Cơ hội xuất khẩu đồ bảo hộ y tế, khẩu trang vào EU - Mỹ trong dịch Covid-19. Ảnh: Hoài Nam

Các hãng thời trang chuyển hướng

Nhằm bù đắp doanh thu sụt giảm trong dịch Covid-19, hãng thời trang IVY moda vừa tung ra sản phẩm, bộ bảo hộ phòng dịch người lớn sử dụng một lần bao gồm áo mũ liền quần, bao chân được bán với giá từ 80.000-100.000 đồng/bộ. Cũng giống IVY moda, Công ty May 10 đã cho ra thị trường bộ bảo hộ phòng dịch với giá 538.000 đồng/bộ, kèm đồ bảo hộ cho cả vali kéo với những người hay di chuyển. Hãng thời trang Format, Tokyo Life đã chuyển sang sản xuất khẩu trang, kính chống giọt bắn... giá rẻ như: Mũ kèm kính mềm bảo hộ 200.000 đồng/chiếc, kính mặt chống giọt bắn cứng 45.000 đồng/chiếc.

Trong khi đó, một số hãng kinh doanh thời trang nhỏ lẻ cũng kịp thời nắm bắt xu thế chung với việc chuyển sang sản xuất các sản phẩm phòng chống Covid-19 như: Khẩu trang, kính, mũ chống giọt bắn... bán trên các trang mạng điện tử Shoopee, Lazada, Tiki… Khảo sát trên các trang thương mại điện tử cho thấy, giá bán những mặt hàng này không quá đắt, hiện giá combo một bộ đồ phòng dịch bao gồm bộ đồ bảo hộ, bọc giày, kính, găng tay, khẩu trang là 175.000 đồng, nếu mua lẻ đồ vô trùng có giá 100.000 đồng/bộ.

Rất nhiều tiêu chuẩn khi xuất hàng vào EU và Mỹ

Việc Mỹ và các nước EU đang có nhu cầu nhập khẩu trang phục bảo hộ y tế và khẩu trang với số lượng lớn để phòng chống dịch Covid-19 đã mở ra cơ hội cho DN dệt may XK trong nước. Theo Giám đốc Công ty VietGo Nguyễn Tuấn Việt (DN xúc tiến XK), hiện nhu cầu đặt hàng sản phẩm truyền thống giảm mạnh, nhưng có khoảng 300 đơn đặt hàng khẩu trang XK. “Đây là cơ hội tốt ngành dệt may sản xuất, XK khẩu trang vải, trang phục bảo hộ y tế" - ông Việt nói.

Theo nhiều chuyên gia kinh tế, mặc dù thế giới đang có nhu cầu trang phục bảo hộ y tế và khẩu trang, nhưng để XK khẩu trang, quần áo bảo hộ y tế vào Mỹ, EU các DN Việt phải đáp ứng được các tiêu chuẩn, quy định của những thị trường này. Đây là điều kiện không dễ thực hiện. Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam Trương Văn Cẩm cho biết: May khẩu trang và đồ bảo hộ không khó nhưng cái khó là phải đạt chứng chỉ y tế của EU và Mỹ. “Thị trường XK khẩu trang và đồ bảo hộ rất triển vọng trong bối cảnh dịch Covid-19 nhưng cơ hội chỉ dành cho những DN có được chứng chỉ đi châu Âu và Mỹ" - ông Cẩm nói.

Chia sẻ cơ hội và thách thức khi DN dệt may tìm đường XK khẩu trang, quần áo bảo hộ y tế, Tổng Giám đốc Công ty Dệt lụa Nam Định Đào Văn Phương cho rằng: Hiện nhiều nước châu Âu chủ yếu dùng khẩu trang y tế nên chưa có tiêu chuẩn cho khẩu trang vải. Do đó, việc XK sẽ không dễ dàng. Thương vụ Việt Nam tại Bỉ cũng đưa ra cảnh báo: DN muốn XK khẩu trang, quần áo bảo hộ y tế vào EU, phải có nhãn CE (thích ứng với các quy định của EU), hoặc đáp ứng 11 tiêu chuẩn mà EU cùng các nước thành viên đưa ra trong trường hợp chưa có nhãn CE. Do đó việc sản xuất đại trà khẩu trang, quần áo bảo hộ y tế mà không theo tiêu chuẩn kỹ thuật nào rất có thể sẽ không XK được vào EU, gây dư thừa, thiệt hại về kinh tế nếu không tiêu thụ được ở các thị trường khác.

Mặc dù không dễ XK khẩu trang vải, quần áo bảo hộ y tế nhưng nếu DN đáp ứng được yêu cầu của đối tác thì đây cũng là cơ hội cho DN dệt may tái cơ cấu hàng hóa, tăng kim ngạch XK giúp bù lại những đơn hàng khác bị ảnh hưởng do dịch Covid-19.

Theo Kinh tế & Đô thị