Tại hội nghị đã có 24 doanh nghiệp, hộ sản xuất nông sản tỉnh Lâm Đồng tham gia trao đổi, thảo luận với đại diện của Công ty cổ phần Dịch vụ Thương mại tổng hợp WinCommerce. Ngay trong buổi gặp gỡ, đã có 15 doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất ký kết biên bản hợp tác với Công ty cổ phần Dịch vụ Thương mại tổng hợp WinCommerce.
Theo ông Bùi Thế, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Lâm Đồng, hệ thống bán lẻ WinMart/WinMart+ có gần 3.000 cửa hàng, siêu thị tại 63 tỉnh thành. Việc kết nối với WinMart tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tỉnh Lâm Đồng có cơ hội giới thiệu và cung ứng sản phẩm của mình trên thị trường nội địa. Trong thời gian vừa qua, nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh chưa có cơ hội kết nối với các nhà phân phối lớn. Do đó, rất khó khăn cho việc cung ứng các sản phẩm của mình ra thị trường.
Trong thời gian tới, các ngành chức năng tỉnh Lâm Đồng sẽ tăng cường hơn nữa vai trò của cơ quan quản lý nhà nước; tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, nhà sản xuất kết nối với các nhà phân phối lớn để sản phẩm của Lâm Đồng vươn xa ra thị trường trong nước và thế giới.
Tại buổi tiếp xúc, các doanh nghiệp, hộ sản xuất tỉnh Lâm Đồng đều bày tỏ mong muốn đưa nông sản quảng bá và phân phối tại hệ thống WinMart. Cụ thể, các Công ty Trách nhiệm hữu hạn (TNHH) Bảo Thi huyện Đạ Huoai sản xuất trái sầu riêng, Hợp tác xã Laba Banana Đạ K’nàng ở huyện Đam Rông sản xuất chuối Laba, Công ty TNHH Cà phê nguyên chất Thái Châu ở thành phố Đà Lạt, Công ty TNHH Quỳnh Phương ở thành phố Đà Lạt, sản xuất các loại hoa chậu, hoa cắt cành… đều có sản phẩm xuất khẩu chủ yếu ra nước ngoài.
Tuy nhiên, các doanh nghiệp, hộ sản xuất này lại không kết nối được với hệ thống bán lẻ để đưa sản phẩm cung ứng thị trường trong nước. Bởi vậy, nhu cầu đưa nông sản Lâm Đồng lên kệ bán hàng của các nhà phân phối lớn, nhất là nhà phân phối hàng đầu như WinMart/WinMart+ là mong muốn của nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ trên địa bàn toàn tỉnh.
Bà Phạm Huyền Trang, đại diện Công ty cổ phần Dịch vụ Thương mại tổng hợp WinCommerce đã trao đổi, thảo luận với đại diện 24 doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh; cung cấp các thông tin, điều kiện hợp tác của công ty với các doanh nghiệp, nhà sản xuất nông sản và bày tỏ sự mong muốn hợp tác với các doanh nghiệp Lâm Đồng. Tuy nhiên, mong muốn của nhà phân phối là các nhà sản xuất của Lâm Đồng phải xây dựng được các hiệp hội, cộng đồng sản xuất đủ lượng hàng hóa và đồng đều về chất lượng, cung cấp cho hệ thống bán lẻ WinMart mới để tạo sự liên kết bền vững…
Đến năm 2021, tỉnh Lâm Đồng có 300.000 ha canh tác, mỗi năm sản xuất 2,7 triệu tấn rau, hơn 3 tỷ cành hoa, gần 300.000 tấn cà phê, 175.000 tấn chè và 250.000 tấn trái cây cùng các loại nông sản khác. Trong đó, diện tích sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đạt 63.370 ha, chiếm 21% diện tích canh tác và 40% giá trị sản xuất ngành trồng trọt.
Lâm Đồng đã có 127 sản phẩm OCOP từ 3-5 sao, 115 sản phẩm được công nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh, cấp khu vực và cấp quốc gia…Đặc biệt, tỉnh đã xây dựng và tập trung, quảng bá thương hiệu “Đà Lạt- Kết tinh kỳ diệu từ đất lành” đối với 4 nhóm sản phẩm gồm: rau, hoa, cà phê Arabica và Du lịch canh nông. Đến nay, đã có 631 tổ chức, cá nhân được cấp quyền sử dụng nhãn hiệu chứng nhận thương hiệu này.
Tại hội nghị kết nối đã có 15/24 doanh nghiệp, hợp tác xã, nhà sản xuất Lâm Đồng ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác kinh doanh với đại diện Công ty Cổ phần Dịch vụ Thương mại tổng hợp WinCommerce.
Ngành công thương Lâm Đồng bày tỏ mong muốn, Công ty cổ phần Dịch vụ Thương mại tổng hợp WinCommerce tìm hiểu, nghiên cứu, hợp tác và có nhiều chính sách ưu đãi, ký kết những biên bản ghi nhớ với các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ sản xuất sản phẩm nông nghiệp của tỉnh Lâm Đồng, phân phối, tiêu thụ tại hệ thống siêu thị, cửa hàng WinMart+ trên toàn quốc.
WinCommerce luôn duy trì tỷ lệ hơn 90% hàng hóa nội địa tại WinMart/WinMart+, trong đó các mặt hàng nông sản đóng góp khoảng 30% doanh thu. Để đảm bảo tính ổn định trong nguồn cung nông sản, hiệu quả dài dạn, WinCommerce đẩy mạnh liên kết với địa phương trên cả nước để tổ chức sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông sản trên toàn hệ thống. Thông qua WinMart/WinMart+, sản phẩm chất lượng của nhà sản xuất, người nông dân được phân phối rộng khắp, cắt giảm chi phí trung gian, nhanh chóng đến tay người tiêu dùng.