Trạm BOT ùn tắc là mối lo ngại của người dân dịp cận Tết. Ảnh: TL

Trạm BOT ùn tắc là mối lo ngại của người dân dịp cận Tết. Ảnh: TL

Trạm ùn tắc, lái xe lo mất Tết

Tuyến đường Bắc Thăng Long - Nội Bài là trục giao thông huyết mạch của Thủ đô đi các tỉnh phía Bắc, ra sân bay Quốc tế Nội Bài. Từ nhiều năm qua, người dân, lái xe và cử tri Hà Nội đã lên tiếng yêu cầu trạm này phải đặt đúng vị trí thu hoàn vốn cho dự án mà nhà đầu tư bỏ tiền xây dựng là tuyến đường tránh TP Vĩnh Yên (Vĩnh Phúc).

Tuy nhiên, trạm này vẫn tồn tại và mới đây nhất, từ ngày 18/12, hàng chục lái xe đã dán biểu ngữ, tập trung tại khu vực trạm gây ra ùn tắc cục bộ. Đại diện Cục Quản lý đường bộ 1 (Bộ GTVT) cho biết, do một số tài xế phản đối nên trạm thu phí Bắc Thăng Long phải xả trạm nhiều lần từ ngày 18/12. Từ đêm 19 đến trưa 20/12, trạm lại mở barie liên tục cho các xe đi qua. Để đảm bảo an toàn giao thông, lực lượng thanh tra của Cục Quản lý đường bộ 1 và công an địa phương luôn túc trực để đảm bảo trật tự, an toàn giao thông tại trạm này nên không có tình trạng ùn tắc giao thông trên tuyến đường Võ Văn Kiệt.

Sau đó, Bộ GTVT đã chỉ đạo Tổng cục Đường bộ Việt Nam, Công ty Cổ phần BOT Vietracimex 8 phải đảm bảo an ninh trật tự và an toàn giao thông tại trạm thu phí Bắc Thăng Long, báo cáo tình hình và kết quả thực hiện về Bộ trước ngày 25/12.

Dự án xây dựng quốc lộ 2 được Chính phủ phê duyệt và Bộ GTVT ký kết với Công ty Cổ phần BOT Vietracimex 8 theo hình thức BOT. Dự án này có giá trị quyết toán đầu tư là 505 tỷ đồng, hoạt động từ ngày 28/12/2010. Nguồn thu hoàn vốn cho dự án là trạm Bắc Thăng Long - Nội Bài với thời gian 16 năm 10 tháng. Giữa năm 2018, UBND Hà Nội đã kiến nghị Bộ GTVT xóa bỏ trạm thu phí này.

Tình trạng ùn tắc tại tuyến giao thông huyết mạch này vào thời gian cận Tết đã khiến nhiều lái xe, người dân lo lắng. Lái xe Trần Văn Nhưng, chạy tuyến Sa Pa (Lào Cai) - Hà Nội cho biết, xe của doanh nghiệp nơi anh làm việc thường xuyên chạy cung đường qua trạm để về Bến xe Mỹ Đình. Khách cũng quen với lộ trình này, nhưng những ngày vừa qua, trạm thu phí ùn tắc, hành khách đã phản ứng. Xe khách không giống xe hợp đồng, việc né tuyến đường ùn tắc để sang tuyến mới là bất khả thi vì đi như vậy là trái với luồng tuyến được cấp phép. “Nếu tình hình không khả quan thì cánh lái xe chúng tôi dễ bị mất Tết” – anh Nhưng nói.

Muốn xả cũng không dễ

Tình trạng ùn tắc giao thông tại các trạm thu phí BOT đang diễn biến phức tạp. Không chỉ cuối tuần mà ngày thường vào cuối giờ chiều, trạm BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ thường ùn tắc kéo dài. Tài xế phải mất cả nửa tiếng đồng hồ mới thoát khỏi nút giao thông này.

Liên quan đến việc chống ùn tắc dịp Tết, Công ty Cổ phần BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ cho biết sẽ có văn bản gửi Bộ GTVT, Tổng cục Đường bộ Việt Nam nhằm đề xuất việc miễn phí vé qua trạm BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ trong 3 ngày nghỉ Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019 là 30 tháng Chạp, mùng 1 và mùng 2 Tết. Theo nhà đầu tư, việc đưa ra đề xuất này nhằm giúp giảm tắc nghẽn tại cửa ngõ phía Nam Hà Nội trong ngày lễ Tết, đồng thời tạo điều kiện cho cán bộ công nhân viên của trạm thu phí được nghỉ đón Tết cùng gia đình.

Về việc này, Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho rằng, theo quy định của pháp luật, nhà đầu tư không được tự ý miễn phí tại trạm thu phí BOT, trừ khi nhà đầu tư tự bỏ tiền ra để bù vào. Việc xả trạm để giải tỏa ùn tắc giao thông luôn được Tổng cục yêu cầu các nhà đầu tư, đơn vị khai thác các tuyến đường thực hiện trong các dịp cao điểm, lễ Tết.

Trước đó, để giúp người dân đón Tết an lành, Thủ tướng Chính phủ đã ra công điện gửi các Bộ ngành, UBND các tỉnh về việc đảm bảo trật tự, an toàn giao thông. Công điện xác định, Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán Kỷ Hợi và Lễ hội xuân 2019, dự báo nhu cầu đi lại của người dân vẫn sẽ tăng cao, dẫn đến quá tải về phương tiện tham gia giao thông và vận tải khách, tăng nguy cơ ùn tắc, tai nạn giao thông.

Để bảo đảm trật tự, an toàn giao thông cho nhân dân vui đón dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán Kỷ Hợi và Lễ hội xuân 2019, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra, chỉ đạo các trạm thu phí đường bộ tổ chức phân luồng giao thông hợp lý, kịp thời xử lý, giải tỏa phương tiện, không để xảy ra ùn tắc tại các trạm thu phí; chủ động mở barie để giải tỏa phương tiện khi xảy ra tắc đường. Bộ Công an và công an các địa phương được chỉ đạo phải tăng cường bảo đảm an ninh, trật tự tại các cảng hàng không, nhà ga, bến xe, các trạm thu phí và các lễ hội lớn. Phối hợp chặt chẽ với ngành giao thông vận tải có phương án tổ chức, điều tiết giao thông, sẵn sàng giải tỏa, cứu nạn kịp thời khi xảy ra sự cố, tai nạn, không để phát sinh ùn tắc kéo dài, nhất là trong ngày đầu và ngày cuối đợt nghỉ Tết trên các tuyến trục chính ra vào thành phố Hà Nội và TPHCM.

UBND Hà Nội và TP HCM được Chính phủ giao phải có phương án tổ chức, điều tiết giao thông, bố trí đủ lực lượng và phương tiện, ứng trực trên các tuyến giao thông trọng điểm, các trục chính ra vào thành phố; thực hiện phân luồng tại các khu vực giao thông phức tạp, giải tỏa kịp thời khi xảy ra ùn tắc, không để ùn tắc kéo dài, nhất là trong ngày đầu, ngày cuối đợt nghỉ Tết.

 

Minh Anh

Theo Giadinh.net.vn