế (Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam) Đậu Anh Tuấn cũng thẳng thắn nhìn nhận, qua đánh giá về Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, một số chỉ số như “tiếp cận đất đai và sự ổn định trong sử dụng đất”, “tính minh bạch và tiếp cận thông tin”… của Hà Nội còn tương đối thấp. Do đó, cộng đồng doanh nghiệp mong muốn, Hà Nội tiếp tục chuyển biến mạnh mẽ hơn, tạo ra môi trường đầu tư thông thoáng hơn... Cùng quan điểm, ông Hironobu Kitagawa, Trưởng đại diện Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (Jetro) tại Hà Nội cho rằng, Hà Nội cần chú trọng hơn nữa việc cải thiện hạ tầng, giúp doanh nghiệp nhanh chóng triển khai dự án đầu tư.
Còn theo Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương Phan Đức Hiếu, Hà Nội còn dư địa đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin để hỗ trợ doanh nghiệp rút ngắn thời gian và chi phí thành lập mới. Về phần mình, Trưởng ban Cố vấn Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa thành phố Hà Nội Trịnh Thị Ngân cho biết, ngoài việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, các hội nghị xúc tiến đầu tư thường niên của Hà Nội cũng là cơ hội để nhân lên phong trào khởi nghiệp mà không phải địa phương nào cũng tổ chức được. Do đó, cộng đồng doanh nghiệp mong muốn các cấp, ngành của thành phố đáp ứng tốt hơn nữa về mặt bằng sản xuất cho doanh nghiệp. “Đặc biệt, mỗi cơ quan chức năng, từng công chức, viên chức cần xác định rõ tâm thế “phục vụ” thay vì chỉ “đồng hành” với doanh nghiệp; thực thi công vụ chuyên nghiệp hơn nữa”, bà Trịnh Thị Ngân đề xuất.