Viêm da cơ địa
Mùa khô, độ ẩm trong không khí thấp và nhiều gió làm cho da dẻ chúng ta bị khô và mất nước. Da mùa này thường có nốt sần đỏ, mụn nước.
Thường gặp nhất là bệnh viêm da cơ địa. Ngoài triệu chứng da khô, nổi ban, mụn nước, vùng bị viêm còn có thể bị nứt nẻ, có khi không gãi cũng gây chảy máu.
Vùng da thường gặp viêm nhất là tai, má, mạng sườn, tay chân, vú, bẹn... nơi có nếp gấp. Những triệu chứng này càng nặng khi trời càng hanh.
Để hạn chế viêm da cơ địa, bạn nên dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ, không nên chà xát, gãi hay dùng xà phòng lau rửa, chỉ nên dùng nước hơi ấm.
Viêm da liên cầu
Biểu hiện của bệnh là những vết nám đỏ, chốc lây, chốc loét, hăm kẽ, chốc mép, viêm quầng.
Bệnh hay gặp ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, đôi khi bệnh cũng xuất hiện ở người trưởng thành.
Để giảm bớt những vết loét này, bạn cần phải bôi thuốc kháng sinh, kháng viêm theo đơn bác sĩ.
Ngoài ra, bạn cũng cần chú ý tránh mặc quần áo chật và giữ cho môi trường được mát mẻ.
Phát ban
Vào mùa hanh khô, tiết trời lạnh, rất nhiều người xuất hiện tình trạng phát ban và ngứa như mề đay.
Biểu hiện ngứa có thể từ lâm râm đến dữ dội, nhất là vào ban đêm khi ngủ, đặc biệt trời càng lạnh càng ngứa dữ dội, khi trời ấm lên thì da đỡ ngứa hơn.
Thường thì bệnh mày đay sẽ tự biến mất nếu qua mùa. Còn với những người bị mề đay mãn tính thì không điều trị được.
Bệnh rụng tóc, gầu da đầu
Mùa đông là thủ phạm gây ra nhiều căn bệnh, trong đó những bệnh về da đầu và tóc khá phổ biến như: gàu, tóc rụng, tóc khô, xơ, hư hỏng, thậm chí bị nấm da dầu.
Nguyên nhân là vào mùa thu đông, các tuyến mồ hôi và dầu giảm hoạt động. Cộng với không khí hanh khô và độ ẩm thấp khiến cho sợi tóc khô giòn dễ gãy rụng.
Hơn nữa, mùa này da thường nhạy cảm hơn và dễ kích ứng. Nếu tiếp xúc với chất gây kích ứng thường xuyên thì da sẽ dễ bong sinh ra gầu, chân tóc yếu và lỏng sẽ gây rụng tóc.
Bạn có thể tìm hiểu lại các nguyên nhân sau để tự rà soát: thay đổi dinh dưỡng, nguồn nước, dùng thuốc hoặc có bệnh mãn tính, thay đổi dầu gội…
Bệnh phù mạch
Là bệnh tương tự như phát ban mề đay nhưng nó ở dưới lớp da sâu. Bệnh này thường gặp ở người cao tuổi hoặc trung niên.
Phù mạch thường xuất hiện vào mùa thu và đông, khi thời tiết lạnh do các phản ứng hóa học ở lớp da sâu được giữ lại trong tế bào.
Khác với phát ban ngoài da, phù mạch thường không ngứa, không đỏ mà chỉ sưng lên ở các mô mềm như mí mắt, miếng hay bộ phận sinh dục.
Phù mạch thường xuất hiện cùng với mề đay, chỉ 20% bệnh nhân không có ban mề đay.
Điều trị bệnh này tại nhà có thể dùng túi lạnh để chườm, không dùng thuốc bôi vì nó không thấm được vào da.
Trong trường hợp phù mạch kéo dài nên điều trị ở bệnh viện để tiêm dưới da adrenalin, liệu pháp corticosteroid toàn thân, liệu pháp kháng histamin toàn thân.