Trong thời gian qua, Đảng bộ, chính quyền, các lực lượng vũ trang và mọi tầng lớp nhân dân Thủ đô đã thực hiện nghiêm túc lời kêu gọi của đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch Nước, các nội dung chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Nghị quyết của Quốc hội, các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, của Ban chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống dịch Covid-19. Với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, “mỗi người dân là một chiến sỹ trên mặt trận chống dịch”. Thành phố đã triển khai quyết liệt nhiều biện pháp đồng bộ, vừa ngăn chặn dịch bệnh, vừa đảm bảo thực hiện nhiệm vụ “kép”, vừa phòng chống dịch, vừa phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an sinh xã hội, an ninh - quốc phòng.
Vào tối ngày 06/3/2020, tại phố Trúc Bạch, Ba Đình, là nơi xảy ra ổ dịch, ca nhiễm đầu tiên trên cả nước, ở giai đoạn 2. Sau đó, trên địa bàn Thành phố đã xảy ra nhiều ổ dịch. Được sự quan tâm chỉ đạo trực tiếp sát sao, của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các ban, bộ, ngành của Trung ương; sự phối hợp giúp đỡ của các tỉnh, thành phố trong cả nước, của các cơ quan ngoại giao, các tổ chức quốc tế, các nhà khoa học và đặc biệt là sự đồng tình, ủng hộ của các tầng lớp nhân dân Thủ đô và nhân dân cả nước. Với tinh thần nghiêm túc, quyết liệt, có nhiều biện pháp đồng bộ, sáng tạo, nên toàn Thành phố chỉ có 74 ca lây nhiễm trong cộng đồng; 47 ca lây nhiễm được phát hiện cách ly ngay tại sân bay. Các ca nhiễm đều đã được chữa khỏi. Đến ngày hôm nay, đã qua 72 ngày, chưa có ca nhiễm mới ngoài cộng đồng. Mọi hoạt động của xã hội đang dần trở lại, trạng thái bình thường mới.
Song song với công tác phòng, chống dịch, các nhiệm vụ đảm bảo cho phát triển sản xuất, kinh doanh, các sinh hoạt của người dân, hoạt động của cơ quan, tổ chức và doanh nghiệp, công tác đảm bảo an sinh xã hội, an ninh - quốc phòng được Thành phố đặc biệt quan tâm. Mọi nội dung công tác nêu trên, đều dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp, toàn diện của Thành ủy, sự giám sát chặt chẽ của Hội đồng nhân dân Thành phố.
Công tác chi trả lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội đến tận nhà cho hơn 560.000 người cho cả hai tháng (4 và 5) đã xong trước ngày 10/5/2020; chi trả hỗ trợ cho người nghèo, cận nghèo, người có công, người tàn tật, người già,… đã được thực hiện xong từ ngày 02/5/2020, với số kinh phí 474,2 tỷ đồng. Hiện đang tiếp tục triển khai hỗ trợ giai đoạn 2 cho, số lao động tự do, người dân gặp khó khăn, do ảnh hưởng của đại dịch với kinh phí 495,6 tỷ đồng. Hội đồng nhân dân Thành phố đã kịp thời ban hành 05 nghị quyết hỗ trợ gần 500 tỷ đồng cho các đối tượng đặc thù trên địa bàn Thành phố. Cộng đồng doanh nghiệp, cán bộ, công chức, viên chức, các tổ chức kinh tế và đông đảo nhân dân đã đóng góp 170 tỷ đồng, trên 700 tấn gạo và nhiều nông sản, thực phẩm để hỗ trợ cho công tác phòng, chống dịch và các gia đình chính sách, người dân gặp khó khăn. Đã bổ sung nguồn vốn ngân sách Thành phố ủy thác qua Chi nhánh Ngân hàng chính sách xã hội Thành phố 1.020 tỷ đồng để cho các hộ nghèo, cận nghèo, hộ kinh doanh cá thể, các doanh nghiệp vừa và nhỏ, vay với mức lãi suất 0%, để phát triển sản xuất, khắc phục khó khăn do tác động của đại dịch.
Đã khẩn trương rà soát, giãn, hoãn, hơn 17.500 tỷ đồng tiền thuế cho các doanh nghiệp trên địa bàn, chiếm 45% của cả nước. Đồng thời, triển khai các chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư trong nước và nước ngoài. Ngay trong bối cảnh từ những ngày đầu xảy ra đại dịch Covid-19, trực tiếp đồng chí Bí thư Thành ủy đã chủ trì Hội nghị gặp gỡ các doanh nghiệp, để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thu hút các nguồn lực đầu tư cho phát triển. Thành phố luôn kiên định, kiên trì thực hiện mục tiêu “lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm để phục vụ”, “cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh”, cải cách hành chính, “đồng hành cùng doanh nghiệp” và “phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của kinh tế Thủ đô”.
Từ ngày 01/01/2020 đến nay, đã cắt giảm, đơn giản hóa 154 thủ tục hành chính, giấy phép con. Tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 đến ngày 30/6/2020 đạt 100%. Phấn đấu đến ngày 30/9/2020, 100% doanh nghiệp ứng dụng, sử dụng hóa đơn điện tử. Đã đưa 249/249 (đạt 100%) dịch vụ công lên cổng dịch vụ công quốc gia. Chỉ số PCI hai năm liên tiếp (2018, 2019) đứng thứ 9. Chỉ số gia nhập thị trường tăng 53 bậc so với năm 2015. Chỉ số cải cách hành chính 3 năm liên tiếp xếp vị trí thứ 2. Số lượng doanh nghiệp công nghệ thông tin, các chỉ số sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin, chỉ số về đào tạo lao động, dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp luôn trong nhóm dẫn đầu cả nước.
Đồng thời, đẩy nhanh xây dựng cơ sở hạ tầng viễn thông; số hóa cơ sở dữ liệu, xây dựng Chính phủ điện tử, chuyển đổi nhanh sang nền kinh tế số; xây dựng Thành phố hướng tới là Thành phố thông minh; thúc đẩy khởi nghiệp, khởi nghiệp sáng tạo; thúc đẩy phát triển thương mại điện tử, giảm dùng tiền mặt. Thúc đẩy tái cơ cấu lại sản xuất, ứng dụng công nghệ cao, công nghệ tự động hóa nhằm nâng cao năng suất lao động,… Tháo gỡ vướng mắc, khó khăn, đẩy nhanh giải ngân trong đầu tư công. Cắt giảm thêm 5% chi thường xuyên. Phấn đấu hết năm 2020, tỷ trọng chi thường xuyên của Thành phố xuống dưới 50%. Giảm tỷ lệ nợ công của Thành phố dưới 14%. Tăng quỹ cải cách tiền lương lên trên 38%. Tăng quỹ dự trữ tài chính lên trên 19%.
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Trung ương, Thành phố đã phối hợp chặt chẽ với các ban, bộ, ngành Trung ương tổ chức thành công Lễ kỷ niệm 90 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (03/02/2020); 130 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/2020) và nhiều sự kiện văn hóa diễn ra trên địa bàn Thành phố. Là thành phố đầu tiên của Việt Nam chính thức trở thành, thành viên mạng lưới các “Thành phố sáng tạo” của UNESCO - Một động lực quan trọng cho đổi mới sáng tạo, xây dựng thành phố thông minh, nâng cao vị thế, tạo dựng hình ảnh hấp dẫn mới cho Thủ đô.
Công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe Nhân dân có nhiều đổi mới và tiến bộ. Phát triển và ứng dụng nhiều kỹ thuật chuyên sâu, hiện đại trong chẩn đoán, điều trị, trong đó, nhiều kỹ thuật ngang tầm với các bệnh viện hàng đầu khu vực và thế giới. Tỷ lệ bảo hiểm y tế hiện đã bao phủ trên 88,5% dân số, phấn đấu đạt 90% vào cuối năm 2020.
An sinh xã hội được bảo đảm, đời sống Nhân dân Thủ đô được nâng cao. Các chính sách đối với người có công, hộ nghèo, hộ cận nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội, người cao tuổi, người khuyết tật, người dân tộc thiểu số,… được thực hiện đúng, đủ và kịp thời. Hoàn thành chương trình xây nhà ở cho người có công và hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo. Giảm tỷ lệ hộ nghèo hiện toàn Thành phố còn 0,42%, hoàn thành sớm 2 năm. Phấn đấu đến cuối năm 2020, Thành phố cơ bản không còn hộ nghèo, theo chuẩn nghèo, đa chiều của Trung ương.
Sự nghiệp giáo dục và đào tạo, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao tiếp tục giữ vững vị trí dẫn đầu cả nước. Tỷ lệ lao động qua đào tạo tăng từ 53,14% năm 2015 lên 70,2% năm 2020; tỷ lệ giải quyết việc làm sau đào tạo đạt trên 70%.
Kinh tế Thủ đô tiếp tục tăng trưởng khá, đóng góp quan trọng trong tăng trưởng của cả nước. Bình quân giai đoạn 2016-2019, GRDP tăng 7,39. Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội đạt 1,74 triệu tỷ đồng, bằng 38,6% GRDP. Thu hút đầu tư vốn ngoài ngân sách lũy kế đạt trên 2.775 dự án, vốn đăng ký trên 1,4 triệu tỷ đồng. Cơ cấu đầu tư xã hội dịch chuyển rõ nét từ khu vực nhà nước (tỷ trọng giảm từ 43,4% năm 2015 xuống khoảng 36,7% năm 2019) sang khu vực ngoài nhà nước và đầu tư nước ngoài (lần lượt đóng góp 50,6% và 12,7%).
Từ năm 2016 đến nay, Thành phố đã thu hút được 24,8 tỷ USD vốn FDI. Năm 2018, 2019, dẫn đầu cả nước về thu hút vốn FDI. Đã phê duyệt chủ trương đầu tư và điều chỉnh chủ trương đầu tư cho 875 dự án trong nước đạt 812,5 nghìn tỷ đồng;
Tiếp tục phát huy vai trò kinh tế tư nhân phát triển, dần trở thành một động lực quan trọng. Hiện nay, lĩnh vực này đã đóng góp trên 39% trong GRDP, giải quyết 83% tổng số lao động xã hội. Có 112 nghìn doanh nghiệp được thành lập mới từ năm 2016 đến nay, chiếm 37,4% tổng số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới từ năm 1989, với số vốn điều lệ là 1,4 triệu tỷ đồng.
Mặc dù chịu ảnh hưởng tác động nặng nề của đại dịch Covid-19, nhưng 6 tháng đầu năm 2020, GRDP tăng trưởng đạt 3,39%. Có 12.650 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, số vốn đăng ký 175 nghìn tỷ đồng, tăng 9% số vốn so với cùng kỳ. Thu hút đầu tư FDI đạt 4 tỷ USD. Thu ngân sách 06 tháng ước xấp xỉ đạt 50% dự toán.
Chương trình mục tiêu xây dựng nông thôn mới đạt kết quả vượt bậc. Đến nay đã có 10 huyện và 358 xã đạt chuẩn nông thôn mới, đạt tỷ lệ 93%, hoàn thành trước 2 năm so với mục tiêu Nghị quyết Đại hội XVI Đảng bộ Thành phố. Là địa phương có số xã đạt chuẩn nông thôn mới cao nhất cả nước.
Diện mạo đô thị ngày càng khang trang, xanh và sạch hơn. Các tuyến đường giao thông kết nối; các tuyến đường vành đai; trục đường hướng tâm; một số tuyến đường sắt đô thị; các công trình để giảm thiểu ùn tắc giao thông được tập trung đầu tư. Tập trung chuẩn bị các điều kiện để thành lập các quận mới: Đông Anh, Gia Lâm, Thanh Trì, Hoài Đức, Đan Phượng. Nhiều khu đô thị mới, khu đô thị thông minh, vùng đô thị mở rộng ra khu vực phía bắc sông Hồng; triển khai và hoàn thành 4,6/6,2 triệu m2 nhà ở xã hội theo kế hoạch Trung ương giao; các khu nhà ở đã và đang xây dựng theo hướng đồng bộ, làm thay đổi diện mạo kiến trúc Thủ đô.
Các nguồn lực được tập trung để nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân như: hoàn thành chương trình trồng mới 1,6 triệu cây xanh đô thị; đầu tư cấp nước sạch cho người dân khu vực ngoại thành đến nay đạt 78%, hướng tới mục tiêu 100% vào cuối năm 2020; một số công viên - khu vui chơi giải trí được xây dựng mới; triển khai các dự án xử lý rác thải, nước thải theo công nghệ tiên tiến, bảo vệ môi trường đang được triển khai quyết liệt;...
Thành phố đã đẩy mạnh hợp tác toàn diện, mở rộng không gian liên kết kinh tế vùng, tăng cường kết nối cung cầu hàng hóa để kích cầu tiêu dùng, du lịch nội địa. Đến nay, đã ký kết thỏa thuận hợp tác với 58/62 các tỉnh, thành phố trên cả nước nhằm thúc đẩy hợp tác trong nhiều lĩnh vực như: giao thông, du lịch, công nghiệp, thương mại, dịch vụ, đầu tư, văn hóa, xã hội,… Quan hệ đối ngoại, hội nhập, hợp tác phát triển tiếp tục được mở rộng, đảm bảo thiết thực, hiệu quả, nâng cao vị thế của Thủ đô trong khu vực và thế giới.
Đặc biệt, công tác an ninh - quốc phòng được đặc biệt quan tâm. Các lực lượng chuyên môn đã bảo vệ tuyệt đối an toàn các vị trí, địa bàn trọng điểm, các sự kiện chính trị, kinh tế, văn hóa. Đây chính là điểm sáng của Thủ đô, để tiếp tục giữ vững danh hiệu “Thành phố vì hòa bình”.
Công tác giám sát của Hội đồng nhân dân Thành phố có nhiều điểm mới, được triển khai toàn diện trên nhiều lĩnh vực kinh tế, văn hóa, đô thị. Ban hành được nhiều cơ chế chính sách phù hợp, nên đã có tác động lớn cho phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô.
Từ các giải pháp, biện pháp đồng bộ nêu trên, đã giúp cho kinh tế- xã hội, an ninh chính trị của Thủ đô, trong những năm qua và trong thời gian tới, phát triển đúng hướng, tương đối toàn diện và bền vững.
Chủ tịch Nguyễn Đức Chung cho rằng, những kết quả đạt được của Thành phố, có dấu ấn của sự đóng góp quan trọng của cộng đồng doanh nghiệp, của các nhà đầu tư trong suốt những năm vừa qua; sự đồng tình, ủng hộ của mọi tầng lớp Nhân dân Thủ đô và Nhân dân cả nước. Sự đồng hành này, khẳng định niềm tin của các nhà đầu tư đối với Thành phố. Đồng hành cùng Thành phố quyết tâm thực hiện mục tiêu “kép”. Phấn đấu năm 2020, đạt mức tăng trưởng kinh tế cao hơn 1,3 lần mức trung bình của cả nước; và thu đủ ngân sách theo dự toán Chính phủ giao là 285.000 tỷ đồng.
Tại Hội nghị, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung thông báo: Thành phố sẽ tiến hành trao giấy chứng nhận đầu tư cho 229 dự án, với tổng số vốn: 405.570 tỷ đồng (tương đương 17,6 tỷ USD) với số vốn tăng thêm 270.458 tỷ đồng. Trong đó: 100 dự án trong nước, với số vốn 227.499 tỷ đồng (vốn tăng thêm 192.215 tỷ đồng); 22 dự án đầu tư vốn FDI, số vốn 5,7 tỷ USD, vốn tăng thêm 3,4 tỷ USD; và 107 dự án đầu tư công. Tổng số dự án, số vốn tăng, tương ứng gấp 5 lần và 11 lần so với Hội nghị xúc tiến đầu tư 2016. Các dự án đầu tư này, tập trung vào các lĩnh vực: 25 cụm công nghiệp với 490,8 ha; 800 nghìn m2 nhà ở xã hội; 03 khu đô thị; Du lịch - dịch vụ; Trụ sở văn phòng; Văn hóa - xã hội; Tài chính - Ngân hàng; hạ tầng đô thị; hạ tầng giao thông;… 229 dự án được chia làm 3 nhóm: Nhóm các dự án trao Quyết định chủ trương tại Hội nghị gồm có 103 dự án với tổng số vốn 250.154 tỷ đồng; Nhóm các dự án trao quyết định ghi nhận đề xuất tại Hội nghị có 19 dự án với tổng số vốn 109.849 tỷ đồng tỷ đồng (Những dự án này sẽ được Thành phố hoàn thiện hồ sơ trong Quý III/2020); Nhóm 107 dự án đầu tư công của Thành phố đang được 05 Ban quản lý dự án Thành phố và các quận, huyện, thị xã triển khai quyết liệt với số vốn 45.567 tỷ đồng. Phấn đấu hết Quý III khởi công toàn bộ số các dự án đầu tư công của của Thành phố. Đến 31/12/2020, hoàn thành 78/107 dự án. Đồng thời cũng tại Hội nghị này, Thành phố cùng các nhà đầu tư ký kết 38 Biên bản ghi nhớ với tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 28,6 tỷ USD, trong đó: 26 đề xuất của nhà đầu tư trong nước (dự kiến khoảng 20,5 tỷ USD); 12 đề xuất của nhà đầu tư nước ngoài (dự kiến khoảng 8,32 tỷ USD). Hướng tới mục tiêu, xây dựng Thủ đô Hà Nội trở thành thành phố “Xanh - Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”, thành phố thông minh, Thành phố sáng tạo, là nơi đáng sống, phát triển năng động, có sức cạnh tranh cao; tham gia nhiều hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Tại Hội nghị, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung giới thiệu danh mục 282 dự án Thành phố mong muốn thu hút đầu tư với tổng số vốn dự kiến 483,1 nghìn tỷ đồng. Các nhà đầu tư có thể đăng ký triển khai các thủ tục, với đầu mối là Sở Kế hoạch và Đầu tư. Các dự án này tập trung vào các lĩnh vực: hạ tầng các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, thương mại, dịch vụ; hạ tầng kỹ thuật, xây dựng khu đô thị thông minh; công viên; giáo dục, dạy nghề, bệnh viện; môi trường, xử lý rác thải; cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ; phát triển nhà ở; nông nghiệp; phát triển đô thị, logistics, công viên phần mềm. |