Trong đó, chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ… là một trong những từ khoá mà các doanh nhân chia sẻ để vượt "bão" Covid-19.
Không bỏ trứng vào một giỏ
Theo ông Phan Xuân Anh - Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Du ngoạn Việt cho biết, một trong những bí quyết được ông thực hiện từ nhiều năm qua là "không bỏ trứng vào một giỏ". Đại dịch Covid-19 tác động nặng nề tới kinh tế toàn cầu, buộc bản thân từng doanh nghiệp phải thích nghi để vượt qua khó khăn.
Để ứng phó với đại dịch công ty ngay lập tức chuyển đổi cơ cấu dòng khách từ phổ thông sang phân khúc khách cao cấp. Doanh nghiệp trước đây chuyên phục vụ khách quốc tế, nhưng khi thị trường khách này đóng cửa đã chuyển sang đào tạo thêm cho cán bộ nhân viên để tập trung phục vụ khách nội địa tốt hơn. Đầu tư thêm một số sản phẩm du lịch phù hợp với nhu cầu của từng dòng khách, từng phân khúc khách...
"Như tour trên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, khách đi tour chuyển sang các nhóm nhỏ từ 4-6-8 người, ngồi trên thuyền được nghe nhạc, có phần ăn riêng… Hay một resort 5 sao của chúng tôi ở Tiền Giang sau chuyển đổi vẫn tiếp tục đón du khách, đến giờ này lượng khách đặt phòng thường xuyên hơn" – ông Phan Xuân Anh cởi mở.
Chủ doanh nghiệp du lịch này bộc bạch một trong những điều quan trọng và tự hào Du ngoạn Việt làm được lúc này là giữ cho được đội ngũ nhân viên của mình, nhất là nguồn lực nhân sự trung cao cấp để chuẩn bị cho tương lai, khi ngành du lịch hồi phục trở lại.
Với vai trò điều hành doanh nghiệp, ông Trần Văn Long (Tổng giám đốc CTCP Truyền thông Du Lịch Việt) cho biết dịch Covid-19 ập đến khiến doanh nghiệp điêu đứng, xoay chuyển 100% vì trước đây đều kiếm tiền nhờ đưa du khách Việt đi du lịch nước ngoài. Hệ quả là công ty đang từ hơn 1.000 nhân sự du lịch lữ hành, nhà hàng - khách sạn… đã phải giảm xuống còn vài chục người.
Không chịu khuất phục trước hoàn cảnh, vị doanh nhân này đã tìm cách xoay sở, lấy công ty Ecom Net thành lập từ trước để chuyển sang sản xuất khẩu trang, đồ bảo hộ…Lúc đầu vay không ai cho, vì rủi ro lớn. Phải nhờ người khác đứng tên vay ít tiền, huy động từ gia đình, anh em…
Giá một chiếc máy vốn chỉ 500-700 triệu nhưng đại dịch đã khiến máy tăng gấp 10, nên ông nghĩ cách mua linh kiện về lắp ghép, đến nay đã có hơn 362 đơn vị, bệnh viện tại Mỹ dùng khẩu trang "Made in Vietnam" do công ty sản xuất, nhiều hợp đồng kéo dài 3-5 năm, tạo công ăn việc làm cho hơn 800 nhân sự, nhiều người vốn là hướng dẫn viên du lịch, phục vụ nhà hàng - khách sạn… ông Long kể.
“Bẻ lái” vào mảng thực phẩm bảo vệ sức khoẻ
Ông Nguyễn Đặng Hiến (Tổng giám đốc Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Tân Quang Minh - Bidrico), cho biết đến giờ chưa một nhân viên nào của công ty phải nghỉ việc dù doanh nghiệp cũng không tránh khỏi tác động của đại dịch. Ngay khi đại dịch xuất hiện, công ty đã triển khai giải pháp thống kê, nắm lại thị phần, thông tin thị trường từ các kênh phân phối, kênh du lịch, nhà hàng, khách sạn… để từ đó có kế hoạch tung hàng kịp thời.
Bidrico cũng chuyển đổi sản phẩm bằng việc tìm nguồn nguyên liệu trong nước, tìm sản phẩm bổ dưỡng, gần thiên nhiên như sản phẩm củ quả, trái cây, nước chanh muối… - ông Nguyễn Đặng Hiến chia sẻ.
Còn ông Nguyễn Viết Hồng (Tổng Giám đốc Công ty CP Phát triển Khoa học Công nghệ Vi Na - Vina CHG) cho biết, trong thời gian dịch, công ty vẫn mạnh dạng nhập khẩu nguyên liệu dù có thể gặp rủi ro. Bởi, nếu trong hoàn cảnh "đằng nào cũng chết" thì nếu dám làm, dám bỏ tiền mua nguyên liệu, khi hàng về được chắc chắn sẽ "sống".
Vina CHG có nhà máy chuyên in tem công nghệ cao bảo mật với 500 tập đoàn lớn đang dùng giải pháp chống giả của chúng tôi. Dịch bùng phát, hàng giả càng nhiều, nhất là ở sản phẩm khẩu trang. Trong khi đó, nếu không có con tem chống hàng giả dán vào sản phẩm thì người tiêu dùng không biết để mua.
Ngoài ra, Vina CHG cũng tranh thủ tìm mảng kinh doanh khác như nuôi hươu, nuôi yến… để sản xuất sản phẩm nâng cao sức khỏe cho người tiêu dùng.
Ông Nguyễn Đình Tùng (Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Xuất nhập khẩu Vina T&T) chia sẻ kinh nghiệm vượt bão của doanh nghiệp mình là khi dịch Covid-19 bùng phát đợt đầu và tập trung chủ yếu từ Trung Quốc, những thị trường xuất khẩu hầu như chưa ảnh hưởng, không tránh khỏi tư tưởng chủ quan.
Tuy nhiên, sớm nhận ra tác động của đại dịch đã lan tới toàn cầu và đằng sau doanh nghiệp là hàng ngàn hộ nông dân, lãnh đạo Vina T&T đã nhanh chóng có giải pháp ứng phó bằng cách gặp gỡ nông dân, nói họ hy sinh, tạm thời điều chỉnh để không cho ra trái và họ rất đồng cảm, chấp nhận... Rất may là mọi việc đã đi đúng hướng, ông Tùng nói.
Chủ tịch Vina T&T bày tỏ cảm ơn Chính phủ khi đã rất nỗ lực trong việc xử lý những vướng mắc để đưa chuyên gia Mỹ về Việt Nam, giúp doanh nghiệp có thể xuất khẩu trái cây sang Mỹ.
“Nắm chặt” từ khoá chuyển đổi số
Khi mọi mặt bị tác động tiêu cực thì thanh khoản mảng bất động sản “đông cứng” là điều dễ lý giải. Tuy nhiên, với CTCP Tập đoàn Hưng Thịnh do ông Võ Văn Khang làm Phó Tổng giám đốc thì khác.
Ông Khang chia sẻ dù Covid-19 đến bất ngờ, không ít doanh nghiệp bất động sản phá sản, nhưng nhờ phân vùng khách hàng, áp dụng chuyển đổi số nên các hoạt động, kênh liên lạc nội bộ và khách hàng diễn ra liên tục, đạt hiệu quả. Tính đến nay nhân sự của tập đoàn tăng khoảng 8% so với năm 2019.
Ông Khang cho biết, nhờ tái cấu trúc từ 2 năm trước khi chuyển đổi sang mô hình tập đoàn, doanh nghiệp đã nhanh chóng có bức tranh tổng thể, từ đó lựa chọn được phân khúc phù hợp để dồn nguồn lực vào. Nhờ vậy, doanh nghiệp không bị giảm doanh số bán hàng, đồng thời dự án đầu tư cũng liên tục tăng mạnh.
“Bội thu” trong mùa dịch là Hưng Thịnh không cắt giảm nhân sự trong giai đoạn dịch bệnh mà nguồn nhân lực còn tăng 8% so với năm 2019, đặc biệt là nhân sự trung và cao cấp.
Còn ông Bùi Thanh Tùng (Phó tổng giám đốc Công ty CP Tập đoàn KIDO) cho biết, ngay khi dịch bắt đầu xảy ra, KIDO đã có quyết định táo bạo là nhập khẩu nguyên liệu từ nước ngoài trước nhiều tháng để chủ động nguồn nguyên liệu, tránh hoạt động sản xuất kinh doanh phải ngừng trệ…
Thậm chí, từ tháng 3 doanh nghiệp còn quyết định mua luôn cả nguyên liệu cho quý III/2020 để bảo đảm công việc cho cán bộ nhân viên, duy trì hoạt động. Và đến giờ, sau những giải pháp hiệu quả, 9 tháng đầu năm, ngành dầu KIDO đạt kết quả tăng 30% so với cùng kỳ khi doanh thu gần 6.000 tỉ đồng, lợi nhuận khá tốt; không nhân viên nào bị giảm lương, giảm thưởng…, ông Tùng kể lại quyết định táo bạo của mình.
Càng khó khăn doanh nhân càng phải có liên minh
Nếu hỏi dịch Covid-19 khiến ngành nào “tả tơi” nhất thì có lẽ Vietnam Airlines là cái tên được nhắc đến nhiều nhất. Tuy nhiên theo chia sẻ của bà Nguyễn Hồng Nga - đại diện Vietnam Airlines, dịch bệnh Covid-19 bùng phát lần sau là lúc Vietnam Airlines đã có kinh nghiệm xử lý nên nhanh chóng có chính sách với đại lý, khách lẻ trong hệ thống, cho phép đổi vé, đổi hành trình tùy từng loại vé; cho phép tiền cọc được bảo lưu đến hết tháng 6/2021. Với vé hoàn cũng đưa ra voucher để mua cho các đoàn khách mới.
Sau khi dịch bệnh Covid-19 lần này được kiểm soát, Vietnam Airlines sẽ có kịch bản kích cầu lần 2, vì vậy cần định hướng của Tổng cục Du lịch, Hiệp hội Du lịch Việt Nam để Vietnam Airlines xây dựng nhiều kịch bản kích cầu du lịch đến năm 2021.
Còn đại diện Vietjet Air cho biết, vẫn cố gắng đảm bảo quyền lợi cho các hãng lữ hành, bảo lưu vé trong 180 ngày và nghiên cứu để thời gian dài hơn, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp lữ hành hoạt động. Nhận định ảnh hưởng của dịch còn kéo dài, để khôi phục hoạt động, hàng không cần thời gian từ 3 - 5 năm.
Vượt "bão" Covid-19 là nhiệm vụ không của riêng doanh nghiệp nào mà đó là sứ mệnh của tất cả các doanh nghiệp – doanh nhân. Khốn khó của ngành Du lịch thì ai cũng thấy và câu chuyện gần 200 CEO của các doanh nghiệp, đơn vị lữ hành (Sun Group, Hanoitourist, AZA Travel, Hanoitourism, Evivatour, Travelogy, Threeland Travel...) đã lập ra từng nhóm trên facebook để kết nối và trao đổi các vấn đề liên quan đến xây dựng sản phẩm, marketing, truyền thông, cung cấp dịch vụ, khách sạn, tàu lưu trú du lịch, vé máy bay, homestay…. Đòng thời, thống nhất giá và cùng bán sản phẩm, cùng chia sẻ lợi ích, cạnh tranh bằng chất lượng và cùng tương trợ nhau vượt “bão” Covid-19... càng trong khó khăn doanh nhân càng phải có liên minh.