Bên cạnh đó, sức nóng của thị trường thịt heo thế giới cũng được dự báo sẽ kéo dài tới 2020.

Nhập khẩu tăng

Ngày 21/10, Sở Công Thương TP.HCM cho biết số liệu từ Cục hải quan TP.HCM cho thấy từ đầu năm đến ngày 15/10, thịt heo từ thị trường Braxin nhập về TP.HCM nhiều nhất với sản lượng 5.685 tấn, kim ngạch nhập khẩu 11,408 triệu USD, tiếp đến là Ba Lan 1.494 tấn, kim ngạch nhập khẩu 2,869 triệu USD; thị trường Mỹ 1.109 tấn, kim ngạch nhập khẩu 2,317 triệu USD; Tây Ban Nha 198 tấn, kim ngạch nhập khẩu 593,466 USD; Bỉ 346 tấn, kim ngạch nhập khẩu 972,221 USD.

Tổng sản lượng nhập khẩu từ đầu năm đến nay là 10.820 tấn tăng 155% so với cùng kỳ năm 2018; kim ngạch nhập khẩu 21,325 triệu USD tăng 155% so với cùng kỳ năm 2018.

Tính theo tỉ giá hôm nay (21/10) giá thịt heo Mỹ khoảng 48.000 đồng/kg; thịt heo Braxin 46.500 đồng/kg, thịt heo Ba Lan 44.250 đồng; thịt heo Bỉ 65.000 đồng/kg, thịt heo Tây Ban Nha 69.400 đồng/kg.

Theo Bộ NN&PTNT, cả nước nhập khẩu thịt heo trong chín tháng qua là 14.824 tấn, tổng giá trị 219,177 triệu USD.

Đối phó với thiếu hụt thịt heo

Không thể dựa vào nguồn thịt nhập khẩu

Trong 10 tháng đầu năm 2019, giá heo hơi trên thị trường cả nước biến động mạnh. Giai đoạn tháng 3-6 là lúc "cao điểm"của dịch tả heo Châu Phi khiến giá liên tiếp giảm, từ trung bình 43 nghìn đồng, 50 nghìn đồng và 50 nghìn đồng (lần lượt tại 3 miền Bắc, Trung, Nam) hồi đầu năm 2019, giá lợn hơi giảm xuống chỉ còn trung bình lần lượt 38 nghìn đồng, 35 nghìn đồng và 36 nghìn đồng vào cuối tháng 6/2019 – thời điểm giá thấp nhất kể từ đầu năm tới nay.

Bắt đầu từ tháng 7/2019, giá bắt đầu có dấu hiệu hồi phục khi nguồn cung trở nên khan hiếm. Liên tiếp tăng, giá đạt mức cao nhất trong năm vào ngày 17/10/2019, trung bình ở 3 miền lần lượt là 62 nghìn đồng, 60 nghìn đồng và 59 nghìn đồng mỗi kg lợn hơi, tức là cao hơn trên 60% so với lúc thấp điểm của tháng 6/2019. Có thông tin bắt đầu có hiện tượng lợn Thái Lan được nhập khẩu về một số địa bàn ở miền Nam.

Khảo sát một số người bán thịt heo ở các chợ cho thấy, hiện lượng heo trong dân ở nhiều địa phương hầu như không còn, heo sữa cũng khan hiếm vì heo nái bị dịch bệnh. Hiện nguồn cung thịt heo chủ yếu dựa vào các doanh nghiệp chăn nuôi lớn. Theo dự đoán, phải khoảng cuối quý 1 đến quý 2/2020 cung heo mới gia tăng rõ rệt, bởi người chăn nuôi nhỏ lẻ hiện tại phải chờ việc gây giống heo nái rồi mới có heo con để nuôi.

Bên cạnh đó, Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) cũng cho rằng sản lượng thịt heo toàn cầu năm 2020 sẽ vẫn giảm tiếp 10% do dịch ASF ảnh hưởng tới số lợn nuôi ở những nước sản xuất chủ chốt. Xuất khẩu thịt heo toàn cầu dự báo tăng 10% lên 10,4 triệu tấn, trong đó nhập khẩu của Trung Quốc dự báo sẽ tăng 35% và chiếm 35% tổng lượng nhập khẩu trên toàn cầu. Philippines cũng sẽ tăng 32% nhập khẩu do nguồn cung trong nước giảm mạnh vì dịch bệnh.

Một doanh nghiệp nhập khẩu cho biết giá thịt heo ngoại nhập có xu hướng tăng. Vì vậy, nếu nói hàng ngoại nhập giá rẻ, doanh nghiệp nhập về ồ ạt để bù đắp lượng heo thiếu hụt trong nước là không khả thi. Vì các nước họ cũng có kế hoạch chăn nuôi, sản xuất chứ không phải muốn tăng đàn là tăng, nhà nhập khẩu muốn mua bao nhiêu cũng được.

Theo Sở Công Thương TP.HCM, các doanh nghiệp trong chương trình bình ổn thị trường có kế hoạch dự trữ như Vissan dự trữ 3.600 tấn trong thời gian 45 ngày và sẽ nhập khẩu thêm nếu có biến động lớn. Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn sẽ cho xuất chuồng heo dưới tuổi, loại từ 80-100 kg/con...

Bên cạnh dự trữ thịt heo, các doanh nghiệp còn dự trữ thêm thịt gia cầm để trong trường hợp người dân có nhu cầu chuyển từ thịt heo sang sử dụng thịt gia cầm thì vẫn đảm bảo lượng cung ứng...

Theo Thời báo Chứng khoán Việt Nam