Du lịch nội địa: Thời điểm vàng để phá băng?

Tại Hội nghị “Giới thiệu thời điểm vàng để khám phá du lịch Việt Nam" diễn ra vào ngày 16/5 tại Thanh Hóa do Hội đồng tư vấn Du lịch Quốc gia (TAB), Tổng cục Du lịch Việt Nam phối hợp cùng Bamboo Airways tổ chức, ông Nguyễn Trùng Khánh, Tổng cục trưởng Tổng cục Du Lịch cho hay, việc tạm ngừng các hoạt động du lịch không chỉ tác động nặng nề tới người lao động trong ngành du lịch mà còn ở tất cả các ngành.

Tuy nhiên, trước bối cảnh đất nước dần trở lại bình thường, Tổng cục Du lịch nhận thấy đây là thời điểm vàng để phá băng. Việc kích cầu hiện nay giúp các doanh nghiệp du lịch vượt qua khó khăn, bởi vậy các hiệp hội, doanh nghiệp, hãng hàng không, vận tải du lịch cùng hợp tác kích cầu để khôi phục du lịch nội địa.

Ông Trần Trọng Kiên, Chủ tịch TAB nhìn nhận, việc kích cầu du lịch nội địa là yếu tố quan trọng. Thị trường du lịch nội địa có thể tăng 95% trong 7 tháng cuối năm.

“Việt Nam đưa ra chiến dịch người Việt Nam đi du lịch Việt Nam. Thị trường người Việt có thể đi nước ngoài lên tới 16 triệu lượt khách, và thị trường này năm nay không thể đi nước ngoài được nữa và sẽ quay về đi du lịch Việt Nam”- ông Kiên phân tích.

Hàng không, lữ hành vào cuộc kích cầu du lịch nội địa hậu Covid-19

Trước cơ hội như vậy, theo ông Kiên, các công ty cần ưu tiên đưa ra các gói sản phẩm linh động, sáng tạo. Du lịch ngắn hạn, du lịch trong nước, du lịch theo nhóm nhỏ... Trên các cơ sở này, các doanh nghiệp có thể đưa ra các gói sản phẩm mới, phù hợp với nhu cầu mới.

Ông Cao Tường Huy - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh cho rằng, chúng ta đang đứng trước nguy cơ không hoàn thành mục tiêu đề ra về thu hút khách du lịch. Năm 2019, Quảng Ninh đón trên 14 triệu khách, trong đó hơn 5 triệu khách quốc tế, gần 10 triệu khách nội địa. Mục tiêu 2020 là gần 16 triệu khách, gồm 6,5 triệu lượt khách quốc tế và hơn 10 triệu khách trong nước.

“Đến bây giờ, tình hình rất gay go. Trong quý I/2020, tổng khách du lịch đến Quảng Ninh giảm 72%, trong đó khách quốc tế giảm 70%, khách nội địa giảm 75%.

Tổng thu từ du lịch trong quý I/2020 giảm 72% so với cùng kỳ năm 2019. Quảng Ninh xác định du lịch là một ngành mũi nhọn, như năm ngoái đóng góp 12,5% GDP. Riêng Hạ Long, trong quý I/2020 khách du lịch đến chỉ đạt 43% so với cùng kỳ năm ngoái”- lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh thông tin.

Cũng theo ông Cao Tường Huy, tỉnh Quảng Ninh đã đưa ra nhiều giải pháp để kích cầu du lịch như miễn giảm lệ phí với tất cả khách đến tham quan Hạ Long, khu du tích Yên Tử, bảo tàng... Ngoài ra, hỗ trợ tuyến xe buýt từ Vân Đồn đến Uông Bí, trong khi trước đây chỉ đến Hạ Long, thời gian hỗ trợ trong vòng 2 tháng…

Không “chặt chém”, luôn niềm nở

Chủ tịch Tập đoàn FLC, ông Trịnh Văn Quyết bày tỏ: “Chúng ta hiện chưa thực sự tìm ra giải pháp để thu hút khách du lịch mà chỉ chờ đợi người ta tìm đến với mình. Đối với FLC, chúng tôi luôn không ngừng tìm cách thu hút du khách tới.

Theo tôi quan sát, thời gian tới, người Việt sẽ có xu hướng đi du lịch trong nước nhiều hơn. Điều tôi mong muốn là những người làm du lịch hãy tuân thủ quy định, không "chặt chém" khách hàng, luôn lịch sự, niềm nở thì du lịch chắc chắn sẽ "phất".

Theo Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lê Quang Tùng, số lượng khách du lịch Việt Nam rất lớn nhưng tổng doanh thu, du lịch nội địa chỉ chiếm 45%, còn lại là từ khách quốc tế. Nguyên nhân là do người Việt Nam thường đi du lịch nước ngoài và chi tiêu rất nhiều.

Ông Tùng cho rằng, muốn mở du lịch phải mở hàng không. Địa phương đưa ra những chính sách, cố gắng hỗ trợ doanh nghiệp để thực hiện những kế hoạch phục hồi.

“Chúng ta có phục hồi được du lịch nội địa từ nay đến cuối năm cũng chỉ đạt một phần so với 2019. Tương lai còn khó khăn cho đến 2021 cho đến khi các ngành hoạt động lại bình thường.

Vì vậy, làm thế nào để người dân có tiền đi du lịch. Chúng ta cần chung tay làm việc này, từ hệ thống chính quyền địa phương. Trong đó cần kích cầu tiêu dùng nội địa, làm sao hỗ trợ người dân. Làm thế nào để người dân có tiền đi du lịch, đó mới là cái quan trọng. Hiện chưa có đề xuất cho vay kích cầu, phát triển du lịch nội địa...

Chúng tôi mong muốn sự liên kết giữa các doanh nghiệp địa phương với các bộ ban ngành để những chính sách được triển khai chặt chẽ hơn, địa phương cũng cần có chính sách chia sẻ với doanh nghiệp như Quảng Ninh.

Nếu không chia sẻ với các doanh nghiệp, chúng ta sẽ sụp đổ nhanh chóng”- ông Tùng nêu quan điểm.

Theo An ninh Thủ đô