Theo báo cáo của Tổng cục thống kê năm 2017, trong các ngành nghề kinh doanh, kinh doanh bất động sản là ngành nghề có số DN đăng ký thành lập mới tăng nhanh nhất về cả số lượng và số vốn trong năm 2017.

Trong năm 2017 có 5.065 DN kinh doanh bất động sản thành lập mới với tổng số vốn trên 388.000 tỷ đồng. Trung bình một ngày có đến 14 doanh nghiệp bất động sản ra đời và là Ngành nghề dẫn đầu cả nước về số lượng Doanh nghiệp thành lập mới.

Tuy nhiên, theo Báo cáo xếp hạng 100 nơi làm việc tốt nhất Việt Nam năm 2017 của Anphabe và Công ty nghiên cứu thị trường Intage Việt Nam vừa công bố cũng chỉ vỏn vẹn… 05 doanh nghiệp kinh doanh địa ốc được xướng tên, không tăng so với Bảng xếp hạng năm 2016.

Ths. Nguyễn Phạm Hữu Hậu, diễn giả, chuyên gia Marketing BĐS

Ths. Nguyễn Phạm Hữu Hậu, diễn giả, chuyên gia Marketing bất động sản

Kinh doanh địa ốc không còn là ngành hấp dẫn người lao động?

Xét phương diện Tổng thể về nhân lực trong ngành kinh doanh bất động sản, hầu như hiếm có người lao động nào ở vị trí lãnh đạo cao cấp (loại trừ người trong gia đình hay người có cổ phần lớn) trụ vững trong Doanh nghiệp quá… ba năm.

Đây là góc nhìn thực tế, cần phải nhìn thẳng vào vấn đề để tìm giải pháp tối ưu. Ở vị trí lãnh đạo cấp trung thì tỷ lệ “đào thải” gia tăng gấp bội và không tìm thấy một nhân viên kinh doanh địa ốc nào trong suốt năm năm liền không thay đổi nơi làm việc.

Liệu có phải, nhân sự ở Việt Nam không đáp ứng được nhu cầu phát triển của doanh nghiệp? Khoan hãy trả lời đúng - sai!

Ngành kinh doanh địa ốc là ngành luôn có nhu cầu tuyển dụng lực lượng lao động hàng năm tương đối lớn. Không chỉ tập trung nhu cầu tuyển dụng ở các doanh nghiệp phân phối bất động sản đang “nở rộ” như “nấm mọc sau mưa” mà còn là nhu cầu chung của các doanh nghiệp chủ đầu tư kinh doanh bất động sản.

Nhu cầu lớn, nhưng người lao động tham gia ngành này ngày càng thiếu hụt trầm trọng. Nguyên nhân vì sao, hầu như các doanh nghiệp kinh doanh địa ốc đều biết rõ. Đó là cơ chế lương, các chính sách đãi ngộ người lao động nhằm thu hút nhân tài của các doanh nghiệp chưa thật sự tốt đủ để đáp ứng nhu cầu “tối thiểu” của người lao động, trong khi hầu hết những người lao động đều là người… tỉnh lẻ, sinh sống và làm việc tại các thành phố lớn trên cả nước.

Theo bảng xếp hạng Top 100 Doanh nghiệp có môi trường làm việc tốt nhất Việt Nam do Anphabe khảo sát và công bố hàng năm, hầu hết các Doanh nghiệp Top đầu đều là những công ty lớn trong ngành tiêu dùng nhanh, công nghệ, viễn thông và ngân hàng.

Trong năm 2016 chỉ có vỏn vẹn 5 doanh nghiệp trong ngành xây dựng và kinh doanh địa ốc được xướng tên, đến năm 2017 bảng xếp hạng thêm sự góp mặt của “tân binh” ngành Kinh doanh Địa ốc là Sun Group. Tuy nhiên, các bậc thứ hạng cũng có sự thay đổi rất lớn.

Dựa theo Bảng xếp hạng năm 2017 do Anphabe vừa công bố duy chỉ có hai doanh nghiệp tăng hạng so với bảng xếp hạng năm 2016 là Vingroup từ hạng 37 lên 31 và Coteccon Group từ 68 lên 54. Còn lại những ông lớn như: Capital land, Hòa Bình Group... đều tụt thứ hạng.

Nhiều doanh nghiệp địa ốc tuyển dụng nhân sự liên tục

Nhiều doanh nghiệp địa ốc liên tục tuyển dụng nhân sự

Theo bảng xếp hạng Top 100 Doanh nghiệp có môi trường làm việc tốt nhất Việt Nam kể từ năm 2013 đến nay, đã có rất nhiều những “đại gia” trong ngành kinh doanh địa ốc với số vốn điều lệ của doanh nghiệp lên đến hàng nghìn tỷ vẫn… chưa được xướng tên mặc dùkết quả kinh doanh rất khả quan.

Cần nói thêm, không phải cứ doanh nghiệp nào kinh doanh thuận lợi, trả lương cao cho nhân viên thì người lao động hài lòng. Bên cạnh lương cao, các phúc lợi, chế độ đãi ngộ và tính công bằng, liêm khiết trong mỗi doanh nghiệp phải thực sự được chú trọng, đề cao. Trọng người tài – không thiên vị người nhà luôn là nguyên tắc bất biến.

Loay hoay tìm lời giải bài toán nhân sự

Câu chuyện thiếu hụt nhân sự trong ngành kinh doanh địa ốc không phải là câu chuyện mới mẻ, đã được “chẩn đoán” từ rất lâu. Đau lòng hơn khi sinh viên mới ra trường hay các ông “cử”, bà “thạc” ưu tiên chọn làm các công việc khác, không liên quan gì đến ngành kinh doanh địa ốc, mặc cho ngành này đang rất “khát” nhân sự. Thậm chí, có rất nhiều trường hợp chọn chạy xe ôm công nghệ thay vì “sơ mi, đóng thùng” ngồi trong văn phòng máy lạnh của các công ty kinh doanh địa ốc. Một nghịch lý đến độ đau lòng!

Một vài chủ doanh nghiệp trong ngành kinh doanh địa ốc đổ đã lỗi rằng: “Do người lao động chê lương thấp, lười biếng, ngại khó, ngại khổ…”. Đó là ý kiến cá nhân, không bao quát vấn đề. Bất kể, công việc lương thiện nào cũng cực khổ và đổ mồ hôi công sức, có lẽ người lao động không ngại cực khổ, gian nan như một vài chủ doanh nghiệp đã nhận định. Vấn đề, cơ chế lương sao cho phù hợp bởi lẻ mức lương cứng (net) dành cho nhân viên kinh doanh đang có xu hướng “cào bằng” đối với người có kinh nghiệm và không có kinh nghiệm ở một số doanh nghiệp đang diễn ra như hiện nay.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

 Vì sao nhân lực trong ngành kinh doanh địa ốc thiếu tính ổn định, bền lâu? Phần nhiều phụ thuộc vào môi trường làm việc. Một môi trường làm việc năng động, công bằng và đề cao tính sáng tạo trong mỗi cá nhân là điều mà người lao động luôn mong mỏi. Nguyên tắc lãnh đạo “trọng người nhà không trọng người tài” cần phải thay đổi đối với một vài doanh nghiệp chủ đầu tư.

Truyền lửa và giữ lửa nói thì dễ, nhưng chẳng có nhiều doanh nghiệp làm được điều đó. Một doanh nghiệp được người lao động lựa chọn và mong muốn cống hiến chưa hẳn là doanh nghiệp bề thế, có tiếng tăm trên thương trường, càng không phải là nơi có mức lương cao ngất ngưỡng mà đơn thuần chỉ là một doanh nghiệp có nét Văn hóa đặc trưng và công bằng, liêm khiết.

Luật Nhà ở năm 2014 cho phép người nước ngoài hay Tổ chức nước ngoài được mua hay sở hữu bất động sản tại Việt Nam. Tuy nhiên, không phải bất kỳ dự án nào họ cũng được sở hữu và vẫn còn một số hạn chế đang chờ Chính phủ kiện toàn trong hệ thống văn bản phạm quy pháp luật. Vì thế, hầu hết hơn 95% khách hàng kinh doanh hay đầu tư địa ốc tại Việt Nam đều là người Việt Nam. Một vài chủ đầu tư yêu cầu tuyển dụng người lao động giỏi ngoại ngữ để tư vấn bán hàng cho người Việt là một “nghịch lý” cần làm rõ, ngoại trừ một vài dự án chủ yếu đầu tư, xây dựng để… M&A (sáp nhập và chuyển nhượng) cho các cá nhân hay tổ chức nước ngoài.

Theo diễn giả, chuyên gia tư vấn Văn hóa Doanh nghiệp Nguyễn Tuấn Anh: “Doanh nghiệp cần định vị được văn hóa đặc trưng của mình, đã có những gì và cần làm những gì để thu hút và giữ chân nhân tài, không chỉ ở vấn đề lương bổng mà còn ở sách lược “Đắc nhân tâm” của vị tổng giám đốc điều hành!”. Sử dụng lao động là người Việt, được đào tạo bài bản ở Việt Nam không hẳn là không tốt. Họ có những ưu điểm vượt trội trong ngành kinh doanh địa ốc tại Việt Nam so với lao động là người nước ngoài bởi: Am hiểu luật pháp Việt Nam, môi trường kinh doanh và văn hóa Việt Nam, cần cù, chịu khó và ham học hỏi. Đối với ngành kinh doanh địa ốc, doanh nghiệp định hướng kinh doanh quốc tế, sánh vai cùng bè bạn năm châu hẳn là điều rất tốt, nhưng trước tiên hãy phục vụ tốt cho… hơn 90 triệu dân Việt, sau đó hãy nghĩ điều lớn lao hơn.

 

Theo Reatimes.vn