Theo đề án được phê duyệt nhằm mục tiêu phát triển đô thị thông minh bền vững ở Việt Nam hướng tới tăng trưởng xanh, phát triển bền vững, khai thác, phát huy các tiềm năng và lợi thế, nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực; khai thác tối ưu hiệu quả tài nguyên, con người
Cụ thể, Đề án phấn đấu đến năm 2020 xây dựng nền tảng cơ sở pháp lý phát triển đô thị thông minh, tiến hành công tác chuẩn bị đầu tư triển khai thí điểm ở cấp khu đô thị và đô thị.
Trong đó, thực hiện rà soát, xây dựng khung pháp lý chung về phát triển đô thị thông minh bền vững, ban hành các cơ chế chính sách áp dụng cho các khu vực triển khai thí điểm; xây dựng và thí điểm triển khai áp dụng Khung tham chiếu ICT phát triển đô thị thông minh, xây dựng hệ thống hạ tầng dữ liệu không gian đô thị, hợp nhất các dữ liệu đất đai...
Đến năm 2025 thực hiện giai đoạn 1 thí điểm phát triển đô thị thông minh. Trong đó, tiến hành xây dựng, hoàn thiện hành lang pháp lý, các quy định quy phạm pháp luật trên cơ sở sơ kết, tổng kết việc thực hiện thí điểm; triển khai áp dụng Khung tham chiếu ICT phát triển đô thị thông minh tại Việt Nam...
Định hướng đến năm 2030, hoàn thành thí điểm giai đoạn 1, từng bước triển khai nhân rộng theo lĩnh vực, khu vực, hình thành mạng lưới liên kết các đô thị thông minh, có khả năng lan tỏa.
Cụ thể, hình thành các chuỗi đô thị thông minh khu vực phía Bắc, miền Trung, phía Nam và vùng đồng bằng sông Cửu Long, lấy TP. Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Cần Thơ là hạt nhân, hình thành mạng lưới liên kết các đô thị thông minh.
Lộ trình triển khai thực hiện dự án trên cơ sở chấp thuận về nguyên tắc 7 nhóm nhiệm vụ ưu tiên. Kinh phí thực hiện dự án được huy động từ các nguồn vốn doanh nghiệp, vốn vay ODA, ngân sách Nhà nước...
Bên cạnh đó,bộ phận nghiên cứu từ Savills cho hay, trong 6 tháng đầu năm, lĩnh vực bất động sản tiếp tục nhận được sự quan tâm mạnh mẽ từ giới đầu tư nước ngoài, đứng đầu góp phần vào lượng vốn đăng kí cao kỉ lục với 4,971 tỷ USD.
Trong đó, lượng vốn ngoại chủ yếu rót vào dự án thành phố thông minh tại Hà Nội. Dự án có diện tích 271,82 ha với khoản đầu tư hợp tác liên doanh giữa 4 nhà đầu tư trong nước và Tập đoàn Sumitomo của Nhật Bản. Giai đoạn đầu dự kiến sẽ triển khai vào quý III năm nay.
Ghi nhận từ thực tế, giá đất nền ở huyện Đông Anh - một trong những khu vực bất động sản đang “dậy sóng” thời gian gần đây tại Thủ đô nhờ ăn theo thông tin đô thị thông minh.
Được biết, tại Đông Anh, dù giá đất một số khu vực xung quanh dự án mới được chào bán có tăng sau khi có cầu Nhật Tân và cầu Đông Trù nhưng so với các quận, huyện khác, nơi có dự án bất động sản nhiều hơn thì mặt bằng giá đất Đông Anh vẫn đi sau.
So với cùng kỳ năm ngoái, giá bất động sản Đông Anh có nhích lên nhưng không đột biến, dao động khoảng 2% nhưng còn phụ thuộc vào khả năng thành công của giao dịch. Có thể thấy, trong vòng 3 năm trở lại đây, thị trường bất động sản Đông Anh có những thay đổi quan trọng liên quan đến hạ tầng. Hạ tầng là lý do lớn nhất tạo nên sự kỳ vọng về khả năng tăng giá bất động sản.
Theo bà Nguyễn Hoài An, Giám đốc CBRE chi nhánh Hà Nội: "Giai đoạn từ 2008 - 2010 là thời điểm Hà Nội hào hứng với các dự án bất động sản ở các khu vực phía Tây, phía Bắc…
Trong đó, khu vực Đông Anh được kỳ vọng nhiều bởi dự án ở trục đường Nhật Tân – Nội Bài và cầu Đông Trù. Giá đất khu vực này từng tăng lên một cách mạnh mẽ. Tuy nhiên đến thời điểm hiện nay, bất động sản vẫn đang tập trung ở khu vực phía Tây nhiều hơn.
Đối với thị trường bất động sản, quy luật dễ nhận thấy là khu vực nào có hạ tầng mới thì sẽ ít nhiều có thay đổi. Cùng với cầu Nhật Tân, cầu Đông Trù, dự án thành phố thông minh sẽ tiếp tục tạo sự kỳ vọng cho nhà đầu tư về khả năng tăng giá bất động sản. Tuy nhiên, kỳ vọng đến đâu còn phụ thuộc vào tiến độ dự án, thực tế hạ tầng, động thái của nhà đầu tư..."