Cuộc vận động không chỉ đi vào chiều sâu, tạo được sự quan tâm, hưởng ứng của người dân, doanh nghiệp... CVĐ còn giúp người tiêu dùng thay đổi thói quen mua sắm, hướng tới việc lựa chọn, sử dụng hàng sản xuất trong nước. Tuy nhiên, để người Việt có niềm tin thật sự khi sử dụng hàng Việt, vẫn cần sự chung tay của toàn xã hội.

Người tiêu dùng mua sắm trong phiên chợ hàng Việt Nam tại huyện Thanh Trì, Hà Nội. Ảnh: Lê Nam.

Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Văn Minh, khoảng hơn chục năm trước đây, nếu được hỏi người tiêu dùng về sự lựa chọn giữa hàng ngoại nhập và hàng Việt Nam, thì phần lớn người Việt Nam đều có chung quan điểm ưa chuộng thương hiệu nước ngoài. Bởi lẽ, về cảm quan, các mặt hàng sản xuất trong nước có chất lượng chưa cao, mẫu mã nghèo nàn, nhưng giá lại gần bằng hàng ngoại nhập. Chính vì vậy một thời gian dài, người tiêu dùng Việt không quan tâm, cũng như chưa có niềm tin vào chất lượng hàng Việt Nam.

Năm 2009, CVĐ “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã được phát động. Sau 10 năm thực hiện, CVĐ đã có sức lan tỏa lớn và làm thay đổi suy nghĩ của nhiều người tiêu dùng Việt Nam. Bà Nguyễn Thu Hiền ở quận Ba Đình (Hà Nội), cho biết: “Vài năm trở lại đây, tôi có thói quen đi chợ tại các siêu thị gần nhà và mua hàng chủ yếu do các doanh nghiệp trong nước sản xuất.

Từ rau củ quả, đến các hàng may mặc và nội thất trong gia đình. Không chỉ đa dạng chủng loại, mẫu mã, phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng, mà chất lượng các sản phẩm ngày càng cao không thua kém gì các sản phẩm nhập khẩu, giá bán lại phù hợp với túi tiền, nhất là những người về hưu. Vì vậy, gia đình tôi luôn tin tưởng và ủng hộ hàng Việt Nam. Đến nay hơn 80% các sản phẩm dùng trong gia đình là hàng sản xuất trong nước”. Còn anh Nguyễn Văn Tuấn, Giám đốc Công ty TNHH Hà Thành, chia sẻ: “Tôi có dịp đi tham quan và tham gia Hội chợ hàng tiêu dùng tại một số nước Đông - Nam Á, điều dễ nhận thấy, chất lượng hàng hóa Việt Nam đã được cải thiện rất nhiều, có thể sánh ngang với các nước trong khu vực”.

Theo Phó Giám đốc Sở Công thương Hà Nội - Trần Thị Phương Lan, để thực hiện CVĐ của TP Hà Nội, cùng với việc tập trung cải tiến, nâng cao chất lượng sản phẩm, các doanh nghiệp (DN) sản xuất, bán lẻ còn xác định nông thôn là thị trường rộng lớn để DN tiêu thụ quảng bá hàng Việt Nam. Tính từ năm 2009 đến năm 2018 các DN đã tổ chức 22 chuyến bán hàng phục vụ Tết; 29 tuần hàng Việt; 254 phiên chợ Việt, 3.200 chuyến bán hàng lưu động tại các huyện ngoại thành, khu công nghiệp, khu chế xuất.

Việc liên tục tổ chức các chuyến đưa hàng Việt về nông thôn đã tạo điều kiện cho các DN Việt chiếm lĩnh thị trường trong nước. Thực tế hoạt động bán lẻ trên địa bàn Hà Nội cho thấy, hàng hóa kinh doanh tại các siêu thị trên địa bàn TP như Big C, Co.op Mart chiếm từ 90% đến 95% là hàng Việt. Còn tại khu vực nông thôn, có tới 80% hàng hóa được bày bán là hàng Việt Nam, trong đó, sản phẩm phục vụ nhu cầu học tập của học sinh chiếm 90%.

Điều tra nghiên cứu dư luận xã hội do Viện Nghiên cứu dư luận xã hội, Ban Tuyên giáo Trung ương thực hiện cũng cho kết quả khả quan, khi 92% số người tiêu dùng Việt Nam được hỏi đã khẳng định họ rất quan tâm đến hàng sản xuất trong nước, 63% số người tiêu dùng khẳng định sẽ ưu tiên sử dụng hàng Việt, 54% số người tiêu dùng khuyên người thân, bạn bè lựa chọn sử dụng. Đó là một tín hiệu đáng mừng, những thay đổi rõ nét trong nhận thức, cũng như tư duy của người Việt đối với sản phẩm tiêu dùng trong nước.

Có thể thấy, trên chặng đường hơn 10 năm thực hiện CVĐ, cả cơ quan quản lý và DN đã phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức. Bên cạnh sự phát triển tích cực của thương mại điện tử cũng không tránh khỏi nhiều yếu tố tiêu cực: tình trạng chào bán hàng giả, hàng cấm, hàng nhập lậu trên các trang thương mại điện tử, mạng xã hội có xu hướng gia tăng và tiềm ẩn nhiều phức tạp... gây ảnh hưởng đến niềm tin của người tiêu dùng; một số hàng hóa Việt Nam chưa thật sự thu hút người tiêu dùng về mẫu mã, chất lượng và giá cả. Ngoài ra, nhiều DN còn thiếu kinh nghiệm, kỹ năng bán hàng, chăm sóc khách hàng, cho nên hiệu quả xúc tiến thương mại chưa cao. Công tác quản lý nhà nước của một số cơ quan chức năng còn thiếu chặt chẽ. Công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường còn chưa được thường xuyên.

Để CVĐ “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” không chỉ dừng lại ở việc ưu tiên, mà còn là động lực thúc đẩy, nhân lên niềm tự hào hàng Việt, thời gian tới phải đặt ra những yêu cầu đổi mới để CVĐ đi vào chiều sâu. Trong đó, cần tuyên truyền hỗ trợ cho DN từ khâu sản xuất, kinh doanh, xây dựng thương hiệu, tuyên truyền để DN có chỗ đứng nhất định tại thị trường trong nước cũng như sân chơi hội nhập.

Cùng với đó, Nhà nước cần có cơ chế khuyến khích, hỗ trợ sản xuất, lưu thông hàng hóa nội địa; hỗ trợ DN tiếp cận thị trường nông thôn. Để tạo niềm tin của người tiêu dùng, điều quan trọng là cần tăng cường công tác quản lý thị trường, đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng nhái, hàng không bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. Đề cao trách nhiệm gương mẫu của người đứng đầu cấp ủy, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị trong việc ưu tiên mua sắm, sử dụng hàng hóa thương hiệu Việt Nam.

Nguồn: https://kinhtemoitruong.vn/xay-dung-niem-tin-de-nguoi-viet-nam-dung-hang-viet-nam-8865.html

 

Theo Kinh Tế Môi Trường