Thịt lợn tăng giá vù vù...
So với cùng thời điểm tháng 9, giá thịt lợn miền Bắc chỉ dao động ở mức 46.000-48.000 đồng/kg thì đến những ngày đầu tháng 10 giá thịt lợn bắt đầu tăng mạnh lên tới 63.000 -64.000 đồng/kg. Chỉ trong 10 ngày mức giá đã tăng từ 16.000-17.000/kg.
Tiếp tục theo khảo sát của phóng viên tại các chợ đầu mối là chợ đêm Minh Khai, Long Biên... giá lợn hơi vào sáng sớm ngày 13/10 đã lên tới 70.000 đồng/kg.
Theo đó, mức giá được bán về tay người dân tại các khu chợ Hà Nội cũng tăng lên chóng mặt. Cụ thể, tại chợ Ngã tư sở (Đống Đa), Chợ Chính Kinh (Thanh Xuân) Thịt ba chỉ dao động từ 110.000 đồng - 120.000 đồng/kg, thịt nạc vai 110.000 đồng/ kg, xương sườn: 120.000 đồng/ kg.
Giá thịt lợn có mức tăng không đồng đều giữa các nơi. Thậm chí, một số nơi ngoại thành Hà Nội, giá thịt lợn cao hơn trong nội đô. Ở chợ Kim Chung (Hoài Đức), giá thịt ba chỉ (13/10) có giá 130.000 đồng/ kg, thịt nạc thăn: 140.000 đồng/ kg, xương sườn: 130.000 đồng/ kg.
Tại các siêu thị, giá thịt lợn cũng tăng với mức giá không ngờ. Tại siêu thị Q. Mart, cùng ngày, thịt nạc vai có giá 125.000 đồng/kg, thịt thăn: 121.000 đồng/kg, thịt ba chỉ 129.000 đồng/kg.
Siêu thị Big C, nơi thu hút nhiều người tiêu dùng Hà Nội hơn cả, giá thịt lợn cũng không thua kém các siêu thị khác: 139.000 đồng/kg thịt ba chỉ 120.000 đồng/kg thịt vai , 130.000đồng/kg thịt thăn, 136.900 đồng/kg thịt nạc vai.
Tìm hiểu nguyên nhân tại sao giá thịt lợn lại tăng chóng mặt chỉ trong gần 1 tháng trở lại đây. Phóng viên, đã đến các chợ đầu mối, nơi trực tiếp thu mua lợn và phân phối lợn hơi về các khu chợ nhỏ của Hà Nội.
Có mặt tại khu vực cung cấp thịt lợn tại chợ đầu mối Minh Khai (Bắc Từ Liêm, Hà Nội) vào 5h sáng (13/10). Chị Thu Hằng (tiểu thương của chợ) cho biết: "Một tuần trở lại đây, mua lợn rất khó. Tôi phải tìm mua lợn ở các tỉnh quanh Hà Nội. Giá thịt lợn tăng như hiện tại là bình thường. Tôi sợ thời gian tới, giá thịt lợn còn tăng nữa. Thêm nữa, vừa xảy ra dịch tả lợn Châu Phi thì điều này là khó tránh khỏi, người dân cũng phải chấp nhận thôi".
Theo Cục xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, giá lợn hơi đã tăng từ đầu tháng 8/2019 trên cả nước do nguồn cung ứng thịt lợn khan hiếm, khi một lượng lớn lợn bị tiêu hủy do nhiễm dịch tả lợn châu Phi.
Tính đến ngày 22/7/2019, dịch tả lợn châu Phi đã xảy ra tại 6.016 xã, thuộc 558 huyện của 62 tỉnh, thành phố và con số lên tới hơn 3 triệu con, giảm 16% đàn lợn so với cùng kỳ năm 2018.
Do đó, từ nay đến Tết Nguyên đán, nguy cơ thiếu hụt thịt lợn sẽ rất lớn. Thứ trưởng Thường trực Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Công Tuấn cho biết, Bộ NN & PTNT đã biết điều này và đang phối hợp với các bộ, ngành có nhiều giải pháp nhằm đảm bảo nguồn.
Được biết, giá heo hiện tại ở Hưng Yên, Hà Nam, Ba Vì, Hà Nội dao động trong khoảng 62.000-64.000 đồng/kg có nơi lên tới 64.000- 65.000 đồng/kg. Giá lợn hơi tại Phú Thọ, Lào Cai, Hải Dương, Thái Nguyên được thu mua ở mức 60.000- 63.000 đồng/kg.
Tại miền Trung – Tây Nguyên và miền Nam giá heo cũng liên tục tăng. Cụ thể là, miền Trung – Tây Nguyên giá heo đồng loạt trên ngưỡng 50.000 đồng/kg, cao nhất là Thanh Hóa, Nghệ An với giá thu mua ở mức 60.000 đồng/kg.
Giá heo hơi xuất chuồng tại nhiều tỉnh thành phía Nam liên tục tăng, tổng cộng tăng từ 15.000-17.000/kg. Hiện, giá heo hai miền Nam, Bắc không còn chênh lệch lớn như trước đây.
Theo đó, với đà tăng giá như hiện tại, cùng với nhu cầu tiêu thụ ngày càng tăng vào dịp cuối năm, giá thịt lợn có thể sẽ tăng với mức giá kỷ lục trong nhiều năm.
Giá cao, người dân lo lắng
Thịt lợn tăng giá là nỗi lo của hầu hết người tiêu dùng bởi thịt lợn là thực phẩm thường xuyên xuất hiện trong thực đơn của mỗi gia đình Việt Nam. Giá thịt lợn tăng kéo theo giá thực phẩm chế biến từ thịt lợn cũng tăng là áp lực cho người tiêu dùng đặc biệt là những người có thu nhập thấp.
Chị Nguyễn Trường Giang (25 tuổi, Hà Đông) chia sẻ: “Trước tôi vẫn thường mua 50.000 đồng được gần 6 lạng thịt cả nhà ăn đủ 2 bữa, mà giờ giá lợn tăng, cầm 50.000 đồng ra chợ không biết chi tiêu như thế nào cho hợp lý. Cũng thử đổi sang thực phẩm khác nhưng thịt lợn vẫn là thực phẩm dễ chế biến và dễ ăn hơn cả".
Theo cô Lan, (Hoàng Mai) cho biết: "Giá cứ tăng như thế này thì chỉ khổ người dân, mức thu nhập cả ngày được 200.000 đồng mà thực phẩm cứ tăng liên tục, không biết chi tiêu sao cho hợp lý. Giá thịt lợn hiện tại đang tăng ở mức kỷ lục nhiều năm gần đây. Không biết đến tết mức giá này sẽ thay đổi như thế nào. Các thực phẩm tết theo thịt lợn như giò, chả, nem ... sẽ biến động ra sao. Người dân như chúng tôi khá lo lắng".
Trong khi đó, những người bán thịt lợn ở chợ "cóc" tại Hà Nội cũng đang ngao ngán do nhu cầu mua thịt lợn của người dân giảm hẳn. Theo chị Mai (Thanh Xuân) cho biết: "Thịt lợn lên giá khiến lượng mua tại quầy của tôi giảm hẳn. Trước một buổi sáng là hết bay con lợn nhưng giờ thịt đắt nhiều nhà chuyển sang ăn những thứ khác, hoặc vào hẳn trong chợ lớn, hoặc chợ đầu mối mua. Hai ngày nay, tôi bán được 50 kg -60kg thịt, kém hẳn 1 nửa so với trước kia. Mời mãi mới có người mua. Cuối buổi phải bớt chút giá để đổ thịt cho các nhà hàng. Giá thịt lợn cứ tiếp tục tăng như hiện tại, tôi cũng rất lo ngại"
Cùng hoàn cảnh, ông Nguyễn Xuân Tâm– tiểu thương bán ở chợ Hà Đông cho biết: "Giá thịt lợn hơi tăng, thậm chí, không có mà mua, giá 65.000 đồng/ kg hơi mà vẫn phải tranh nhau mới mua được. Người bán như chúng tôi cũng chịu sức ép vì giá cao, lượng mua giảm hẳn so với thời gian trước".
Với tình trạng giá thịt lợn vẫn liên tiếp tăng mạnh như hiện nay, cho thấy đã ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của người dân. Theo dự báo, cuối năm 2019 và dịp Tết 2020 thị trường cả nước có thể thiếu 0,5 triệu tấn thịt lợn, khoảng 20% nhu cầu.
Vì vậy giá lợn hơi đang tăng cao do tình trạng nguồn cung giảm. Theo đó, ngay trong thời điểm hiện tại rất cần sự tham gia của bộ ngành trong việc tìm giải pháp nguồn hàng thay thế thịt lợn cũng được các tỉnh thành tính tới nhằm ổn định thị trường, tránh tình trạng khan hàng, tăng giá vào cao điểm cuối năm.
Thứ trưởng Thường trực Bộ NN & PTNT Hà Công Tuấn cho biết, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang phối hợp với các bộ, ngành đưa ra các giải pháp nhằm đảm bảo nguồn cung và bình ổn thị trường trong nước. Trong các giải pháp đó, có cả phương án nhập khẩu thịt lợn.